Đạo diễn phim - Nghề “hốt bạc”?: Đạo diễn nào phim đó

Đạo diễn là công việc sáng tạo, không phải cứ học nghề xong là làm tốt công việc. Nguồn nhân lực yếu kém cộng với sự áp đặt, chi phối từ nhà sản xuất khiến cho đa phần phim ra đời có chất lượng kém

Số đạo diễn làm phim có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, đó là nhìn nhận của giới chuyên môn về nghề được mệnh danh là “vua trường quay”. Chưa kể trong số giỏi nghề lại có người không giữ được “phong độ”, làm phim ngày càng dễ dãi vì mãi chạy theo số lượng. Còn những người trẻ dù có thừa đam mê nhưng thiếu năng lực cũng khó có thể cứu vớt được chất lượng phim.

Đừng mơ làm “vua trường quay”

Đạo diễn là công việc sáng tạo nên người làm đạo diễn phải vắt óc tìm ra chìa khóa thể hiện câu chuyện thật hấp dẫn. Phim hay hay dở, đạo diễn là người chịu trách nhiệm. Theo đạo diễn Xuân Phước, kịch bản phim hay hiện nay rất hiếm, nội dung, nhân vật hay kỹ thuật kể chuyện đều chưa hoàn chỉnh. Bởi vậy, từ kịch bản có thành phim sinh động hay không là do công đoạn chỉnh sửa của đạo diễn. Nhưng với kiểu làm phim chụp giựt như hiện nay, đạo diễn hầu như không có thời gian đầu tư cho khâu này.



 
Đạo diễn Nhâm Minh Hiền chỉ đạo diễn xuất trên trường quay. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đạo diễn Đinh Đức Liêm từng nói 10 đạo diễn cùng làm 1 kịch bản nhưng sẽ cho ra 10 bộ phim với chất lượng khác nhau. Kịch bản yếu nhưng đạo diễn có ý tưởng tốt, biết xử lý thì có thể làm ra một bộ phim hay và ngược lại. Nói cách khác, đạo diễn nào thì phim đó.  “Một bộ phim dù huy động được 99% nhiệt tình lao động, 99% tài năng của các thành phần khác nhưng chỉ cần thiếu 1% lao động và tài năng của đạo diễn thì bộ phim đó khó có thể thành công” - đạo diễn Đinh Đức Liêm khẳng định.

Nhà sản xuất (NSX) nào cũng mong muốn mời được đạo diễn giỏi nghề nhưng bài toán tiết kiệm chi phí sao cho thấp nhất khiến họ chấp nhận mời những đạo diễn tay nghề kém hơn với cát-sê thấp. Và tất nhiên, không một đạo diễn nào từ chối cơ hội làm phim. Với những đạo diễn tay ngang, con đường ngắn nhất là chấp nhận mức thù lao thấp để được làm nghề. Trong khi đó, một vài đạo diễn có tay nghề đã có những biểu hiện làm phim tràn lan, dễ dãi, chạy theo số lượng. Với tốc độ quay 2 ngày/tập, thậm chí 1 ngày/tập như hiện nay thì đạo diễn có tài đến đâu cũng khó lòng làm phim hay được.

Điều đó đã lý giải tại sao nhiều phim truyền hình hiện nay dở tệ, nhiều sạn. Phim điện ảnh chẳng khác nào phim truyền hình 90 phút, mang đậm chất kịch của sân khấu. Nhiều đạo diễn làm được 1, 2 phim vỗ ngực cho rằng đây là công việc đơn giản và nhàn hạ, chỉ việc ngồi xem monitor và... nói. Bởi những công việc khác như kịch bản, quay phim, thiết kế, âm thanh ánh sáng… đã có người khác lo. Chính suy nghĩ này khiến hầu hết các khâu vốn đã không được chuẩn bị chu đáo càng trở nên cẩu thả hơn do không có sự điều phối, tổ chức và kiểm soát của đạo diễn ở trường quay. Dễ hiểu lý do vì sao đạo diễn ở các nước trên thế giới được kính trọng vì họ có năng lực sáng tạo, có phong thái của một “vua trường quay”.

Chỉ là phận làm thuê

“Chúng tôi sẽ đổ tiền vào diễn viên chứ không ai chọn đổ tiền vào đạo diễn cả. Phim có thể của đạo diễn không nổi tiếng nhưng diễn viên nhất định phải là “sao” - đại diện một NSX thú nhận. “Xét cho cùng, đạo diễn cũng chỉ là người làm thuê” - nhiều đạo diễn than khi giải thích lý do làm phim ngày càng dễ dãi.

Từ lâu trong giới làm phim đã ví von mối quan hệ giữa NSX và đạo diễn là “ông chủ” và “người làm thuê”. Theo các đạo diễn, NSX nào hiện nay cũng quán xuyến toàn bộ dự án và theo sát hành trình làm phim từ tiền kỳ đến hậu kỳ. Đạo diễn phải chịu sự điều phối từ NSX, không được quyền quyết định các yếu tố liên quan đến chất lượng nghệ thuật của bộ phim, không được sáng tạo, nếu có thì phải được NSX cho phép.

Đạo diễn Nhâm Minh Hiền bảo đã qua rồi cái thời đạo diễn làm “vua trường quay”, được quyền “làm mưa làm gió”. Với những NSX tên tuổi, uy tín, phương thức làm việc thường là thỏa thuận trên cơ sở tôn trọng nhau để tìm được tiếng nói chung nhưng đa phần các NSX sẽ chọn lựa đề tài, đặt hàng người viết kịch bản, chọn đạo diễn và ê-kíp từ diễn viên cho đến các vị trí khác, kể cả can thiệp vào công việc chuyên môn của đạo diễn và buộc họ làm theo.  “Người ta bảo làm gì mình làm nấy, miễn nhận tiền cát-sê đủ là được”- một đạo diễn trẻ nói.

Theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, xét theo góc độ kinh tế thì NSX nắm vai trò quyết định nhưng xét theo góc độ sáng tạo nghệ thuật thì vai trò của đạo diễn là then chốt. Đạo diễn và NSX nên có thỏa thuận, cam kết ngay từ đầu trong hợp đồng về quyền hạn và trách nhiệm của mỗi bên để tránh xung đột trong quá trình làm phim.

“NSX có cách nhìn của một người kinh doanh, đạo diễn có cách nhìn của người làm nghệ thuật. Chẳng ai muốn bị động, làm theo ý đồ của NSX nhưng chúng tôi đâu có thể bỏ tiền ra làm phim như ý muốn. Làm đạo diễn ở Việt Nam khó lắm!” - một đạo diễn than.

Thiếu năng lực sẽ bị đào thải

Tuy đạo diễn đang được trọng dụng nhưng điện ảnh Việt mấy năm trở lại đây đang xã hội hóa, quy luật đào thải diễn ra ngày càng mạnh mẽ.. “Khi đạo diễn làm được 1, 2 phim kém chất lượng, NSX sẽ tự động ngưng hợp tác, mời những tên tuổi khác mới hơn. Thời gian tới, lực lượng đạo diễn tăng cũng đồng nghĩa cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Nếu đạo diễn nào có tài năng, thực lực sẽ tồn tại với nghề, còn không trước sau gì cũng dừng lại” - một đạo diễn kỳ cựu phân tích.

Theo HẠ NGUYÊN (nld.com.vn)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dao-dien-phim-nghe-hot-bac-dao-dien-nao-phim-do-a3337.html