Hát với nhau, nét đẹp Sài Gòn

Có những điều, sự kiện, hiện tượng mặc nhiên xuất hiện một cách phổ biến rộng khắp làm cho người ta không thèm tự hỏi nó đến từ đâu? Từ khi nào nó có? Tại sao nó lại xuất hiện và sống được hết sức tự nhiên như… Hát với nhau.



Ảnh tư liệu

Hát với nhau có phải là phong trào không? Bây giờ tại Sài Gòn và nhiều thành phố, quận huyện, phường xã, rất nhiều người biết và thích cùng đi Hát với nhau.

Trong nhiều quán nhậu có Hát với nhau. Sau khi đi nhậu liền đi Hát với nhau. Hoặc thuần túy khi buồn buồn đi Hát với nhau cho vui. Hiện nay có nhiều điểm Hát với nhau trong thành phố có sân khấu, âm thanh hoành tráng, ấm cúng không thua gì sân khấu chuyên nghiệp.

Trên sân khấu này có rất nhiều giọng ca trẻ, già, sồn sồn cũng chuyên nghiệp không kém. Họ hát hay - và nhiều người hát hay hơn ca sĩ chuyên nghiệp. Bởi lẽ họ hát vì yêu âm nhạc, trải nỗi lòng chứ không phải hát vì tiền, vì danh.

Mỗi người đều có bài hát tủ của mình. Già già, sồn sồn thì có những bài tình ca của Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên hoặc nhạc đỏ, tiền chiến. Giới trẻ thì có những bài "hit" mà các ca sĩ trẻ đang chiếm lĩnh thị trường âm nhạc ăn liền.

Đa dạng thể loại, đa dạng giọng hát, đa dạng phòng Hát với nhau, đa dạng giá cả…nhưng tựu trung, không thể chối cãi, Hát với nhau là một sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Một sân chơi cho mọi lứa tuổi nhưng đa số là tuổi trung niên.

Nhưng không ai tự hỏi Hát với nhau có từ lúc nào? Người thích hát có cảm tưởng là Hát với nhau xuất hiện sau phong trào hát karaoke. Hát có chữ, chạy theo chữ người ta không diễn tả được cảm xúc, nhấn nhá, phá trường độ của nốt nhạc.

Còn trên sân khấu Hát với nhau, người hát có thể diễn tả đủ cung bậc cảm xúc. Người hát dở, nhạc công sẽ đàn chạy theo giúp cho họ hát đúng "tông" bài hát cũng như nhịp điệu.

Bởi vậy, dần dần Hát với nhau cũng chia bớt thị phần của karaoke. Nhưng Hát với nhau có trước hay là sau phong trào hát karaoke?

Một điều hết sức bất ngờ cho người viết này khi biết được rằng Hát với nhau bắt đầu từ phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng của Đoàn thanh niên.

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 28-3-1982 có đăng bài "Giới thiệu một loại hình sinh hoạt mới: hát với nhau" (của Thanh Tâm) với nội dung (trích lược) như sau:

"Ở một góc sân bóng chuyền Nhà văn hóa Thanh niên, một sân khấu nho nhỏ với tấm phông đơn giản "Hát Với Nhau - Mừng Đảng Quang Vinh". Một ban nhạc đệm cho một người hát, âm thanh khá tốt, sẵn sàng phục vụ. Nhiều lượt khán giả đến đăng ký ở ban tổ chức rồi lên sân khấu hát một cách nhiệt tình, say sưa và sôi nổi…

Nếu có những bạn lên hát thoải mái, chủ động do đã quen sinh hoạt phong trào tại cơ sở thì cũng có những bạn cầm micro hát với sự xúc động thật sự của một người lần đầu bước lên sân khấu. Qua 4 đêm sinh hoạt đã có gần 200 người lên sân khấu với 124 tiết mục…

Hát với nhau là một loại hình hoạt động văn hóa mới mẻ, phong phú của CLB Âm Nhạc (Nhà văn hóa Thanh niên)".

Tôi không biết trong tổng kết hoạt động 40 năm của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM có ghi nhận "công trạng" này không. Nếu chưa, tôi xin được đóng góp ý kiến nhỏ về sự đóng góp lớn của Nhà văn hóa Thanh niên trong phong trào văn nghệ yêu tiếng Hát với nhau trước hết là cho thanh niên của thành phố và cả nước.

Theo LÊ VĂN NGHĨA (TTO)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hat-voi-nhau-net-dep-sai-gon-a3229.html