“Xoắn” với Hát Xoan ở miếu Lãi Lèn

Không gian diễn xướng Hát Xoan đã trở lại với miếu Lãi Lèn VH- Hội nghị tiểu vùng Bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể khu vực Đông Nam Á năm 2015 tại thủ đô Hà Nội khép lại với chuyến điền dã, đi thực tế xem trình diễn Hát Xoan Phú Thọ tại miếu Lãi Lèn, TP Việt Trì, Phú Thọ vào ngày 8.10.

Len là len hỡi là len…

Hội nghị tiểu vùng về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) khu vực Đông Nam Á năm 2015 vừa được tổ chức tại Hà Nội là một hội nghị quốc tế quan trọng do Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN phối hợp với Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về DSVHPVT khu vực châu Á - Thái Bình Dương do UNESCO bảo trợ tổ chức.

Hội nghị có sự tham gia của các đại diện tổ chức phi chính phủ và cơ quan chính phủ đến từ các quốc gia Đông Nam Á (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Việt Nam), đại diện của Văn phòng UNESCO tại Bangkok và Hà Nội cùng đông đảo chuyên gia quốc tế và VN về DSVHPVT.




Hát Xoan Phú Thọ trình làng lực lượng nghệ nhân trẻ triển vọng

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên khẳng định: “VN chúng tôi rất tự hào vì có một kho tàng DSVHPVT vô cùng phong phú của 54 dân tộc anh em cùng cư trú trên đất nước VN. Có những di sản hiện vẫn đang tồn tại và phát triển, nhưng cũng có những di sản đang dần bị mai một. Trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay, đối với mỗi quốc gia, việc bảo vệ các DSVHPVT là việc làm vô cùng cần thiết để gìn giữ và khẳng định bản sắc riêng của mình. VN chúng tôi trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy các DSVHPVT”.

Minh chứng cho những nỗ lực, thành công của VN trong công tác bảo tồn và phát huy các DSVHPVT, ngày 8.10, các đại biểu tham dự Hội nghị đã có chuyến đi thực tế, ý nghĩa xem trình diễn Hát Xoan Phú Thọ - DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp đã được UNESCO ghi danh từ năm 2011 tại miếu Lãi Lèn, ở làng Phù Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Sự tích về nguồn gốc Hát Xoan Phú Thọ vẫn xem miếu Lãi Lèn là nơi phát tích của di sản này.

Chuyện kể, miếu Lãi Lèn là nơi các Vua Hùng truyền dạy điệu Hát Xoan cho thôn dân, vì vậy, Hát Xoan còn được gọi là hát Lãi Lèn. Câu hát đệm chính của Xoan còn lưu truyền đến ngày nay “Len là len hỡi là len...” góp thêm một lý giải cho sự tích này. Còn nhớ, cho đến trước khi được UNESCO vinh danh Hát Xoan Phú Thọ, miếu Lãi Lèn chỉ còn lại vài dấu tích, tưởng chừng sẽ mãi một đi không trở lại. May thay, với sự đầu tư quan tâm của Chính phủ cũng như tỉnh Phú Thọ, miếu Lãi Lèn đã được khôi phục lại, xây trên một gò đất giữa đồng thuộc thôn Phù Đức, ở làng Phù Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, Phú Thọ, cách Đền Hùng khoảng ba cây số. Miếu mang hình chữ đinh, đầu đao góc mái, cao hơn năm mét, rộng chừng 250m2, cột nhà, xà nhà đều được dựng bằng gỗ lim để mộc không sơn có nghi môn, bình phong theo dạng cuốn thư, nhà tả vu, hữu vu… trông rất cổ xưa. Đáng quý hơn cả, ngôi miếu này đã và đang trở thành không gian diễn xướng quen thuộc của DSVHPVT Hát Xoan Phú Thọ với câu ca quen thuộc “Len là len hỡi là len”…



  Các học giả, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa quốc tế hòa mình cùng các nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ

“Xoắn” với Hát Xoan Phú Thọ

Tại buổi đi thực tế, xem diễn xướng Hát Xoan Phú Thọ tại miếu Lãi Lèn, Sở VHTTDL đã có báo cáo nhanh về những kết quả thực hiện chương trình hành động bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT Hát Xoan Phú Thọ trong những năm gần đây.

