Vẫn khát khao một vai diễn “cuộn sóng”

Nổi tiếng ngay khi vừa “chạm ngõ” điện ảnh, đến nay cũng đã hơn 40 năm, nhưng NSND Như Quỳnh vẫn đang khao khát một vai diễn.

Là một trong những diễn viên ưu tú của “thế hệ vàng” của nền điện ảnh Việt Nam. Tốt nghiệp diễn viên năm 1971, chỉ 2 năm sau, NSND Như Quỳnh đã tham gia diễn xuất trong bộ phim “Bài ca ra trận”. Đây là tác phẩm sử dụng nhiều thủ pháp điện ảnh lần đầu tiên xuất hiện trong phim Việt Nam thời gian đó. Một năm sau, vào năm 1974, Như Quỳnh tiếp tục tham gia bộ phim “Đến hẹn lại lên”. Bộ phim đã mang lại cho Như Quỳnh giải Diễn viên xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3. Không chỉ thành danh với các bộ phim trong nước, sở hữu vẻ đẹp đậm chất Á Đông, nền nã, cái tên Như Quỳnh cũng đặc biệt được các đạo diễn Việt kiều và nước ngoài yêu thích. Cho đến nay, NSND Như Quỳnh cũng tự nhận mình là người “diễn khỏe” so với những nghệ sĩ, diễn viên cùng thế hệ và bà vẫn khát khao một vai diễn “cuộn sóng”.


 
NSND Như Quỳnh: “Nếu lần sau phải vào những vai bà mẹ “đau khổ” như thế này thì tôi sẽ không tham gia nữa” (ảnh cung cấp)

+ Hơn 40 năm kể từ khi “chạm ngõ” làng điện ảnh, chị có thể cho biết vai diễn đầu tiên (y tá Mai trong “Bài ca ra trận”) đã tác động như thế nào đến sự nghiệp của mình?

- Được đóng phim “Bài ca ra trận”, tôi phải cảm ơn cố đạo diễn Trần Đắc. Bác là người cho tôi cơ hội để cuộc đời tôi bước sang một trang khác, thành một Như Quỳnh như ngày nay. Trước tôi học trường sân khấu, làm ở đoàn cải lương Hà Nội, đó là nghề của cha mẹ tôi. Khi bước sang điện ảnh, tôi được khán giả nhớ đến với vai y tá Mai. Sau đó, nhiều vai diễn của tôi được khán giả yêu thích.

+ Gần đây khán giả thấy NSND Như Quỳnh thường vào vai các bà mẹ. Hết bà mẹ “cứng nhắc” trong “Sóng ngầm” lại đến bà mẹ thời hậu chiến trong “Người trở về”, và bà mẹ trong “Lời ru mùa đông”… chị có khi nào thấy mình bị nhàm với kiểu vai diễn này?

- Có thể bạn nhắc vì vừa qua tôi phải vào nhiều vai các bà mẹ đau khổ, lam lũ. Tất nhiên, tôi vẫn có thể đóng được những dạng vai người phụ nữ trong gia đình, có chồng con nhưng không phải là vất vả, lam lũ, đau khổ như những vai bà mẹ vừa rồi tôi tham gia. Bắt đầu vào phim “Lời ru mùa đông”, đạo diễn bảo tôi phải hóa trang già đi, phải vất vả, lam lũ… Tôi đã phản bác. Không phải như vậy, vì xung quanh bà mẹ là những đứa con giàu có thì bà ấy đâu cần phải lam lũ. Cứ để bà ăn mặc sang trọng nhưng bà cô độc, thiếu thốn trong đời sống tình cảm. Khi vào phim, tôi cứ phải vào nhân vật bị già đi như vậy, nên phản đối, bảo nếu lần sau phải vào những vai bà mẹ “đau khổ” như thế này thì không tham gia nữa (cười).

Còn ở tuổi tôi, chắc chỉ còn phù hợp với vai bà mẹ. Đọc kịch bản xong tôi sẽ phải nghĩ ngay là mình sẽ như thế nào, tìm ra được màu sắc riêng của từng nhân vật. Còn đọc mà thấy chán thì tất nhiên là không nhận.

