
Nhà thờ tổ ngành hát tuồng được nhà nước phong Di tích cấp quốc gia
Một thời sầm uất
Vào thế kỷ 19, khu Gia Hội là trung tâm buôn bán sầm uất giữa người Hoa và Việt. Vị trí thuận lợi nên việc buôn bán ở đây ngày càng tấp nập, người Hoa tụ tập về nơi này ngày một đông. Họ lập ra các bang lấy tên theo bản quán ở Trung Quốc như Phúc Kiến, Triều Châu, Quỳnh Phụ.
Ngày nay, khu Gia Hội của TP Huế gồm 3 phường Phú Cát, Phú Hiệp và Phú Hậu như một ốc đảo nằm gọn giữa sông đào Đông Ba và sông Hương. Cũng tại nơi này, Phố chợ Dinh khi xưa được các ông hoàng, bà chúa thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn chọn để xây cất dinh thự, phủ phòng và đồng thời cũng là nơi ở của các thương gia, quan lại.
Con đường chạy thẳng từ cầu Gia Hội về chợ Dinh mà người Huế vẫn thường gọi là Gia Hội, nay là Chi Lăng. Đây là khu chợ người Hoa với 8 nhà hàng lớn có tên chung là Duyên giang bát tràng (8 nhà hàng ở ven sông). Còn con đường chạy dọc sông Đông Ba vuông góc với đường Chi Lăng, ngày xưa có tên là Hàng Đường nay được đổi thành Bạch Đằng.
Tại đây có đền Chiêu Ứng, một công trình do người Hải Nam xây dựng vào năm 1887 mang nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa và giá trị nghệ thuật. Nhưng kể từ năm 1999, chợ Đông Ba được dời ra đường Trần Hưng Đạo và là trung tâm thương mại của TP Huế thì Gia Hội trở thành một khu phố cổ trầm mặc.
Lễ đường hội quán Quảng Triệu giờ thành bãi đõ xe của người dân

Hội quán Triều Châu – Phúc Quán rực rỡ trên đường Chi lăng
Phố cổ kêu cứu
Đi dọc con đường Chi Lăng thấy các hội quán các nhà cổ đang dần tan tác theo thời gian, có lẽ vì thiếu sự hướng dẫn của cơ quan chức năng nên người dân ở đây vẫn mông lung, không biết phải xử lý ra sao khi các ngôi nhà cổ ở đây đều hơn 200 năm tuổi đang trong tình trạng “nhà dột cột xiêu”. Một số ngôi nhà đã bị sụp đổ hoàn toàn chỉ còn lại bờ tường, số còn lại ở trong tình trạng xiêu vẹo, tan hoang và không ít chủ nhà đã phá bỏ sự cổ kính để xây cất nhà mới theo lối hiện đại.
Các hội quán của người hoa để lại giờ trở thành nơi sản xuất tre nứa, bãi đỗ xe, họp chợ của người dân nơi đây.
Phóng viên hỏi người dân thì họ chỉ biết trả lời là: “Do các hội quán không có người ra vào nên người dân chúng tôi lấy là nơi họp chợ trang trải cho cuộc sống gia đình”.
Kiến trúc độc đáo được hội tụ từ nhiều nền văn hóa khác nhau
Một thời hưng thịnh, trên bến dưới thuyền buôn bán tập nập là thế mà giờ chỉ còn những hội quán, nhà cổ trầm mặc xuống cấp theo thời gian không phải riêng tôi mà ai trông cũng tiếc thay cho nó.
Thiết nghĩ UBND thành phố Huế và cơ quan chức năng cần có biện pháp khắc phục để hồi sinh lại khu phố cổ ngày xưa, đưa vào khai thác du lịch để góp phần đa dạng các địa điểm tham quan cho khách du lịch khi tới Huế.
Ngô Sinh