Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chịu không ít những hậu quả của chiến tranh tàn khốc, nhưng đến nay đình vẫn còn tồn tại và giữ nguyên những đặc điểm cơ bản của đình làng Việt Nam xưa với nào là đình làng, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ 43 chư phái tộc, Miếu Bà (thờ Thánh mẫu Thiên Y Ana), cổng tam quan và một hồ sen...
Tấm bia bằng đá cẩm thạch có niên đại hàng nghìn năm trong đình cổ
Di vật quý được giữ gìn sau ba lần di chuyển
Tọa lạc tại kiệt 48/14 Phan Chu Trinh ( tổ 6, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng). Cách mặt đường Phan Chu Trinh - một trong những con phố buôn bán nhộn nhịp sầm uất nhất TP.Đà Nẵng chưa đầy 50m, nhưng khi bất cứ ai muốn đặt chân vào đình làng Hải Châu đều giống nhứ bước vào một thế giới yên tĩnh được phủ xanh bởi màu xanh của cấy cối, màu của rêu phong, màu của thời gian đã cũ kĩ. Một không gian phảng phất hình hài làng xã Việt Nam xưa với cây đa giếng nước mái đình giữa lòng phố thị ồn ào.
Làng Hải Châu xưa nằm ngay trung tâm thành phố hiện nay về phía tả ngạn sông Hàn, bao gồm địa phận của 13 phường nội thành hiện nay, là một ngôi làng có lịch sử lâu đời nhất TP.Đà Nẵng và khu vực duyên hải nam trung bộ. Theo gia phả của tộc Nguyễn Văn - một trong 43 tộc họ của làng Hải Châu thì năm Tân Mão - 1471, các bậc tiên hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh làng Hải Châu từ xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, T. Thanh Hóa, theo vua Lê Thánh Tôn vào Nam khai phá đất đai, lập nên làng. Nhằm ghi nhớ nguồn gốc của mình những người khai phá ra đất Đà Nẵng ngày nay đã lấy tên cũ ở xã Hải Châu (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) để đặt tên làng mới. Và cái tên Hải Châu xuất hiện ở Đà Nẵng có từ ngày đó đến bây giờ.
Đến năm Gia Long thứ 5 (1806), để tưởng nhớ công ơn của các bậc tiên hiền, các hương chức làng Hải Châu đã xin vua Gia Long cho lập đình thờ Thành Hoàng làng và các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền của làng. Được sự đồng thuận của nhà vua nền móng đầu tiên của ngôi đình được xây dựng tại khu đất Nghĩa Lợi bên bờ sông Hàn hướng về hướng đông, tới năm 1858 trước sự tàn phá của chiến tranh ngôi chùa đã bị hư hại nặng nề. Năm 1860, nhân dân địa phương đã tiến hành xây dựng lại đình lần thứ hai tại khu đất nay thuộc địa phận trường Trung học Y tế thành phố Đà Nẵng.
Thế nhưng đến năm 1903, người Pháp đã trưng dụng đình làng Hải Châu để làm nơi điều trị cho những bệnh nhân bị mắc bệnh đậu mùa. Không cam chịu mất không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh của làng, các bô lão trong làng dâng sớ ra kinh đô Phú Xuân nhằm đòi lại đình. Năm 1904, thể theo đơn xin của dân làng, người Pháp mới trả lại đình, tuy nhiên mọi người cho rằng ngôi đình làng đã bị dịch bệnh làm ô uế nặng không thể tiếp tục dùng làm nơi thể thờ cúng Thành Hoàng làng và các bậc tiền hiền. Một lần nữa nhân dân đã làm đơn thỉnh nguyện dâng lên vua Thành Thái xin cho xây dựng lại ngôi đình làng mới…
Được vua Thành Thái đồng ý, các vị bô lão trong làng quyết định dựng đình tại vị trí đình làng đang tọa lạc hiện nay. Và lần này họ đã quyết định xây dựng hệ thống đình Hải Châu với các khu sau: Đình làng, nhà thờ Tiền Hiền, nhà thờ 43 Chư phái tộc, Miếu Bà (thờ Thánh mẫu Thiên Y Ana), cổng tam quan và một hồ sen.
Ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 cho biết: “Đình làng Hải Châu hiện nay không chỉ giữ được những nét kiến trúc cổ độc đáo của cư dân Hải Châu xưa cũng như cư dân vùng ven biển miền trung. Nó còn thể hiện sự giao thoa trong đời sống tâm linh của hai nền văn hóa Việt – Chăm, khi trong khuân viên đình lầng Hải Châu có miếu Bà (thờ thánh mẫu Thiên Y Ana, một vị thần trong tín ngưỡng tâm linh của người Champa xưa - PV)”.
Không chỉ nổi tiếng về lịch sử xây dựng, hay về nét đẹp đậm chất nông thôn giữa lòng phố thị phồn hoa, đây còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị cả về mặt tinh thần cũng như lịch sử văn hóa khu vực. Hiện nay đình còn lưu giữ lại 9 cặp câu đối được làm vào các triều vua Gia Long, Minh Mạng... 6 cặp hoành phi triều Nguyễn, trong số đó nổi bật nhất là bức hoành phi được làm từ thời vua Gia Long có chiều dài 2m, chiều rộng 0,7m, ghi: “Vạn cổ anh linh” , ca ngợi công lao của các bậc tiền nhân đi trước, dòng lạc khoản ghi đầy đủ: “Hoàng triều Gia Long, thập thất niên, tuế thứ Mậu Dần; Hải Châu chánh xã đồng cung lặc”. Ngoài ra, các bức hoành phi khác được làm vào năm 1825 (vua Minh Mạng), thời vua Tự Đức có hai bức, một đề “Thiên tức Thánh - Thánh tức là Trời” (ghi năm 1851) và bức khác ghi “Thiên tham nghĩa - Việc nghĩa hợp với lòng trời” (ghi năm 1856).