+ Từng có thời kỳ, phim truyền hình được làm ồ ạt, các diễn viên trẻ chạy sô, ra hiện trường không biết kịch bản, không biết lời thoại… Là một diễn viên gạo cội, chị có lời khuyên nào cho những diễn viên trẻ mới vào nghề, muốn chạy theo số lượng vai diễn?

- 5 năm trở lại đây, chuyện chạy sô đóng phim đã ít đi. Những bạn trẻ hiện nay ra hiện trường không thuộc lời thoại đã đỡ hơn rất nhiều, vì yêu cầu của đạo diễn là khắt khe hơn, không phải như trước chọn người mẫu, hoa hậu vào phim mà không hề biết đóng phim. Giờ diễn viên phải đạt yêu cầu của đạo diễn. Các đạo diễn cũng đòi hỏi diễn viên phải chú tâm với nhân vật của mình hơn.

Tôi nghĩ, các bạn trẻ, khi có cơ hội được làm những vai chính, vai trẻ, đó là điều kiện thuận lợi để nâng diễn xuất của mình lên nhiều. Nên các bạn, nếu muốn giữ được tuổi thanh xuân của nghệ thuật thì không phải chỉ đóng nhân vật đó mà phải nạp vào mình những tình cảm, xúc cảm khác, các nhân vật khác. Những kiến thức đó như một cái kho, khi mình vào nhân vật khác, mình sẽ có tích trữ để mở ra mà hóa thân. Còn nếu cứ chạy sô, đóng bằng bản năng, bằng nhan sắc thì chỉ được 1, 2 nhân vật thôi.

+ Hơn 40 năm trong nghề với hàng trăm vai diễn lớn, hiện nay, NSND Như Quỳnh có còn cảm thấy mình muốn được đóng một kiểu nhân vật nào đó mà chưa được?

- Tôi vẫn nghĩ, đề tài kịch bản của Việt Nam gần đây đã đưa các nghề nghiệp mới mẻ, hiện đại vào phim như doanh nhân, nữ giám đốc… nhưng thực sự, nữ doanh nhân thành đạt mà cuộc sống gia đình, tình cảm thiếu thốn, trống vắng thì chưa có. Tôi có đọc “Rừng xanh lá đỏ” của Mạc Ngôn, một nữ doanh nhân thành đạt, ban ngày bận rộn với “vương quốc” của mình. Nhưng mỗi đêm, khi trở về tòa lâu đài của mình, bà cô đơn khủng khiếp. Tôi nghĩ xã hội nào, nước nào cũng có những nhân vật phụ nữ như vậy. Tôi nghĩ các nhà biên kịch Việt Nam chưa đề cập đến mảng này. Tôi vẫn ao ước được diễn kiểu nhân vật cuộn sóng như vậy.


“Tôi vẫn ao ước được diễn kiểu nhân vật "cuộn sóng”" (ảnh Hà An)

+ Ngoài đời, cuộc sống của NSND Như Quỳnh có bao giờ cô đơn trong “lâu đài” của gia đình mình?

- Trong cuộc sống gia đình, sự bận rộn càng phải gắn kết, chia sẻ với nhau hơn. Không thể nào vì người vợ bận rộn mà người chồng lại lạnh lùng. Nếu trong thời gian tôi đi làm phim, có khi vài tháng không trò chuyện với chồng. Vì sáng đi sớm tối về muộn, nhưng nếu chồng hiểu vợ, khi vợ về, chồng hỏi một đôi câu, em đã về đấy à? Thì đã thấy được quan tâm, thấy hạnh phúc. Tôi nghĩ, người phụ nữ Việt Nam vốn vậy, không đòi hỏi gì nhiều.

Còn đối với con cái, tôi nghĩ xã hội giờ sống theo xu hướng hiện đại. Mình với con cái khác về thế hệ. Dù mình không già nua, cũ kĩ nhưng con cái với mình không hiểu nhau cũng có. Vì vậy, tôi nghĩ, mình không cổ hủ mà nên lựa theo các con. Nếu mẹ con không hiểu nhau thì có thể đối thoại, chia sẻ.

+ Xin cảm ơn NSND Như Quỳnh về cuộc trò chuyện!

Theo Hà An (toquoc.vn)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/van-khat-khao-mot-vai-dien-cuon-song-a3270.html