Xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL: Phát huy sức mạnh đồng bào dân tộc Khmer

Qua hơn 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các địa phương, bộ mặt nông thôn có sự khởi sắc đáng kể. Song hành với kết quả ấy là sự góp công, góp sức không nhỏ của đồng bào dân tộc Khmer (chiếm khoảng 6% dân số) đang sinh sống, lao động ở vùng ĐBSCL.

Vẫn còn khó

Đến nay, quá trình thực hiện cuộc vận động xây dựng NTM về cơ bản đã thu hút được sự quan tâm, vào cuộc một cách quyết liệt của chính quyền, đoàn thể, các thành phần kinh tế cũng như đồng bào dân tộc Khmer. Không chỉ thể hiện sự ủng hộ về mặt vật chất, tiền bạc hay sức lực mà nhận thức đúng đắn về mục tiêu xây dựng NTM của đồng bào đã mang đến những thành công nhất định cho việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM tại các địa phương vùng ĐBSCL. Thượng tọa Lý Hùng, Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây TP Cần Thơ, nhận xét: Qua hơn 3 năm thực hiện công cuộc xây dựng NTM, kinh tế xã hội ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống đã thay đổi tích cực, tỷ lệ giảm nghèo khoảng 3% mỗi năm, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Chẳng hạn, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về công tác dân tộc còn hạn chế, nên việc quan tâm chỉ đạo thực hiện các tiêu chí nhiều lúc chưa đúng mức. Các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương còn chồng chéo và chậm triển khai nên các địa phương còn lúng túng trong huy động nguồn lực…
 
 
Các vị chức sắc Phật giáo Nam Tông Khmer Tây Nam bộ tham gia đóng góp ý kiến phát huy sức mạnh của đồng bào Khmer trong xây dựng NTM
 
Đối với đồng bào Khmer, sinh kế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, trồng lúa, cây ăn quả. Song, việc phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất cho đồng bào còn nhiều khó khăn nhất định. Chính phủ đã có những chủ trương chính sách hỗ trợ đất ở và đất sản xuất cho bà con. Song, trên thực tế số lượng bà con sống bằng nông nghiệp nhưng không có hoặc có ít đất sản xuất vẫn còn khá nhiều. Điều này dẫn đến khó khăn cho bà con trong phát triển sản xuất và cải thiện đời sống. Hạn chế về tiếng phổ thông cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc tiếp thu khoa học công nghệ, nắm bắt thị trường. Các chương trình phổ biến, đào tạo bằng tiếng Khmer chưa nhiều, đặc biệt trong chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp và các thông tin thị trường. Đồng thời, đa phần bà con Khmer còn thiếu phương tiện, máy móc, kỹ thuật tiên tiến để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động. Sản xuất nông nghiệp của người Khmer còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết giữa bà con với nhau, giữa bà con với doanh nghiệp, các nhà khoa học nên dẫn đến tình trạng sản xuất vẫn còn mang tính tự phát, chưa chặt chẽ…
 
Hiện nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tiến bước trên con đường xây dựng NTM, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh những tiêu chí về thu nhập, phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đây sẽ là bước đệm tốt cho phát triển nông nghiệp, nông thôn ở vùng đồng bào Khmer…
 
Để đồng bào Khmer tiếp tục tham gia xây dựng NTM
 
Tại Hội thảo khoa học "Chính sách khuyến khích, hướng dẫn, động viên đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới – Thực trạng và giải pháp" diễn ra mới đây tại TP Cần Thơ, nhiều đại biểu nêu các ý kiến, yêu cầu về mở rộng, tăng nguồn vốn tín dụng, nguồn nhân lực, hướng giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, tăng đầu tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp và tạo cơ chế thuận lợi cho đầu ra nông sản… Đồng thời cũng cần tuyên truyền, hướng dẫn sâu hơn cho bà con dân tộc Khmer về mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện tốt hoạt động tuyển dụng cán bộ công chức tại các cơ sở, đặc biệt là cán bộ công chức đồng bào dân tộc Khmer…
 
Làm thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM để đồng bào Khmer Tây Nam Bộ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngay trên mảnh đất quê hương mình là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Trong đó cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền các cấp về chính sách ưu đãi, trợ giúp trên các mặt của quá trình sản xuất, như: đất đai, tín dụng, đào tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng... Ông Châu Kim Sêng, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang, cho rằng: Các cấp chính quyền cần quan tâm, nâng cao năng lực cho đồng bào về mọi mặt trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có năng lực cạnh tranh trên thị trường, sản xuất hàng hóa. Đồng thời, chú ý phát huy các mô hình kinh tế dựa vào văn hóa…
 
Ông Phạm Văn Thới, Nguyên quyền Vụ trưởng Vụ Địa phương III, Ủy ban Dân tộc, nhận định: "Việc quan tâm giải quyết có hiệu quả những khó khăn đặt ra, sẽ tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL phát triển đời sống và sản xuất bền vững, góp phần vào sự ổn định chung của khu vực và đất nước. Trong những giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, cần tập trung nghiên cứu những giải pháp, điều kiện để đồng bào giảm nghèo một cách thiết thực".
 
Theo Thượng tọa Lý Hùng, Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây, TP Cần Thơ, cần mạnh dạn đề bạt cán bộ là người Khmer vào các vị trí chủ chốt ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer. Tiếp tục thực hiện chính sách kinh tế - xã hội một cách toàn diện với mức đầu tư hợp lý. Cụ thể là chính sách nhà ở, đất ở, trợ giá trợ cước, đầu tư cho giáo dục đào tạo cho con em đồng bào dân tộc Khmer. Chính phủ xem xét tăng mức hỗ trợ lên 5 triệu đồng/ha để bồi dưỡng sức dân giữ diện tích lúa. Đối với các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo. Ngoài ra, để thực hiện tốt xây dựng NTM, cần tiếp tục hỗ trợ các chùa Khmer đầu tư xây dựng các lò hỏa táng…

L.Mẫn
Theo Báo Cần Thơ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/xay-dung-nong-thon-moi-o-dbscl-phat-huy-suc-manh-dong-bao-dan-toc-khmer-a337.html