Ông Vũ Trường Thành, Phó GĐ Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cho biết: “Năm 2006, nếu ở phường An Thái có 42 thành viên thì nay có 85 thành viên; phường Thét có 30 thành viên nay có 50. Đào kép ở mỗi phường đủ khả năng trình diễn hoàn thiện một đêm Hát Xoan thờ Vua tại đình làng”.

Thực tế, công tác đào tạo nghệ nhân Xoan kế cận trong 4 phường Xoan cổ tại TP Việt Trì, Phú Thọ được xác định là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản Hát Xoan. Ít nhiều, những năm gần đây đã có những kết quả tích cực trong công tác này, cụ thể nếu năm 2009, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất chỉ còn 7 cụ có khả năng thực hành, truyền dạy Xoan cổ thì nay Hát Xoan Phú Thọ đã đào tạo được 62 nghệ nhân kế cận có khả năng truyền dạy…

Ý nghĩa hơn, tại miếu Lãi Lèn, những màn diễn xướng của các nghệ nhân Xoan đã cho thấy sức sống của Xoan cũng như thành tựu sống động của công tác bảo tồn và phát huy di sản Hát Xoan Phú Thọ trước sự chứng kiến của hàng chục chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa quốc tế chuyên sâu về DSVHPVT. Nếu Hát Xoan vẫn được biết đến với 3 chặng hát: nghi lễ, quả cách và giao duyên thì chỉ trong một buổi diễn xướng, các vị khách quốc tế đã được tái hiện qua một vài tiết mục của các nghệ nhân Xoan qua 3 chặng hát.

Như một bản báo cáo sống động, các nghệ nhân được chọn mặt gửi vàng diễn xướng trước các học giả quốc tế là những nghệ nhân trẻ, đó là lớp nghệ nhân kế cận qua màn diễn xướng Giáo trống, Thơ nhang hay các nghệ nhân, diễn viên nhí với Tứ dân thị khách và các học viên của các lớp học cộng đồng của xã Kim Đức, TP Việt Trì với hát giao duyên: Bỏ trầu, Bỏ bộ…

Ông Kwon Huh, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương do UNESCO bảo trợ (ICHCAP) bộc bạch: “Tôi thật sự ấn tượng với DSVHPVT Hát Xoan Phú Thọ. Các bạn cũng đã cho thấy sự tâm huyết và hướng đi đúng đắn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản này mà bằng chứng là sự trình diễn thuyết phục của các nghệ nhân trẻ tuổi…”.

Thú vị hơn, với màn diễn xướng Mó cá mang tính cộng đồng của đông đảo nghệ nhân Xoan trong sân miếu Lãi Lèn đã thu hút sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu DSVHPVT quốc tế. Tiếng trống phách nhịp nhàng cùng không gian mở của buổi diễn xướng đã đưa họ bước vào vòng Xoan đầy hào hứng. Có thể còn có những bước chân “xoắn quẩy” vì chưa đúng nhịp với Hát Xoan của các vị khách quốc tế, có thể những động tác “bỏ bộ” chưa thật thuần thục… nhưng hình ảnh các học giả đến từ nhiều nước hòa mình diễn xướng với các nghệ nhân Xoan nhiều thế hệ đã cho thấy sức hút của Hát Xoan Phú Thọ để lại nhiều dư vị cho công tác quảng bá, bảo tồn và phát huy di sản này.

Theo Văn hóa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/xoan-voi-hat-xoan-o-mieu-lai-len-a3233.html