Theo số liệu của UNESCO, mỗi năm có khoảng 1 tỷ lượt khách du lịch đến tham quan các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tại các địa phương có Di sản thế giới của Việt Nam mỗi năm cũng đón một lượng khách khổng lồ, góp phần đáng kể vào sự phát triển du lịch và sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương. Điển hình như năm 2013, Cố đô Huế đón hơn 2 triệu lượt khách tham quan, thu hơn 100 tỷ đồng từ tiền bán vé; phố cổ Hội An đón 1,5 triệu lượt khách, doanh thu từ vé trên 65 tỷ đồng; Hoàng Thành Thăng Long đón trên 84,4 nghìn lượt khách, thu vé trên 2 tỷ đồng, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng cũng đón tới 245.785 lượt khách, tổng doanh thu 23,6 tỷ đồng…
Nhìn vào những con số doanh thu từ du lịch cao ngất ngưởng nói trên, người ta dễ dàng hiểu được vì sao Quảng Bình lại đưa ra chủ trương đầu tư xây dựng tuyến cáp treo ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN-KB) để đẩy mạnh khai thác du lịch. Bởi nếu dự án này thành hiện thực, chắc chắn sẽ đem lại nguồn lợi trước mắt không nhỏ, góp phần cải thiện diện mạo kinh tế của vùng quê nghèo Quảng Bình.
Việc Quảng Bình sớm công bố dự án tuyến cáp treo khi chưa có sự tham vấn của các bên liên quan và đánh giá của các nhà nghiên cứu, đồng thời khẳng định việc này “chắc chắn không xâm hại môi trường và di sản”, liệu có phải là quá vội vàng?
Sẽ không có gì phải bàn nếu như VQG PN-KB chỉ là một danh thắng, hay một khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp kiểu như Sa Pa hay Đà Lạt. Nhưng đó lại là một di sản thế giới đã được UNESCO công nhận và đang chuẩn bị đệ trình hồ sơ để đề nghị tổ chức này công nhận lần 2.
Hẳn nhiều người vẫn chưa quên những câu chuyện xót xa liên quan đến di sản ngay tại nước ta. Đó là ngôi chùa Trăm Gian ngót một ngàn tuổi- di tích quốc gia đặc biệt quý hiếm đã bị tháo dỡ xây mới mà cơ quan chức năng không hề hay biết. Đến khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc thì ngôi chùa mới được cứu, nhưng lúc đó chỉ còn lại 30% cấu kiện đã bị hạ giải là có thể sử dụng lại. Đó còn là câu chuyện ngôi nhà lang Mường cổ duy nhất còn lại tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (Hòa Bình) đã bị cháy rụi vì sự thiếu ý thức của du khách và sự quản lý lỏng lẻo… Không ít di sản, di tích đã bị phá hoại, thậm chí bị xóa sổ do sự thiếu hiểu biết của một số người.
Vậy nên, không có gì khó hiểu khi dự án xây dựng tuyến cáp treo ở một di sản tầm cỡ thế giới như VQG PN-KB được công bố, ngay lập tức đã vấp phải cơn bão dư luận với nhiều ý kiến trái chiều, trong đó ý kiến phản đối chiếm áp đảo. Chỉ tính riêng khảo sát của báo điện tử Vnexpress tính đến chiều ngày 7/11, số người ủng hộ ý tưởng này chỉ chiếm 19% (2.085 phiếu), quá ít ỏi so với con số 81% ý kiến phản đối (8.781 phiếu). Trên một diễn đàn, những người yêu du lịch ở Việt Nam cũng như thế giới đã tiến hành một chiến dịch vận động kí tên bảo vệ Hang Sơn Đoòng và vẻ đẹp nguyên sơ của VQG PN-KB. Đến nay chiến dịch này đã thu hút 54.006 du khách, trong đó có nhiều du khách nước ngoài ký tên phản đối việc xây cáp treo ở di sản thế giới này.
Trong khi đó, các chuyên gia di sản, địa chất đều tỏ ra nghi ngại việc xây dựng một công trình hiện đại như tuyến cáp treo đưa hàng chục ngàn người đến Hang Sơn Đoòng mỗi năm sẽ hủy hoại vẻ đẹp nguyên sơ, phá vỡ hệ sinh thái độc đáo của di sản này. Chưa kể đến vấn đề quá tải của môi trường, rác thải, những dịch vụ đi kèm theo để phục vụ nhu cầu của hàng ngàn du khách.
Tại cuộc họp báo mới đây, tỉnh Quảng Bình đã cam kết chỉ khi nào các đơn vị, Bộ, ngành liên quan đồng ý, tỉnh này mới dám đầu tư, lãnh đạo Bộ VHTTDL khi được hỏi cũng khẳng định rằng: mọi thay đổi đối với VQG PN-KB phải có ý kiến của UNESCO. Trước những thông tin này, chúng ta có thể tin tưởng rằng dự án tuyến cáp treo tại PN-KB nếu được hiện thực hóa, cũng sẽ được nghiên cứu kỹ và có sự tham vấn ý kiến của các đơn vị liên quan để đảm bảo di sản thế giới này không bị xâm hại bởi du lịch.
