Hát “phá quàng” - hẩm hiu đời nghệ sĩ

Đời sống sàn diễn teo tóp, hầu hết các nghệ sĩ sân khấu tản mạn khắp nơi làm đủ mọi nghề để sinh sống. Một bộ phận không nhỏ đã tìm kiếm thu nhập từ việc hát chùa, hát đám ma, hát hầu đồng để mưu sinh. Khóc cười với phận đời nghệ sĩ trong thời buổi thoái trào của sàn diễn.

 
(Ảnh minh họa)
 
Không phải sợ ế show vì lúc nào cũng có người chết, đó là câu nói nửa đùa, nửa thật của những nghệ sĩ thường đi hát đám ma. Tuy nhiên họ không gọi như thế mà thay bằng chữ “hát đám buồn”, để có sự phân biệt với “hát đám vui”, tức là đám cưới, thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật, tân gia…Và khác với những nghệ sĩ hát đám vui, họ làm tuồng từ lúc nửa khuya, sàn diễn trước quan tài, khán giả đông vắng không thành vấn đề, thu nhập ổn định, lại còn được gia chủ đãi ăn, tặng thưởng và điều quan trọng hơn, chỉ một vai tuồng họ hát mải miết, vì người chết có bao giờ bắt lỗi.
 
Hát “đám buồn” và hát “phá quàng”
 
Theo chân nghệ sĩ Cẩm Hiền, người cháu họ của danh cầm Văn Vỹ đi hát phá hoàng, tôi thắc mắc hỏi cô về cụm từ hát đám buồn khác gì với hát phá quàng (hay còn gọi là phá hoàng)? Cô giải thích gọn ơ: “Hát đám buồn là ăn mặc lịch sự, hát salon các bản cổ nhạc, tân cổ giao duyên, còn hát “phá hoàng” nghĩa là diễn nguyên vẹn một vở tuồng, nếu người mất là nam thì diễn vai vợ khóc thương chồng, anh chị em khóc thương người mất, còn là nữ thì chồng khóc thương vợ, nếu chưa có gia đình thì cha mẹ khóc chia biệt con. Và tất cả các vai đều mặc cổ trang, có múa vũ đạo, phun lửa, có cảnh người chết xuống Diêm Phủ gặp thần tiên, gặp Phật, còn “phá quàng” là chỉ theo một tích chuyện, chàng Lía cướp xác mẹ do bị vây bắt, buộc phải xuống núi đầu hàng”.
 
Tôi thức gần như trọn đêm với Cẩm Hiền bên cạnh các vai diễn mà cô đã gợi trong tôi nhiều suy nghĩ về cái nghiệp hát phá hoàng. Tuồng tích được viết với những bài ca cổ, những bài bản cải lương giọng điệu bi ai, sầu thương. Dàn nhạc cổ có đủ năm nhạc cụ: cò, kìm, ghita, sến, bầu, lại có thêm trống quảng. Cẩm Hiền diễn vai cô vợ trẻ hay tin chồng qua đời, diễn xuất như một nữ tướng ngoài trận mạc, chạy gối, lưng vắt cờ lệnh, diễn xuất chung quanh quan tài. Thi thoảng có những khán giả đến xem quăng lên những chiếc quạt tựa như đi xem hát bội, nhét trong cánh quạt là những tờ bạc 20 ngàn, 50 ngàn đồng. Số tiền đó cộng lại mỗi đêm chia đều cho toàn ban, cả nhạc công lẩn nghệ sĩ biểu diễn. Bạn đồng nghiệp của Cẩm Hiền rất đông, họ đều là những thành viên xuất thân từ nhiều gánh hát, người đã từng là đào kép chánh, người làm đồ hội, quân sĩ, nay qui tụ lại lập gánh hát phá hoàng để mưu sinh. Lương toàn nhóm khoảng 3 đến 5 triệu đồng/suất. Nếu gia chủ đặt thêm show khóc tiễn biệt, nghĩa là diễn buổi sáng khi chuẩn bị động quan, thì có thêm từ 3 đến 4,5 triệu đồng/suất. Trường Oanh cho biết, thường các gánh hát phá hoàng liên doanh với các trại hòm, có cảnh album hình ảnh nghệ sĩ kèm theo, để giới thiệu với gia chủ. Các trại hòm ăn phần trăm trên giá trị show diễn, nên có khi gánh hát chỉ lãnh được từ 2 đến 2,5 triệu đồng/show, nhưng bù lại được khán giả “boa” cũng có thể chia đều mỗi tối được 500 ngàn đồng/người. Trang phục nghệ sĩ tự may theo vai diễn được phân công, đào kép chánh được thêm 100 ngàn đồng/suất cho tiền trang phục. 
 
