Tái hiện lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số tại Ngôi nhà chung

Thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, từ 15 – 23/11/2015, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tấy, Hà Nội) sẽ tái hiện nhiều lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số.


Tái hiện Lễ cưới của dân tộc Sán Chay (Cao Lan). Ảnh minh họa. Ảnh: Internet

Theo kế hoạch số 4154/KH-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, từ ngày 15 - 23.11.2015 nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số đến từ nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước sẽ được tái hiện.

Thành phần tham gia gồm: Đồng bào các dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú (Điện Biên); dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên Huế); dân tộc Chăm (Bình Định); dân tộc M’nông (Đắk Lắk); dân tộc Sán Chay (Bắc Giang); dân tộc Kinh, dân tộc Hoa, dân tộc Khmer (Cần Thơ); dân tộc Kinh (Trà Vinh, Hà Nội),...

Các lễ hội truyền thống sẽ được tái hiện, cụ thể như sau:

1. Lễ Cầu mưa của dân tộc Khơ Mú

Thời gian: Sáng ngày 16.11.2015 (Thứ Hai)

Địa điểm: Không gian làng dân tộc Khơ Mú, Khu các làng dân tộc I

Lễ hội cầu mưa được đồng bào gọi là Ý Lúm, Ý Lang, nhằm để xin Nhà trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi

2. Lễ hội AzaKooh (cầu mùa) của dân tộc Tà ôi

Thời gian: Sáng ngày 17.11.2015 (Thứ Ba)

Địa điểm: Không gian làng dân tộc Tà Ôi, Khu các làng dân tộc II

Là lễ hội đặc sắc của dân tộc Tà ôi để cầu xin thần linh cho dân bản được mùa, sống yên vui, hoặc để giải tỏa những bất hòa giữa hai làng, hai họ tộc... Lễ hội AzaKooh là nơi tập trung đầy đủ các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian như âm nhạc, múa, hội họa... với tính nguyên hợp mang đậm truyền thống.

3. Lễ hội Oai lơ cau chăhơzan (lễ cầu mưa) dân tộc Chăm

Thời gian: Sáng ngày 18.11.2015 (Thứ Tư)

Địa điểm: Không gian làng dân tộc Chăm, Khu các làng dân tộc III

Đồng bào Chăm với niềm tin trời sẽ mưa thuận gió hòa cho dân Plây có nước sản xuất, cho ngô lúa tươi tốt, thể hiện thông điệp cầu trời cho sự bình yên của đồng bào.

4. Lễ Bư brah mih rah book năm (lễ cúng mưa đầu mùa) của dân tộc M’nông

Thời gian: Sáng ngày 19.11.2015 (Thứ Năm)

Địa điểm: Không gian làng dân tộc M’nông, Khu các làng dân tộc II

Theo quan niệm của đồng bào M’nông, mưa đầu mùa là cơn mưa độc nên cần phải tổ chức lễ cúng để giải độc, cầu mong thần mưa ban cho những điều tốt đẹp gắn với khát vọng sinh sôi nảy nở. Sau khi cúng xong, già làng cùng bà con uống rượu cần cảm ơn thần linh đã che chở cho bon làng, mọi người lại cùng nhau gióng lên những hồi chiêng, những giai điệu m’buốt, làn điệu dân ca được cất cao, hòa nhịp, kết nối con người với thần linh, con người với thiên nhiên... Những bài hát dân ca trong lễ cúng mưa đầu mùa vang vọng ước mong, kèm theo những nỗi niềm hân hoan: mùa mưa lại đến với bon làng, mưa làm cho hạt nảy mầm, cho hoa màu phát triển, đơm hoa khoe sắc thắm, tôm cá dưới nước tung tăng bơi lội; từ cơn mưa, nay cho mưa thuận gió hòa, đừng có sấm sét...

5. Lễ cưới của dân tộc Sán Chay (Cao Lan)

Thời gian: Sáng ngày 20.11.2015 (Thứ Sáu)

Địa điểm: Không gian làng dân tộc Sán Chay, Khu các làng dân tộc I

Theo nghi lễ truyền thống, khi đoàn rước dâu đến cổng nhà gái sẽ bị “chặn đường” bằng tấm vải lụa màu, nhà trai phải thuyết phục gia đình nhà gái bằng điệu hát sình ca thì mới được phép vào trong. Đây là nét độc đáo nhất trong lễ cưới của người Cao Lan. Từng câu hát sình ca tha thiết như những lời thủ thỉ tâm tình bao trùm không khí vui tươi của đám cưới. Những lời ca mộc mạc mà say đắm trở thành lối hát giao duyên không thể thiếu của các thế hệ người Cao Lan.

6. Lễ gội đầu của dân tộc Thái

Thời gian: Sáng ngày 22.11.2015 (Chủ Nhật)

Địa điểm: Không gian làng dân tộc Thái Khu các làng dân tộc I và hồ Đồng Mô

Lễ gội đầu của dân tộc Thái, còn gọi là lễ Lung Ta. Quan niệm của người Thái, lễ gội đầu là lễ quan trọng mở đầu của các lễ hội trong năm. Bước vào năm mới mọi người trong thôn bản đều phải gội đầu để rửa trôi những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ, tống tiễn tai ương, nhọc nhằn, bệnh tật xuôi theo dòng nước (sông, suối) đi mãi không lặp lại, đồng thời cầu con người có sức khoẻ, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.

Ngoài thời gian tổ chức lễ hội, các cộng đồng dân tộc sẽ hoàn thiện không gian văn hóa, thể hiện phong tục tập quán truyền thống qua sinh hoạt, nghề thủ công truyền thống, giới thiệu về dân tộc, địa phương mình và giao lưu với khách du lịch.

Theo Dân Tộc Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tai-hien-le-hoi-truyen-thong-cac-dan-toc-thieu-so-tai-ngoi-nha-chung-a3272.html