Siêu mẫu Hà Anh: “Can thiệp thẩm mỹ bây giờ tinh vi lắm”

Hà Anh cho biết, với kỹ thuật làm đẹp phát triển như hiện nay thì việc phát hiện là điều không dễ.

Không cho thẩm mỹ là tụt hậu?

Là người từng tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2008, người mẫu Hà Anh cho rằng so với bây giờ thì các thí sinh tham gia cuộc thi sắc đẹp biết cách làm đẹp hơn, có chuẩn bị tốt hơn so với trước đây. “Dù các thí sinh đều được chuyên gia nhân trắc học “khám xét” kỹ càng nhưng có những can thiệp thẩm mỹ rất khó được phát hiện, như làm răng, tắm trắng... Với công nghệ làm đẹp hiện đại như hiện nay thì việcphẫu thuật thẩm mỹ cũng trở nên “tinh vi” hơn chứ không để lại dấu vết giống như trước nên việc phát hiện là không dễ. Nhưng nếu chỉ vì để kiểm tra xem các thí sinh có sử dụng chất liệu thẩm mỹ hay không bằng cách khám xét thì theo tôi là hơi hạ thấp phụ nữ, thậm chí điều này còn bị coi là xúc phạm”, Hà Anh nói.



Người mẫu Hà Anh (ảnh nhân vật cung cấp).

Tuy không phải là người cổ súy cho phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng Hà Anh cho rằng: “Việc đưa ra quy định “thí sinh không được phẫu thuật thẩm mỹ” khi dự thi sắc đẹp đã gây khó cho thí sinh và làm “tụt hạng” bản đồ sắc đẹp của Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Bởi ngay cả ở các nước châu Âu, châu Mỹ, các cô gái vốn đã được trời phú cho hình thể đẹp, khuôn mặt có nhiều đường nét rõ ràng, mũi cao, mắt to... nhưng họ vẫn cho phép can thiệp thẩm mỹ để vẻ đẹp được hoàn thiện hơn nữa. Nếu các cuộc thi trong nước xác định chỉ bó hẹp ở “sân nhà” thì không có gì để nói, nhưng các người đẹp sau khi đoạt giải đều tham dự kỳ thi sắc đẹp quốc tế thì quy định này khiến chính thí sinh của chúng ta trở nên tụt hậu với thế giới.  Đó là sự thiệt thòi không nhỏ, nhất là khi vẻ đẹp Á Đông vốn không được đánh giá cao so với châu Âu, châu Mỹ”.

Theo Hà Anh, việc nới rộng quy định cho phép thẩm mỹ không có nghĩa là sẽ khiến cho việc lựa chọn Hoa hậu trở nên dễ dàng hơn. Hoa hậu là vẻ đẹp toàn diện chứ không phải chỉ có gương mặt đẹp hay hình thể đẹp. Nó còn được đánh giá dựa vào nhân cách, sự tự tin, khả năng ứng xử của thí sinh nữa. Việc thay đổi này chỉ có ý nghĩa là tạo cơ hội cho nhiều người đến với cuộc thi hơn, nhất là những người vì lý do về sức khỏe, do tai nạn mà có những can thiệp thẩm mỹ.

Chia sẻ của Hà Anh gợi nhớ đến trường hợp của thí sinh Phạm Thị Thùy Linh trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010. Thí sinh này bị loại trước đêm Chung kết vì có tố cáo đã giải phẫu mũi. Tuy nhiên, lý do “phẫu thuật thẩm mỹ” của cô là bất khả kháng, xuất phát từ lần bị tai nạn gãy sống mũi năm 16 tuổi.

