
Quang cảnh xung quang Di tích đình La Phù – Nguồn: antv.gov.vn
Đình La Phù được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1988 nhưng hiện nay đang tồn tại chợ tạm trong khu vực bảo vệ di tích.
Được biết, ngôi đình nằm ở trung tâm làng La Phù, còn gọi là làng La Nước, xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Đình thờ thành hoàng là Tĩnh Quốc Đại Vương, con trai thứ 3 của vua Hùng. Ông sinh ngày 7 và hoá ngày 14 tháng Giêng âm lịch (không rõ năm sinh và mất). Vì có công trong việc giúp vua Hùng Duệ Vương đánh Thục nên sau khi ông mất, triều đình đã phong tặng là Tĩnh Quốc Đại Vương Thượng đẳng thần. Làng La Nước là nơi Tĩnh Quốc đã đứng lên chiêu tập quân sĩ.
Dựa vào đạo sắc phong có niên đại sớm nhất ghi niên hiệu Vĩnh Khánh 2 (tức năm 1730) thì ngôi đình có thể được dựng sớm hơn năm 1730. Kiến trúc hiện nay mang nhiều dấu ấn trùng tu vào các năm Cảnh Hưng 44 (1783), Gia Long 15 (1816)… Đình gồm nghi môn, đại bái và hậu cung tạo thành một tổng thể hài hoà.
Hội làng hằng năm được tổ chức vào tháng Giêng Âm lịch, thời gian từ ngày 7-13. Ngày 7: rước kiệu từ đình xuống đền hạ, làm lễ đến đêm thì rước về. Mồng 8: tế yêu vị, 24 xóm trong làng sửa soạn lễ vật ra đình tế. Ngày 12: thi tế xôi. Ngày 13: tế thịt lợn sống (để cả con). Sau ngày đó, đồ tế được chia về các giáp. Trong các ngày này, dân làng còn tổ chức các trò vui chơi giải trí và múa tại sân đình.
Năm 1988, Đình La Phù được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, thế nhưng hiện nay đang tồn tại chợ tạm họp trong khu vực bảo vệ di tích gây mất vệ sinh môi trường, phá vỡ cảnh quan nơi tôn nghiêm trầm mặc của một di tích cổ. Hàng ngày, nơi đây diễn ra cảnh họp chợ nhốn nháo với hàng quán, lều bạt chăng tạm bợ, người mua kẻ bán với rác thải sinh hoạt khắp nơi. Thậm chí cây đa cổ thụ 500 tuổi từng được vinh danh là cây di sản thành nơi để xe đạp , xe máy.
Trước kiến nghị của người dân xã La Phù, ngày 23/10/2014, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã có công văn yêu cầu xã La Phù huyện Hoài Đức phải có biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, không cho phép tình trạng tái diễn họp chợ trái phép trên địa bàn trước và sau đình La Phù. Nhưng từ đó đến nay, tình trạng xâm lấn di tích vẫn chưa có sự chuyển biến do chưa có kinh phí để thực hiện Đề án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới của xã La Phù (giai đoạn 2012-2020), trong đó chợ tạm sẽ được di dời đến vị trí mới. Do đó, chính quyền địa phương cần có kế hoạch tổ chức lại chợ kết hợp biện pháp trước mắt đảm bảo được giao thông, môi trường, cảnh quan di tích.
Theo Di Sản Xanh