Song điều đáng bàn là, khi thông tin về dự án xây dựng tuyến cáp treo trong vùng lõi di sản của VQG PN-KB đã được công bố rộng rãi đến công chúng, thu hút sự quan tâm đông đảo của người dân, thậm chí tạo nên cơn bão dư luận về việc nên hay không nên xây dựng, thì những cơ quan quản lý trực tiếp lẫn gián tiếp như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Bộ Xây dựng và cả Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đều chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào của địa phương. Nghĩa là dù đã được đưa vào khảo sát trong 9 tháng, lên kế hoạch khá chi tiết với vốn dự toán lên đến 3000 tỉ đồng và tuyến cáp treo dự kiến dài 10,6km qua 2 chặng… thì dự án này vẫn chưa hề được sự tham vấn, góp ý cũng như đánh giá mức độ ảnh hưởng của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Góp ý về việc xây dựng tuyến cáp treo này, một chuyên gia địa chất từng nhiều năm nghiên cứu về PK-KB cho biết: “Những phân tích đánh giá dự báo về số lượng khách và sức chịu tải về môi trường, tài nguyên cũng như hệ thống dịch vụ của VQG PN-KB cần dược nghiên cứu một cách đồng bộ và phải được đặt trong bối cảnh của một khu di sản thế giới với những giá trị tự nhiên độc đáo phải mất hàng triệu năm kiến tạo. Và để thực hiện được điều này, cần phải có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện ít nhất trong vòng 2 năm dưới dạng một dự án nghiên cứu khoa học/dự án tiền khả thi và phải được sự phản biện rộng rãi”.
Vậy thì, việc Quảng Bình sớm công bố dự án tuyến cáp treo khi chưa có sự tham vấn của các bên liên quan và đánh giá của các nhà nghiên cứu, đồng thời khẳng định việc này “chắc chắn không xâm hại môi trường và di sản”, liệu có phải là quá vội vàng?
Cũng cần phải khẳng định rằng, chủ trương đưa di sản thế giới vào phục vụ du lịch để làm giàu cho địa phương, đồng thời quay lại bảo tồn di sản đó tốt hơn là một cách làm đúng đắn. Điều này đã được thể hiện rất tốt ở Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn hay Cố đô Huế. Hơn thế nữa, việc xây dựng tuyến cáp treo vào VQG PN-KB cũng có khả năng trở thành hiện thực nếu UNESCO đồng ý sau khi có những nghiên cứu, đánh giá về những tác động, ảnh hưởng của du lịch đối với di sản nằm trong khả năng cho phép.
Song câu chuyện cáp treo ở PN-KB có lẽ sẽ bớt phức tạp và ít gây bức xúc trong dư luận hơn nếu Quảng Bình có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng về mức độ ảnh hưởng tới di sản và đặc biệt là có sự tham vấn của các bên liên quan trước khi công bố về dự án.
Còn nhớ cách đây không lâu Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xây mới Cầu Long Biên với ba phương án mà theo các nhà kiến trúc, văn hóa, đều có thể phá hoại cây cầu có lịch sử hơn 100 năm này. Đương nhiên, ý tưởng này ngay sau khi được đưa ra đã đi vào ngõ cụt khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận.
Từ hai câu chuyện này, có thể thấy rằng, điều quan trọng khi ứng xử với di sản, không chỉ là làm thế nào để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, mà còn ở thái độ cẩn trọng đối với di sản. Bởi bất kỳ sự vội vàng nào khi ứng xử với di sản, dù chỉ ở việc phát ngôn, cũng có thể gây nên những hệ quả không mong muốn. Cẩn trọng khi ứng xử với di sản, thiết nghĩ đó cũng là cách thể hiện tinh thần trách nhiệm với di sản và với những người yêu quý nó./.
* Ngày 7/11, TS Dương Bích Hạnh - trưởng ban văn hóa thuộc Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết phía UNESCO đã yêu cầu tỉnh Quảng Bình giải trình và trình hồ sơ thiết kế dự án để UNECSO thẩm định. “Theo quy định của UNESCO, nếu muốn làm công trình xây dựng trong khu di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình và tập đoàn đầu tư cần phải giải trình và trình hồ sơ thiết kế thi công dự án.
Sau đó, UNESCO sẽ cử đoàn chuyên gia sang thẩm định để đưa ra kết luận với một dự án như vậy thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản. Trên cơ sở đó, UNESCO sẽ đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam có nên hay không nên thực hiện dự án đó” - bà Hạnh cho biết. (Nguồn: TTO)
Theo Tổ quốc
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dung-voi-vang-khi-ung-xu-voi-di-san-a319.html