Trên thực tế nhìn vào diễn xuất của các nghệ sĩ hát phá hoàng, họ diễn thật sự cảm xúc. Cứ như chính người thân của mình đang nằm trong cổ quan tài. Họ khóc thương da diết, tạo thiện cảm với những gia chủ đang chìm trong đau buồn khi vĩnh biệt người thân. Hát “phá hoàng” vỏn vẹn mỗi tuồng 30 đến 45 phút, có nhóm “tăng cường” thêm nhân vật Phật thích ca, hoặc Phật bà Quan Âm, có nhóm “tăng cường” nhân vật Tề thiên, Trư Bát Giới, Sa Tăng để chọc cười khán giả. Hát phá hoàng có đầu tư về mặt dàn dựng, còn hát đám buồn hầu như chỉ xếp hàng đơn ca cổ. Tuy nhiên không gò bó trong việc chỉ hát những bài ca cổ tiễn biệt, “hát đám buồn” còn biểu diễn tân nhạc với đủ các dòng nhạc. Và hát “đám buồn” lại rất kỵ những “nghệ sĩ” chuyển giới, “pê đê”, và rất ít khi nhận show đụng nhau. “Thường thì tránh không phải do đố kỵ, nhưng nghệ sĩ hát đám buồn khác với những anh chị chuyển giới, mượn đám tang để làm cuộc vui” - một nghệ sĩ hát “phá hoàng” đã cho biết.
 
Khoanh vùng để sống
 
Theo nghệ sĩ Cẩm Hiền, hát “đám buồn” gần như được chuộng ở các đám tang vùng ven ngoại thành, còn hát “phá hoàng” thì thường được mời diễn ở các vùng lân cận TPHCM như: Bến Tre, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh…Tôi lân la tìm kiếm những nghệ sĩ hát “phá hoàng” để hỏi về cách thức tổ chức show và qui động nghệ sĩ. Hầu như họ có show mỗi đêm, có khi đụng show thì chia lịch diễn. Do vậy mỗi gánh hát “phá hoàng” đều có từ 2 đến 4 đào kép luân phiên. “Có khi mỗi đêm đụng lịch, từ Biên Hòa chạy qua Hóc Môn, phải xin gia chủ cho hát cách nhau hai giờ để di chuyển. Thường thì không ngại việc hóa trang, cứ làm tuồng sẳn là leo lên xe gắn máy phóng đi trong đêm, đến nơi mặc phục trang vào là hát” - nghệ sĩ Bích Tuyền cho biết.
 
Hiện nay có đến 12 gánh hát “phá hoàng” đang hoạt động rộng khắp “thị phần” vùng ven TPHCM và các tỉnh lân cận. Mỗi ông bà bầu phụ trách hai gánh, chia địa bàn để hoạt động. Điều tối kỵ là không gánh nào dẫm đạp lên “địa bàn” của nhau. “Có khi đụng lịch không thể khâm nổi, bầu Liên nhờ bầu Hoài đỡ dùm show. Rồi khi có show không thể kham nổi thì chia sẻ nhau. Tuyệt nhiên mỗi bên đều có tuồng tích khác nhau, không ăn cắp “bản quyền”. Bầu Hoài đắt show nhất, chuyên phủ sóng khắp các tỉnh” - nghệ sĩ Trúc Linh cho biết.
 
Sự khoanh vùng để sống đã tạo nếp sinh hoạt cho các nghệ sĩ gánh hát “phá hoàng”. Họ gần như ngủ ngày, thức đêm, buổi chiều có người nhận thêm các công việc như bán giấy dò số; bán thức ăn tại nhà, hoặc bán mỹ phẩm để có thêm thu nhập. Ngày hội ngộ giữa các gánh hát “phá hoàng” và hát đám buồn chính là ngày Giỗ Tổ sân khấu. Họ tổ chức cúng heo quay như các nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp, và thường thì chọn một địa điểm gần nghĩa trang để sau khi cúng thì đến thắp hương, tưởng nhớ những “khán giả” chung thành của họ. Vùng sống của nghệ sĩ hát đám “phá hoàng” còn có một ưu điểm đáng khen, đó là không chê bai, lên án hoặc hằn hộc nghề diễn của bạn đồng nghiệp. “Vì chúng tôi quan niệm, hát cho người chết để họ ra đi thanh thản, thì không thể mỉa mai, xem đó là đỉnh cao nghệ thuật gì mà tranh đua. Vì chén cơm manh áo, vì sàn diễn mai một, phải sống với việc hát cho người chết” - nghệ sĩ Kiều Minh tâm sự.
 
Như Mai / Tạp chí SK Tp. HCM

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hat-pha-quang-ham-hiu-doi-nghe-si-a3359.html