13/10/2015 16:15
13/10/2015 16:15
Cồn Sơn (Cần Thơ) phát triển du lịch cộng đồng
Vùng đất trù phú với những vườn cây trái sum suê, vị thế đẹp- bốn mặt đều tiếp giáp sông Hậu, cách đất liền 600m và bến Ninh Kiều khoảng 6km, cộng với nếp sống đôn hậu, chân tình của người dân địa phương... là những lợi thế để cồn Sơn (thuộc khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) phát triển loại hình du lịch cộng đồng.
9Từ bến đò cô Bắc (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy), du khách sang cồn Sơn bằng chuyến đò ngang khoảng 5-10 phút. Cách đất liền không xa, nhưng đến với cồn Sơn, du khách như bước vào một thế giới khác, yên tĩnh và trong lành, khác xa với nhịp sống hối hả của thành phố ồn ào, náo nhiệt phía bên kia bờ. Nhìn từ xa, cồn Sơn có vẻ hoang sơ khi được bao bọc bởi những rặng bần, bốn mặt là sông nước mênh mông.
Cồn Sơn rộng trên 67ha, được ví như viên ngọc ngậm trong miệng rồng của làng cổ Long Tuyền. Dải đất này vẫn giữ được vẻ đẹp hồn hậu với cảnh vườn cây, ao cá, bến sông. Với lợi thế của thiên nhiên, đất đai màu mỡ, quanh năm phù sa bồi đắp, cồn Sơn là xứ sở của những vườn cây trái. Đến đây, du khách có cảm giác như đi giữa màu xanh bất tận. Màu xanh từ những dải lục bình, rặng bần ven sông; màu xanh từ những vườn cây ăn trái và vườn rau của các hộ dân. Trên cồn Sơn có vài chục hộ dân sinh sống, chủ yếu gắn bó với nghề làm vườn. Hầu như nhà nào cũng được bao phủ bởi một màu xanh ngát của cây trái, vườn tược, từ ngõ tới tận phía sau nhà. Những con đường nhỏ rợp bóng dừa, những chùm xoài, bưởi oằn trĩu, chỉ cần một tầm tay với là du khách đã có thể hái trái thưởng thức.
Hiện cồn Sơn có 14 hộ dân làm vườn kết hợp với phục vụ du lịch. Ấn tượng nhất trong số đó, có lẽ là vườn cây ăn trái rộng trên 8.000m2 của anh Nguyễn Thành Tâm. Ở đây có những gốc chôm chôm to một người ôm không hết cùng với những hàng bưởi năm roi thẳng tắp, trĩu quả. Vào vườn, du khách tự tay hái bưởi và thưởng thức trái ngay tại chỗ. Du khách còn được trải nghiệm cuộc sống của nông dân qua các hoạt động: câu cá, mò cua, bắt ốc, tát mương bắt cá… Sau nhiều giờ lặn ngụp, lấm lem bùn đất, thành quả thu được là những con cá đồng (cá lóc, rô phi, cá trê…) giãy đành đạch, khiến không ít người vui sướng. Từ thành quả này, du khách có thể chế biến tại chỗ với nguyên liệu sẵn có trong vườn, thành những món đồng quê tuyệt vời như: cá nướng rơm hay bẹ chuối, ốc nướng… Anh Nguyễn Thành Tâm hào hứng cho biết: "Sắp tới, tôi sẽ cất thêm vài lán trại, trồng thêm giàn mướp, bí...để tạo thêm không gian riêng cho du khách thoải mái nấu nướng, vui chơi".
Cách nhà anh Tâm khoảng 200m, nhà vườn Song Khánh của gia đình chị Phan Thị Kim Phước, gọi thân tình là Năm Phước, mang đến cho du khách sự trải nghiệm khác. Nhà vườn chị Năm Phước mang đậm nét đặc trưng Nam bộ với vườn cây, ao cá bao bọc xung quanh; gia chủ chân chất, nhiệt tình. Sau một vòng dẫn khách tham quan vườn cây rộng hơn 13.000m2, chị Năm Phước tất bật chuẩn bị các món ngon đãi khách. Điểm độc đáo của nhà vườn này là du khách được gia chủ hướng dẫn làm các món bánh dân gian: bánh xèo, bánh khọt, bánh ít trần, bánh lọt, bánh tằm se, bánh in…với các nguyên phụ liệu sẵn có trong vườn. Từ khâu chọn gạo xay làm bột, ra vườn "chít" măng tre về làm nhân, hái các loại rau ăn kèm đến khâu đổ bánh,… du khách đều có thể tham gia cùng gia chủ bất kỳ công đoạn nào, nếu thích. Ấn tượng với nhiều du khách là món dưa chuối "có một không hai" của chị Năm Phước. Những sợi dưa trắng phau, giòn giòn, chua chua ngọt ngọt làm tăng thêm sức hấp dẫn cho những món ăn dân dã. Chị Năm Phước vui vẻ chỉ dẫn: "Mình lấy đoạn thân chuối non, xắt thành miếng vừa ăn rồi đem ngâm giấm chua ngọt. Con giấm phải làm từ nước mưa mới ngon". Với sự thân thiện, thiệt thà, chị Năm Phước và những người trong gia đình đều không ngại chia sẻ bí quyết để khách có thể tự tay làm những món ngon dân dã.
