Từ ngày 6-23/11, các nghệ sĩ cải lương sẽ tụ hội ở “Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015”, diễn ra tại Nhà hát Cao Văn Lầu, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Trước thềm Cuộc thi, PV đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Trần Quang Khải, diễn viên của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Anh là một trong số những gương mặt sáng giá, đại diện cho Nhà hát tham gia cuộc thi.
Nghệ sĩ Trần Quang Khải trong vai Phật hoàng Trần Nhân Tông (ảnh: TL)
+ Những năm gần đây, anh là một trong số những diễn viên trẻ được đảm nhận vai chính trong các vở diễn của Nhà hát và sắp tới anh sẽ tham gia “Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015”, anh có thể chia sẻ về vai diễn cũng như cảm xúc của mình?
- Được tham gia một cuộc thi lớn như vậy là niềm hạnh phúc, vinh dự đối với cá nhân của tôi cũng như thế hệ diễn viên trẻ của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Đây là cơ hội để giao lưu nghệ sĩ giữa hai miền Nam-Bắc, được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với các nghệ sĩ thế hệ đi trước, đó là điều đáng quý nhất đối với những người nghệ sĩ trẻ.
Đoàn biểu diễn một sẽ mang vở diễn “Mai Hắc Đế” đến cuộc thi, và tôi may mắn được Nhà hát và đạo diễn phân cho vai Mai Hắc Đế, đó là vinh dự nhưng đồng thời cũng là một áp lực khi được tham gia một cuộc thi lớn của sân khấu cải lương Việt Nam.
+ Đam mê nghệ thuật cải lương, vậy theo anh đâu là sức hút của nghệ thuật này?
- Nghệ thuật cải lương bộc lộ được cảm xúc của nhân vật thông qua giọng ca, lời ca, thể hiện rõ tính lãng mạn, hùng tráng, chân thực.
Nghệ sĩ Trần Quang Khải hóa thân vào nhân vật Mai Hắc Đế (ảnh: TL)
+ Là một nghệ sĩ trẻ, anh nhìn nhận về sân khấu cải lương hiện nay như thế nào?
- Quang Khải biết đến cải lương khi nghệ thuật này ở trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, cải lương được sự quan tâm của lãnh đạo và sự yêu nghề, đam mê với nghề của các nghệ sĩ, nên sân khấu cải lương luôn có sức hấp dẫn.
Hiện nay, các vở diễn được sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại, tạo hiệu ứng tốt và có sức lôi cuốn khán giả. Như trong vở “Mai Hắc Đế” chúng tôi đã đưa màn hình led để mô phỏng phần phông hình họa, làm nền cho vở diễn tạo sự thú vị cho khán giả.
+ Có một thực trạng là diễn viên cải lương hát nhép, phải trông chờ vào người nhắc lời. Theo anh, điều này có làm cho chất lượng của vở diễn giảm đi?
- Theo tôi biết, để thực hiện được một vở diễn sẽ phải mất từ 2-3 tháng để chuẩn bị. Tất cả các khâu từ kịch bản, âm thanh, ánh sáng, phục trang… và đặc biệt dàn diễn viên được trang bị kiến thức đầy đủ cho nhân vật mình thể hiện nên sẽ có những vở diễn tốt. Do đó việc không thuộc lời là hãn hữu.
+ Hiện nay sân khấu truyền thống có vẻ như không còn nhận được sự quan tâm của khán giả. Để khắc phục thực trạng này, bên Nhà hát Chèo Hà Nội đã đầu tư tiền tỷ vào các vở diễn như “Vương nữ Mê Linh”, “nàng Sita”… Anh có thể cho biết Nhà hát Cải lương Việt Nam có sự đầu tư nào không?
- Trong 3 năm trở lại đây, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã dựng nhiều vở diễn làm sống lại sân khấu cải lương phía Bắc, khán giả đến xem đã đông hơn và có sự chờ đón xuất hiện những vở diễn mới. Một số vở diễn tạo được tiếng vang cho Nhà hát như “Chuyện tình Khau Vai” năm 2013, “Mai Hắc Đế” năm 2014 và “Vua Phật” năm 2015 và dự kiến cuối năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục dựng vở diễn về hình tượng người chiến sĩ cộng sản.
