Hoang tàn di tích chưa xếp hạng
Chùa Đồng Rè (thôn Tiên Cầu, xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, từng là một căn cứ cách mạng có ý nghĩa quan trọng trong Cách mạng tháng Tám 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 – 1954.
Đến nơi này vào một ngày đầu tháng 10, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến một di sản có giá trị về lịch sử, tồn tại đến nay đã hơn 100 năm nhưng hiện nay không khác gì một đống hoang tàn đổ nát. Khuôn viên ngôi chùa bị cây cối mọc um tùm, một số cây bị đổ ngổn ngang sau trận mưa lớn. Cánh cửa ngoài của chùa bị hỏng đã rơi khỏi khung từ lâu, trong khi gian nhà ngoài của chùa hiện nay vẫn là nền đất. Bên cạnh là nhà Tổ để ngổn ngang các vì kèo mục nát với mái ngói bị thủng vỡ, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Cổng Tam quan thuộc xã Song Phương (huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) bị rác thải, cỏ dại “bao vây”. Ảnh: M.L
Ngậm ngùi quét dọn trước sân chùa, bà Phạm Thị Vũ (55 tuổi) - người giữ chìa khóa vào chùa Đồng Rè cho biết: “Ngày nắng không sao nhưng ngày mưa thì chùa dột nát lắm. Hơn chục năm nay chùa không có người trông coi. Chỉ có bà con ở khi xóm chúng tôi bảo nhau dọn dẹp khuôn viên chùa mỗi dịp lễ tết. Do chùa hiện nay chưa có người trông coi chính thức, chưa được xếp hạng nên chẳng nhận được sự quan tâm hỗ trợ trùng tu gì cả. Cứ thế này dân chúng tôi chẳng đủ sức mà giữ nổi di tích”.
Chung số phận bị lãng quên như chùa Đồng Rè, cổng Tam quan nằm cách di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Thích Ca thuộc xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội (được xếp hạng ngày 28.6.1996) gần 100m cũng trong tình trạng thảm hại không kém. Xung quanh Tam quan bị cỏ dại bủa vây, rác thải bừa bộn. Bà Nguyễn Thị Đắc (63 tuổi) - người dân thôn Phương Viên, xã Song Phương cho biết: “Khi tôi sinh ra đã có cổng Tam quan rồi. Ngày trước lúc đắp đê chống lụt, nhiều người đã phá mất chóp của Tam quan đi, lúc đó còn muốn phá hết nhưng không phá nổi vì cổng rất kiên cố. Trước đây, khu vực gần cổng Tam quan cũng rất sạch sẽ, không để bẩn thỉu và làm nơi chứa rác thải như hiện nay. Do ý thức của mỗi người, nhìn di sản như vậy cũng tiếc nuối nhưng biết làm thế nào được”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Song Phương cho biết: “Tam quan chưa được xếp hạng và trong tất cả hồ sơ di tích hiện nay đều không được đề cập nhiều. Ngay cả trong lý lịch của di tích chùa Thích Ca cũng chỉ nói một phần nhỏ, chưa biết Tam quan có từ thời nào. Điều này rất khó trong công tác quản lý của địa phương”.
Mất dần di tích
"Do chùa hiện nay chưa có người trông coi chính thức, chưa được xếp hạng nên chẳng nhận được sự quan tâm hỗ trợ trùng tu gì cả. Cứ thế này dân chúng tôi chẳng đủ sức mà giữ nổi di tích”. Bà Phạm Thị Vũ
Trên thực tế vẫn tồn tại nhiều di sản nằm rải rác ở các địa phương, vùng miền khác nhau có giá trị văn hóa, lịch sử nhưng chưa được mọi người biết đến. Sự xập xệ, xuống cấp, thậm chí bị người dân, chính quyền địa phương tự ý phá dỡ, hủy hoại là điều không thể tránh khỏi. Năm 2012, cổng Bảo Đại (phường 9, Đà Lạt, Lâm Đồng) - chiếc cổng dẫn vào khu vực trước đây Vua Bảo Đại thường đi săn bắn, nghỉ ngơi, nơi lưu giữ dấu tích của vị vua cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, bị tháo dỡ với lý do là cổng xây thấp, xe tải đi qua khiến cổng bị nứt, nghiêng. Người dân cho rằng chưa đến mức phải phá bỏ cổng, trong khi chính quyền lại cương quyết dỡ đi.
Ngay cả những công trình đồ sộ một thời gắn bó mật thiết với đời sống làng quê Việt như trường học, biệt thự... khi chưa được “định vị” sẽ dễ bị hủy hoại, chỉ còn là dĩ vãng. Ngôi trường Châu Văn Liêm (TP.Cần Thơ) sau hơn 100 năm sử dụng được đánh giá là xuống cấp nghiêm trọng và đã có kế hoạch đập bỏ để xây mới. Sau khi dư luận lên tiếng, UBND TP.Cần Thơ đã tạm dừng dự án xây mới trường để tiếp tục đánh giá chất lượng ngôi trường cũ...
Việc quản lý những di tích chưa được công nhận vẫn còn tồn tại nhiều chuyện đáng buồn, chủ yếu phụ thuộc vào sự quan tâm bảo vệ của người dân sống gần di sản đó. Vụ việc xảy ra hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4.2015 khi người dân tự ý tháo dỡ xây mới chùa An Tháp ở xã Vĩnh Khúc (Văn Giang, Hưng Yên) khiến dư luận xôn xao bởi chưa xác định được rõ di tích này có phải di tích cổ, được xếp hạng hay không? Điều này cũng cho thấy lỗ hổng trong việc quản lý những di sản khi chưa được xếp hạng. Giả sử nếu sau kết luận xác định ngôi chùa An Tháp có kiến trúc nghệ thuật đủ điều kiện trở thành một di sản được xếp hạng, phải chăng là chúng ta tự đánh mất đi một di sản quý báu. Lúc đó ai sẽ là người sẽ chịu trách nhiệm?
Ông Đinh Mẫn (74 tuổi), ở xóm 8, thôn Tiên Cầu, xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình nói với phóng viên NTNN: “Tôi vẫn nhớ các nghị quyết của Đảng đều khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Nếu chùa Đồng Rè của chúng tôi được công nhận là di tích lịch sử cách mạng thì đó sẽ là một địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho con cháu mai sau. Đời chúng tôi chẳng mấy nữa là về với tổ tiên, mất đi rồi là thôi. Nếu chúng tôi không nói không làm, sẽ có tội với vong linh của những người từng sống và làm việc tại chùa đã khuất, sẽ có lỗi với thế hệ sau. Tôi chỉ mong sao chùa Đồng Rè sớm được công nhận, đừng để đến khi chẳng còn lại gì lúc đó có muốn khôi phục cũng chẳng còn đâu”.
Theo An Lương (Dân Việt)