Sau bữa ăn, du khách nghỉ ngơi trên những chiếc võng mắc trong vườn. Vừa đu đưa, vừa lắng nghe chim hót, cũng là một cái thú khó tìm ở chốn phố thị. Hay khi hoàng hôn buông xuống, du khách dạo quanh các triền đê, đón những làn gió mát mẻ từ sông thổi vào, ngắm từng đàn cò bay về vườn của anh Tho gần đấy, lúc cao điểm có khoảng 5.000 con, rợp cả trời, thật thú vị!
Cồn Sơn không chỉ níu chân du khách bằng những trái cây ngon, món ăn đậm hương vị Nam bộ của các nhà vườn, mà còn có loại hình du lịch trải nghiệm trên sông nước với điểm đến là các nhà bè. Cồn Sơn có gần 50 nhà bè "ôm" dọc thân cồn, tạo nên làng nổi trên sông độc đáo và thi vị. Mỗi nhà bè là một thế giới thu nhỏ với mọi hoạt động của cuộc sống từ: ăn uống, tắm rửa, học hành… Ghé gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết- một trong 7 hộ nhà bè phục vụ du lịch, ngoài việc tận mắt chứng kiến quy trình chế biến thức ăn cho cá, du khách thích thú hơn khi thấy hàng ngàn con cá quẩy đuôi tranh nhau đớp mồi, làm nước bắn tung tóe ướt sũng cả mặt sàn bè. Ngồi trên bè, hứng những luồng gió mang hơi nước mát lành từ sông thổi vào, thật dễ chịu biết bao. Điểm thuận lợi ở làng bè là du khách có thể tới thăm quanh năm.
Nếu tổ chức tốt, đây sẽ là loại hình du lịch mang đến nhiều mối lợi cho cả các công ty lữ hành, du khách, lẫn những chủ bè. Đặc biệt, dịch vụ nghỉ đêm ở làng bè cũng khá thú vị- có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của du lịch Cần Thơ nếu biết khai thác tốt và có những sản phẩm phụ đi kèm để làm phong phú thêm các hoạt động của du khách.
Bà Lê Thị Bé Bảy, Phó Phòng Văn hóa- Thông tin quận Bình Thủy, cho biết: "Cồn Sơn còn giữ được nét nguyên sơ và có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Các nhà vườn trên cồn đồng thuận liên kết phát triển du lịch trên lợi thế sẵn có gắn với bảo vệ môi trường. Dù loại hình du lịch cộng đồng chỉ mới phát triển ở cồn Sơn khoảng 5 tháng nay (từ tháng 5/2015) nhưng đã tạo nên bản sắc riêng cho địa phương. Về lâu dài, chúng tôi sẽ xây dựng thêm nhiều sản phẩm, tạo sự liên kết bền vững, đặc sắc hơn". Theo bà Lê Thị Bé Bảy, hiện đã có 14 công ty lữ hành đến khảo sát và đưa khách sang cồn Sơn.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: "Để phát huy tiềm năng du lịch Bình Thủy, chúng tôi đang xây dựng làng du lịch cồn Sơn với định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra, quận cũng có đề án phát triển làng hoa Phó Thọ Bà Bộ, làng rau sạch theo công nghệ cao, trồng trong nhà kính để phục vụ du khách tham quan".
Nét đẹp hoang sơ của cồn Sơn được ví như viên ngọc quý giữa phố thị và với loại hình du lịch cộng đồng, cồn Sơn sẽ tạo nên bản sắc mới cho du lịch Cần Thơ khi du khách có thể hòa mình với thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống thôn quê đậm chất miền Tây. /.
Theo Báo Cần Thơ
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/con-son-can-tho-phat-trien-du-lich-cong-dong-a3261.html