Lễ mừng lúa trổ bông của người Cơ Ho, Lâm Đồng

Lễ mừng lúa trổ bông của người Cơ Ho (Lâm Đồng) là một trong những nghi lễ quan trọng nhất nhằm cúng tạ ơn Yàng sau những mùa thu hoạch, mừng vui của cả buôn làng…


Là một trong 3 dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng, người Cơ Ho có số dân đông nhất. Họ sống chủ yếu bằng canh tác lúa nước ở những thung lũng sâu, có lối sống tín ngưỡng thờ đa thần giáo như thần sông, thần núi, thần cây… Với đời sống văn hóa tinh thần phong phú nên các lễ hội thường gắn liền với các hoạt động nông nghiệp. Các lễ hội xoay quanh chu kỳ của mùa vụ và để cầu một năm mưa thuận gió hòa, cây lúa nhiều hạt, hạt chắc không bị sâu… Đây luôn là mơ ước của người Cơ Ho và là lý do đồng bào tổ chức Lễ “Mừng lúa trổ bông” vào tháng 7 hàng năm.

Lễ hội được tổ chức vào tháng 7 hàng năm. Quy mô của lễ hội lớn hay nhỏ, lễ vật nhiều hay ít tùy thuộc vào sự tham gia và đóng góp của mỗi hộ gia đình. Lễ được tổ chức trong một ngày với nhiều nghi thức khác nhau tại một mảnh đất bên cánh đồng lúa của dân làng. Sau đó mỗi gia đình cũng tự tổ chức lễ tại nhà của mình.

Nghi lễ mừng lúa trổ bông được bắt đầu bằng nghi thức đâm trâu, con trâu được đeo mặt nạ có biểu tượng âm dương đất trời. Dân làng và khách được mời quây tròn xung quanh cùng tham dự. Trước khi đâm trâu, già làng cùng những người có uy tín đứng thành hàng trước cây nêu, một người đại diện đốt cây trầm nước để hương thơm lan toả lấy cái may mắn xua đuổi cái xấu, cái không tốt đi nơi khác. Sau đó họ đọc lời khấn cầu Yàng, lời khấn có ý “xin yàng năm cũ đã qua, năm mới đã tới, xin yàng cho lúa nhiều hạt, đặng năm nay đủ ăn, dư đến sang năm”.



 
Bà con chuẩn bị cho lễ mừng lúa trổ bông. Ảnh: Internet

Trong lúc già làng chuẩn bị cầu khẩn, thanh niên trong làng đứng bên ngoài huýt sáo to 3 lần để kêu gọi, mời thần linh. Người được giao nhiệm vụ đâm trâu là người khỏe mạnh, có kinh nghiệm. Trước khi đâm, người ta chặt vào khuỷu hai chân sau của con trâu sau đó dùng giáo đâm mạnh vào ngực trâu để trâu chết nhanh. Theo người quan niệm của người Cơ Ho, trâu chết nhanh được cho là may mắn, điều đó có nghĩa là thần linh đã tiếp nhận vật hiến tế cùng lời thỉnh cầu của dân làng, giúp cho một vụ mùa sắp đến bội thu, mưa thuận, gió hòa, núi rừng yên ổn, dân làng no ấm.



Thực hiện nghi lễ đâm trâu trong lễ mừng lúa trổ bông. Ảnh: Internet

Sau khi trâu chết, già làng lấy máu trâu bôi lên cây nêu, máu có màu đỏ tượng trưng cho sự sống, sự sinh sôi nảy nở, sự mong ước của mọi người. Dân làng lấy máu trâu đựng trong ống tre hoặc bôi lên thanh tre vót nhọn có tua trắng và cây cỏ tranh có thắt hình chiếc nơ tượng trưng cho cây lúa cắm trên cánh đồng của mình cầu thần phù hộ lúa không bị sâu ăn, mùa màng bội thu, hạt chắc, hạt nhiều, dân làng có cái ăn, cái mặc. Trâu được thanh niên trong làng làm thịt, đầu trâu, da, xương, móng chân, đuôi treo ở bên dưới cây nêu để hiến cho thần, các vật hiến tế này được treo ở ngoài đồng 7 ngày.

Bàn thờ chính, nơi cúng kêu gọi thần linh về với dân làng được bày lễ vật gồm: chuối, gà, bánh nếp, trứng, thịt, tim trâu… Gà được nhổ sạch lông, không nấu chín đặt vào nơi cúng. Sau khi cầu khẩn xong già làng thái nhỏ một ít thịt trâu bỏ xuống bàn thờ nhỏ để thần linh về thưởng thức vật lễ chung vui với dân làng. Thịt trâu được chia đều cho từng gia đình, phần còn lại được nấu để dân làng và những người tham dự cùng ăn sau lễ cúng, lúc này mọi người đều ăn uống vui chơi tại chỗ cho đến tối.

Sau lễ cúng ngoài đồng, trong từng gia đình, họ cũng tổ chức lễ hiến tế gà, máu gà được bôi lên trán mỗi người, họ đặt lông gà trong từng góc nhà mình với ý nghĩa cầu may mắn, bình an. Hòa trong tiếng chiêng, tiếng trống họ vui chơi và nhảy múa cùng những người tham dự, lúc này mỗi gia đình sẽ đi cầu chúc cho nhau, trong tâm khảm mỗi người đều dâng lên một niềm hy vọng, các vị thần sẽ phù hộ cho họ một sức khỏe, một vụ mùa bội thu vào năm tới…

Theo Dân Tộc Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/le-mung-lua-tro-bong-cua-nguoi-co-ho-lam-dong-a3403.html