Trong lúc sân khấu dân tộc đang gặp nhiều khó khăn, chúng tôi những nghệ sỹ cải lương vẫn ngày đêm tìm tòi, thể nghiệm những hướng phát triển mới cho loại hình nghệ thuật này. Vài năm gần đây, tôi và các đạo diễn và nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã nỗ lực đưa khán giả đến gần hơn với nghệ thuật cải lương bằng con đường xã hội hoá nghệ thuật như việc cho ra đời điểm diễn Khoảng trời phương Nam tại Thành Công Palace, có sự kết hợp với các doanh nghiệp làm công tác xã hội hoá là mong muốn tiếp cận gần hơn với các tầng lớp khán giả của nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam. Chúng tôi muốn tạo dựng một không gian giao lưu trao đổi cho khán giả nội địa yêu mến loại hình nghệ thuật dân tộc này và quảng bá cả với khán giả nước ngoài. Tới CLB khán giả sẽ được thưởng thức những bài ca, tiết mục, tiểu phẩm độc đáo và đặc sắc của truyền thống và cả những cách tân mới. Mặc dù phải đối diện với cơ chế thị trường đầy khắc nghiệt và để duy trì các CLB, các sân chơi này là vô cùng khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì để tạo nên những điểm diễn cố định, thu hút khán giả quốc tế cũng như đáp ứng yêu cầu của khán giả yêu nghệ thuật cải lương. Đồng lương cho nghệ sĩ truyền thống còn thấp, rất nhiều người phải bươn chải làm nhiều nghề để có đủ thu nhập, tuy nhiên khi Nhà hát đã vào lịch tập vở thì tất cả đều huỷ sô diễn bên ngoài, tập trung tâm lực từ sáng tạo cá nhân để tạo nên hiệu quả cho cả vở diễn. Khi ban giám đốc và lãnh đạo đoàn đã tin tưởng giao vai thì người nghệ sĩ phải làm sao tận dụng được cơ hội ấy để thể hiện được khả năng của mình từ kỹ thuật ca, cho tới diễn xuất. Mỗi nghệ sĩ chúng tôi luôn ý thức về danh dự nghề nghiệp, màu cờ sắc áo của thương hiệu nhà hát.
+ May mắn được đảm nhận vai chính trong nhiều vở diễn của Nhà hát, vậy anh có sống được với nghề?
- Nhà hát Cải lương Việt Nam chỉ có hai đoàn nghệ thuật và mỗi năm một đoàn chỉ được đầu tư thực hiện một vở diễn. Vì thế mọi nghệ sĩ phải luôn cố gắng để có cơ hội được lên sân khấu biểu diễn. May mắn là năm nay Nhà hát Cải lương Việt Nam nhận được sự đồng thuận của ban văn hoá giáo hội phật giáo Việt Nam và đóng góp kinh phí từ những những khán giả yêu mến nghệ thuật Cải Lương.
Khó khăn là tình hình chung của kinh tế Việt Nam, trong đó có nghệ thuật và đặc biệt là những nghệ sĩ lao động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu truyền thống. Tôi và những người nghệ sĩ đam mê nghệ thuật cải lương luôn xem sân khấu là một thánh đường, nên phải nỗ lực hết sức để sống được với nghề. Vì thế chúng tôi đã làm thêm nhiều việc khác có liên quan đến nghệ thuật để vừa có kinh phí, đồng thời nuôi dưỡng được đam mê nghệ thuật như hát trong các lễ hội, sự kiện nghệ thuật…
Theo tôi, khi nghệ sĩ khẳng định được vị trí bản thân và được khán giả đón nhận thì sẽ luôn sống được với nghề.
+ Theo anh sự khó khăn về “cơm áo, gạo tiền” có phải là một trở ngại lớn đến niềm đam mê của thế hệ trẻ theo nghề?
- Tôi nghĩ, quan trọng là sự lựa chọn của mỗi người vì mỗi người có một sở thích riêng. Chúng ta không thể bắt được lớp trẻ yêu môn nghệ thuật cải lương vì họ còn có nhiều sự lựa chọn. Khi sinh viên học xong, ra trường đi làm và tiếp tục niềm đam mê theo nghề cũng là việc hết sức khó khăn. Đây cũng là một trở ngại trong công tác đào tạo các thế hệ kề cận của các nhà hát.
Tuy nhiên, chúng tôi mong rằng nhà nước sẽ có sự quan tâm thích đáng hơn để nâng cao mức thu nhập cho người nghệ sĩ. Mặt khác, tới nay Nhà hát vẫn chưa có rạp biểu diễn, mặc dù Ban Giám đốc đã cố gắng tìm mọi cách khai thác địa bàn hoạt động nhưng rõ ràng việc không có một địa điểm biểu diễn cố định, đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật cho sân khấu là điều rất thiệt thòi cho các nghệ sĩ.
+ Xin cảm ơn anh. Chúc anh sẽ gặt hái được nhiều thành công con đường nghệ thuật!
Ngọc Hà Lê (toquoc.vn)