Đó cũng là dịp để du khách thưởng thức tiếng kèn saranai do các nghệ nhân dân gian biểu diễn, hòa cùng tiếng kèn là tiếng trống baranưng âm vang lay động từng vách đá, khe núi. Ngọn núi Hòn Đền âm u càng trầm mặc hơn dưới bóng thời gian.
Kiến trúc đền tháp Champa
Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng kín đáo, giữa những khu rừng thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, cách thành phố Hội An 45km về phía Tây, cách thành phố Đà Nẵng 70km về phía Tây Nam, cách Thị trấn Nam Phước (quốc lộ 1A) khoảng 30km về phía Tây.
Từ thời xưa, Mỹ Sơn là Thánh địa của vương quốc Chàm, đây cũng là nơi đạo Bà La môn được du nhập và truyền bá rộng rãi, là địa điểm hành hương thiêng liêng của hàng chục triều đại và hàng triệu con người. Chàm là vương quốc cổ, ngày nay còn sót lại nhiều di tích nằm rải rác dọc miền Trung. Đây là đất mẹ của nhiều vị vua hùng cường trong lịch sử Chàm như Khu Liên, Phạm Dật, Chế Mân, Chàm cũng như một số quốc gia ở Đông Nam Á thời cổ và trung đại đều bị Ấn Độ hóa. Bà La môn là tôn giáo của hoàng gia, và tầng lớp quý tộc là những người có trọng trách xây dựng và bảo vệ đền tháp thờ cúng thần linh. Tín ngưỡng chính của vương triều Chàm là thờ tự thần – vua và các thần linh bảo hộ vương quốc cũng như vương quyền. Vương quốc Chàm kéo dài suốt dải đất miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Trong đó, vùng đất Quảng Nam với tên gọi xưa là Amaravati, được các văn bia cổ nhắc đến như là trung tâm của vương quốc Chàm trong một giai đoạn khá dài. Do ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ rất sớm, vương quốc Chàm sử dụng thể chế hành chính giống như Ấn độ, nghĩa là trong một vương quốc có nhiều tiểu vương quốc gọi là manđala. Các tu sĩ Bà La Môn từng đi khắp đó đây giảng đạo, cầu nguyện, tham thiền. Họ đã để lại những dấu vết đã tàn phai ở các đền tháp và những tác phẩm điêu khắc, được tìm thấy từ các nơi thờ phụng vua chúa, đền đài, thành quách và nhất là kinh đô của các tiểu vương quốc.
Những địa điểm quan trọng nhất liên quan đến tín ngưỡng Chàm ấy là Thánh đia Mỹ Sơn (Quảng Nam) và Thánh đô Pô-Nagar (Khánh Hòa). Hai nơi này một là nơi thờ phụng Bhadravarman, vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ kết hợp với thờ phụng thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc và nơi khác thờ Thần – Mẹ chính là nữ thần Bhavagati (Thiên Y-A-Na) người tạo dựng vương quốc Chapà Pô-Nagar Nha Trang.
Theo các thư tịch cổ thì Mỹ Sơn được xây dựng từ cuối thế kỉ thứ IV, dưới triều vua Bhadravarman. Những dòng chữ ghi trên tấm bia sớm nhất ở Mỹ Sơn, cho biết vua Bhadresvara đã xây dựng một ngôi đền để dâng cúng vua thần Siva - Bhadravarman. Hơn hai thế kỷ sau đó, ngôi đền đầu tiên được xây dựng bằng gỗ đã bị thiêu huỷ trong một trận hỏa hoạn lớn.
Họa tiết trang trí trên thân tháp Mỹ Sơn
Điêu khắc Chămpa còn phản ánh hiện thực xã hội từ cuộc sống sinh hoạt đời thường đến những nghi lễ tôn giáo của vương quốc Chăm pa
Vào đầu thế kỷ thứ 7, vua Sambhuvarman đã xây dựng lại ngôi đền bằng những vật liệu bền vững hơn, còn tồn tại đến ngày nay. Các triều vua sau đó đều tu sửa các đền tháp cũ và xây dựng đền tháp mới để dâng lên các vị thần của họ. Đức vua Pramesvaraman cuối thế XIII là người cuối cùng trùng tu và xây dựng Mỹ Sơn. Ngoài ra hai vị vua Harivarman (1074) và Jaya Harivarman (1157) cũng có công trùng tu và xây dựng lại thánh địa Mỹ Sơn, các vị vua này đều được thờ cúng tại đây. Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 13, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Chàm.
