Vĩnh Phúc: Đình Đông Đạo cần được tu bổ cấp thiết

Đình Đông Đạo còn lưu giữ nét nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ tinh xảo trên nền gỗ, tuy nhiên, nhiều hạng mục công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng.



 Đình Đông Đạo – Nguồn: vinhphuc.tourism.vn

Đình Đông Đạo xưa thuộc xã Vân Hội, tổng Hội Hạ, huyện Yên Lạc, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây (thường gọi là ngã ba Tam Dương). Nay thuộc phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đình Đông Đạo thờ Bạch Hạc Tam giang Thống chế Tôn thần hay còn gọi là “Tam Giang Bạch Hạc Đại Vương” là vị thần đứng đầu trong các vị thần nước của bộ Văn Lang xưa có công lớn hộ quốc, giúp dân. Ở một số thần tích ở Bạch Hạc ( Việt Trì – Phú Thọ) và Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên ( Vĩnh Phúc),…cho rằng : Thần Tam Giang Bạch Hạc có tên là Thổ Lệnh. Thổ Lệnh còn có một người anh song sinh đã cùng với Tản Viên Sơn Thánh dẹp giặc Thục nên cũng được nhân dân thờ phụng.

Đình Đông Đạo được xây dựng năm Nhâm Thân ( 1572), đời Vua Lê Anh Tông, niên hiệu Hồng Phúc. Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, từ năm 1846 ( thời Thiệu Trị) đến năm 1924 ( thời Khải Định), đình Đông Đạo được các đời vua ban sắc phong 9 lần. Đình Đông Đạo gồm 5 gian hình chữ Nhất ( - ), đây là kiểu kiến trúc cổ thường thấy ở những ngôi đình thế hệ đầu tiên được xây dựng ở thế kỷ XVI. Mỗi gian có 6 cột, mỗi cột tiết diện chừng 40cm. Toàn bộ mặt tiền đóng cửa bức bàn, trên có chấn song chạm hình hoa sen, hoa cúc cách điệu. Chiều sâu của đình tới 15 bước chân, chiều ngang cũng đếm được 30 bước chân người lớn. Thượng cung lập phía trên, sau án thờ đặt ngai vàng phủ vóc vàng; lên thượng cung có thang gỗ. Trên gian giữa đình có treo bức hoành phi, chữ đá thảo khá lớn “ Hỗ tích thành hưởng”, dịch nghĩa là “ Chúc mừng sự hưởng thụ ơn vua lộc nước, thể hiện một niềm vui cộng đồng, chân thực”.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, để thực hiện mục tiêu “ Tiêu thổ kháng chiến”, năm 1947 nhân dân đã tháo dỡ toàn bộ phần mái ngói của đình Đông Đạo với quyết tâm không để giặc Pháp dùng ngôi đình làm chỗ đóng quân. Năm 1954, hòa bình lập lại, nhân dân đã tu sửa, tôn tạo và lợp lại mái đình bằng rơm, rạ để làm nhà hợp tác, trường học, chỗ chứa nông sản. Đến năm 1994, đình Đông Đạo được tôn tạo lại theo đúng nguyên bản và được công nhận di tích cấp quốc gia. Hiện nay, đình còn lưu giữ nét nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ tinh xảo trên nền gỗ, tuy nhiên, nhiều hạng mục công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng.  Do toàn bộ ngôi đình đều được làm bằng gỗ, mối mọt nhiều, dù được che phủ bằng một lớp sơn nhưng đến nay lớp sơn bị bong ra, lộ rõ từng mảng mục rỗng, có nhiều thanh xà ngang bị mối xông hỏng. Đáng báo động là toàn bộ phần mái của đình bị võng, xô lệch ngói. Tình trạng quá cấp thiết, năm 2013, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để làm hệ thống giá chống đỡ tạm thời bằng sắt. Ngôi đình buộc phải đóng cửa, hạn chế tập trung đông người từ nhiều năm nay do một số hạng mục có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Người đến làm lễ, thắp hương xong phải ra ngay. Những ngày trời mưa, nước xối xả chảy theo những khe nứt, mái hở khiến những hạng mục bên trong đình bị hư hại nghiêm trọng. Được biết, nguồn kinh phí tu bổ lại các công trình kiến trúc cổ lớn và “quá sức” đối với địa phương, vì vậy, các cấp, ngành, cơ quan chức năng cần có chính sách quan tâm, hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho địa phương trùng tu di tích lịch sử, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Mỗi dịp xuân về, cứ vào ngày 13 tháng riêng âm lịch hàng năm, Đình Đông Đạo lại tổ chức lễ hội để các tầng lớp nhân dân có dịp ôn lại truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, tri ân các anh hùng liệt sỹ. Đồng thời tổ chức dâng hương cầu cho quốc thái dân an cùng các hoạt động lễ hội đặc sắc khác. Những hoạt động đó có ý nghĩa to lớn, bồi tụ tâm linh cho người dân, khơi dậy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn vinh giá trị văn hóa, động viên nhân dân lao động để xây dựng quê hương đất nước phồn vinh.

Theo Di Sản Xanh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-dinh-dong-dao-can-duoc-tu-bo-cap-thiet-a3343.html