Tại đất nước của các hoa hậu là Venezuela, nơi tự hào với 6 Hoa hậu Hoàn vũ, 6 Hoa hậu Quốc tế, 6 Hoa hậu Thế giới thì phẫu thuật thẩm mỹ được cho là phần không thể thiếu trước khi mọi cô gái tham gia vào bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào. Điều này cũng từng gây tranh cãi khá nhiều về sự công bằng khi có nhiều nước chỉ lựa chọn hoa hậu khi chưa từng phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, Hoa hậu Hoàn vũ 2005 Natalia Glebova lại bảo vệ cho “quyền thẩm mỹ” khi đến với cuộc thi sắc đẹp rằng “tiêu chí đánh giá nhan sắc là chủ quan, nó không giống như trong thể thao với các yếu tố định tính, định lượng rõ ràng. Nếu một thí sinh thi hoa hậu quyết định thay đổi ngoại hình của mình, nó không có nghĩa rằng cô ấy có thêm lợi thế. Một người phụ nữ có thể “thẩm mỹ hoàn hảo”, nhưng vẫn có thể “trượt vỏ chuối” trên sân khấu nếu bài thuyết trình và tính cách tệ. Trong khi đó, một người có cơ thể khiếm khuyết vẫn có thể tỏa sáng tuyệt vời vì sự tự tin, thể hiện trên sân khấu và hào quang riêng của cô ấy”.

Không điều chỉnh quy định cũng là tụt hậu?



 
Hoa hậu Đông Nam Á Phan Hoàng Thu.

Tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010, đã có ý kiến cho rằng, sở dĩ Hoàng My chỉ đoạt Á hậu 1 là bởi cô bị “mất điểm” ở hàm răng. Nếu ở thời điểm hiện tại, Hoàng My chắc sẽ không bị thiệt thòi đến vậy, khi mà việc thí sinh chỉnh răng, làm đẹp “cái răng, cái tóc là góc con người” trước khi đến với cuộc thi hoa hậu không còn là hiếm.

Người mẫu Phan Hoàng Thu từng tham dự cuộc thi Hoa hậu Du lịch quốc tế và giành được giải thưởng Hoa hậu Đông Nam Á cho rằng, việc làm đẹp bây giờ không chỉ giới hạn trong giới showbiz mà với cả những cô gái bình thường nhất vì nó giờ đây là nhu cầu thiết yếu. Nếu không nới rộng quy định về thẩm mỹ thì có nghĩa là cuộc thi đang xa rời thực tế. Việc cấm tuyệt đối đã khiến cho rất nhiều cô gái sáng giá không được dự thi. Điều này cũng dẫn đến hệ quả, nhiều hoa hậu đăng quang đã bị “ném đá” vì sở hữu một chút khiếm khuyết về đôi mắt hay sống mũi chưa thẳng những thứ có thể cũng sẽ “phá vỡ” tổng thể gương mặt. Còn nếu vẫn xác định đây là “bản sắc riêng” thì nên có sự điều chỉnh để quy định chặt chẽ hơn. “Nhiều người đồng tình Phạm Hương đăng quang ngôi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 là xứng đáng, nhưng nếu cô ấy có sử dụng các chất làm đẹp - dù không đụng đến  dao kéo - nhưng vẫn sẽ là thiếu công bằng cho các thí sinh chỉ hoàn toàn dựa vào vẻ đẹp tự nhiên”, Phan Hoàng Thu nói.

Một đại diện khác chia sẻ rằng, đề nghị Bộ VH-TT&DL thay đổi quy chế cho phép thẩm mỹ cần phải có thời gian mới có thể thực hiện được. Nhưng quy định hiện hành cũng không phải là quá tụt hậu so với các nước phát triển. Chẳng hạn ở Colombia, thí sinh cũng không được phép thẩm mỹ khi dự thi. Hay như ở Pháp, họ cũng đề cao vẻ đẹp tự nhiên trong các cuộc thi hoa hậu chứ không riêng gì Việt Nam. Trong khi chờ sự thay đổi này ở tương lai thì trước hết, quy chế cần có sự điều chỉnh để chặt chẽ hơn, tạo sự công bằng cho các thí sinh dự thi./.

Theo người mẫu Hà Anh: “Các cuộc thi sắc đẹp ở một số nước, họ không kiểm tra kỹ lưỡng như ta. Họ chỉ hỏi các thí sinh có phẫu thuật thẩm mỹ hay không và thí sinh phải sẽ là người chịu trách nhiệm về điều mình nói. Chỉ khi có tố cáo hoặc bị phát hiện gian dối thì họ mới bị kiểm tra để chứng minh mà thôi”.

Theo Minh Nhật/Gia đình & Xã hội

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/sieu-mau-ha-anh-can-thiep-tham-my-bay-gio-tinh-vi-lam-a3308.html