Bên trong đình làng Hải Châu còn có 3 tấm bia đá cẩm thạch, trong đó có một tấm cao 1,2m, rộng 0,7m, được lập vào năm Tự Đức thứ 14 (1861), bên trên bia chạm hai con rồng đường nét sắc sảo, uyển chuyển theo thế “lưỡng long triều nguyệt”. Đặc biệt, còn có một quả chuông đồng cao 1,3m, đường kính miệng rộng 0,7m cũng thuộc hàng quý hiếm, có niên đại hàng trăm năm. Ngoài ra trong Kình Ái Tự có ba bức tượng phật được làm bằng gỗ mít có niên đại hơn 300 năm. Phía trước ngôi đình là hồ nước cùng hòn non bộ nhân tạo với cây bồ đề cổ thụ tỏa bóng.
Đình cổ Hải Châu một nét văn hóa làng giữa TP Đà Nẵng
Văn hóa làng xã trong lòng thành phố
Cũng giống như bao ngôi đình làng khác đình làng Hải Châu có chức năng tín ngưỡng của mình bởi đây là nơi các thế hệ sau tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đi trước. Nhưng đình làng Hải Châu là sự kết hợp tài tình của giữa đạo lão và khổng tử cũng như tín ngưỡng thờ mẫu trong thế giới tâm linh của cư dân Đà Nẵng xưa và nay. Đây vừa là nơi tưởng nhớ, dâng hương tổ tiên đồng thời đây cũng là trung tâm tín ngưỡng tôn giáo lớn của thành phố Đà Nẵng, chính vì thế mà hằng năm lượng khách địa phương cũng như khách thấp phương về đây thắp hương cúng bái các bậc cao nhân rất lớn.
Nếu như các quần thể đình làng Việt Nam cổ đều được xây dựng theo hướng đông, thì đình Hải Châu lại được xây dựng theo hướng nam. Lý giải về sự “ngược đời” đó các cụ bô lão sinh sống gần đình cho biết: “Trong lần tu sửa năm 1904 được một thầy địa lý cao tay “chấm” vị trí hiện giờ của ngôi đình làng vì cho rằng đây là mảnh đất linh kiệt trường tồn, càn khôn tụ khí do ngũ hành hòa hợp, đình chính được xây dựng theo lới kiến trúc 5 gian tượng trưng cho ngũ hành, linh khí hội tụ ở đây. Toàn bộ ngôi đình được xây dựng theo hướng Nam, hướng tụ khí theo quan điểm ngũ hành, chính là điều kiện cuối cùng để hình thành nên mảnh đất “ngũ linh tụ khí” Hải Châu hay nói rộng ra là TP.Đà Nẵng ngày nay”.
Anh Minh một trong những cư dân sống lâu đời ở đây cũng là người trực tiếp phụ trách các công việc liên quan đến ngôi đình của phường Hải Châu 1, người có kiến thức cũng như hiểu biết sâu sắc về đình làng Hải Châu chia sẻ: “Đình Hải Châu không chỉ là nơi thờ phụng để cho con cháu tỏ lòng biết ơn với những người có công khai sinh ra vùng đất Đà Nẵng xưa. Đình Hải Châu còn gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc nói chung của thành phố Đà Nẵng nói riêng, khi trong cuộc kháng chiến chống Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng của Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý đình được các ông chọn làm cứ địa của quân ta”.
Trước những giá trị văn hóa, lịch sử mà đình làng Hải Châu mang lại, năm 2009, UBND quận Hải Châu đã khôi phục lại lễ hội Đình làng Hải Châu sau hơn 30 năm không được tổ chức với mong muốn góp phần đưa người dân Hải Châu nói riêng và nhân dân trong thành phố Đà Nẵng nói chung trở về với với cội nguồn, với lịch sử của cha ông, quê hương, xứ sở, góp một tiếng nói tích cực trong việc giáo dục lòng tri ân, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày 9 - 10/3 âm lịch hàng năm. Lễ hội là sự kết hợp hài hòa của phần lễ và phần hội. Lễ hội được thổi vào đó sức sống mới của một thành phố trẻ nhưng còn đó những nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng ven biển trung bộ. Trong khi các bạn trẻ háo hức chờ đợi ngày khai hội để thử sức với các trò chơi dân gian đậm đà bẳn sắc văn hóa trung bộ như: Ca bài chòi, tuồng cổ, kết hợp tổ chức các môn thể thao dân tộc thu hút đông người tham gia như đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố… Lễ hội ngày nay được tổ chức theo mô hình xã hội hóa có sự chung tay góp sức của nhân dân cùng với chính quyền địa phương.
Ngày 17 tháng 7 năm 2001, đình làng Hải Châu đã được Bộ Văn Hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia để bảo tồn, phát huy cũng như tôn vinh các giá trị của đình làng Hải Châu trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của cư dân ven biển miền Trung.
Hữu Tiến