Nghệ thuật điêu khắc Champa rất phong phú với nhiều tác phẩm phù điêu, tượng tròn gắn với sinh hoạt tôn giáo Bàlamôn, trên những tác phẩm này thường bắt gặp nét chủng tộc, y phục, trang sức Chăm hòa quyễn với hình ảnh các vị thần Bàlamôn, hoặc những nét tả thực cũng như cách điệu thể hiện trong hình ảnh con người, loài vật… hết sức sinh động. Đằng sau những bức phù điêu, những bức tượng ấy là cả một không gian huyền thoại, phản ánh những tư duy trừu tượng, lãng mạn của con người khi lý giải về những điều kỳ diệu của vũ trụ.
Kiến trúc đền tháp Champa luôn gắn bó chặt chẽ với điêu khắc. Phần lớn di vật điêu khắc Chămpa là dạng phù điêu nổi cao gần như tượng tròn, dù thể hiện nội dung, hình tượng nào thì vẫn mang tính hiện thực sâu sắc, nghệ thuật tả chân dung sinh động, tượng người và động vật đạt trình độ cao về giải phẫu sinh học, đề cao đặc điểm nhân chủng trong tượng người và các vị thần được nhân hóa. Điêu khắc Chămpa còn phản ánh hiện thực xã hội từ cuộc sống sinh hoạt đời thường đến những nghi lễ tôn giáo của vương quốc Chăm pa.
Mỗi thời kỳ lịch sử, các công trình kiến trúc mang phong cách riêng, cũng như mỗi đền tháp thờ những vị thần, những triều vua khác nhau tạo nên đường nét kiến trúc đầy dấu ấn, nhưng nhìn chung hầu hết các tháp Chàm đều được xây dựng trên một mặt bằng tứ giác, chia làm 3 phần: Ðế tháp biểu hiện thế giới trần gian, vững chắc. Thân tháp tượng hình của thế giới thần linh, kỳ bí mê hoặc. Phần trên cùng là hình người dâng hoa trái theo nghi lễ hoặc hình cây lá, chim muông, voi, sư tử... động vật gần gũi với tôn giáo và cuộc sống con người. Thánh địa Mỹ Sơn tiêu biểu cho nền văn minh Chàm thời phát triển rực rỡ tồn tại trên hàng chục thế kỉ. Mặc dù thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều khu tháp thành phế tích nhưng những hiện vật điêu khắc, các công trình kiến trúc còn sót lại cho đến ngày nay vẫn còn để lại những phong cách thể hiện từng giai đoạn lịch sử của nền mỹ thuật dân tộc Chàm, những kiệt tác đánh dấu một thời huy hoàng của văn hoá Chàmpa.
Vào năm 1898, di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một học giả người Pháp tên là M.C Paris. Vào những năm đầu thế kỷ 20 này, 2 nhà nghiên cứu Viễn Đông người Pháp là L.Finot và L.de Lajonquière và nhà kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Parmentier đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. Cho đến những năm 1903 - 1904 những tài liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được L.Finot chính thức công bố. Từ năm 1981 đến 1991, Mỹ Sơn được bảo quản và tu sửa từng phần với sự giúp đỡ về chuyên môn của công ty P.K.Z (Ba Lan).
Đặc biệt ngày nay kỹ thuật kết dính vật liệu không có mạch hồ trong việc xây dựng đền tháp ở Mỹ Sơn vốn là một bí ẩn luôn kích thích sự tìm tòi, nghiên cứu đã bước đầu được khám phá. Các nhà khoa học đã áp dụng kỹ thuật này trong quá trình trùng tu, tôn tạo các khu đền tháp.
Tháng 12 năm 1999 khu đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO tôn vinh di sản văn hóa thế giới. Cũng từ ngày ấy nó được trả về tên tuổi buổi hoàng kim thánh địa Mỹ Sơn. Mỗi ngày, Mỹ Sơn đón hàng trăm du khách, hơn 90% trong số ấy là người nước ngoài đến tham quan du lịch, nghiên cứu và khám phá.
Lê Thu Thùy