Hòa Bình: Xây dựng bộ chữ Mường phục vụ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa

Trong xu thế hội nhập văn hóa rất cần có một bộ chữ Mường thống nhất để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết Mường.


 
Dân tộc Mường (Hòa Bình). Ảnh: hoabinh.gov.vn

Chiếm trên 63% dân số toàn tỉnh Hòa Bình với 4 mường chính Bi, Vang, Thàng, Động, dân tộc Mường có nền văn hóa dân gian phong phú, đồ sộ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, xu thế hội nhập, trong đó có hội nhập văn hóa là một tất yếu. Vì thế rất cần có một bộ chữ Mường thống nhất để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết Mường, cụ thể là ghi chép văn hóa Mường, giáo dục tiếng Mường.

Người Mường Hòa Bình có một nền văn hóa phong phú và đặc sắc. Tuy nhiên, nền văn hóa Mường cổ được truyền đạt đến ngày nay chủ yếu bằng phương thức truyền miệng trong dân gian. Việc truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể và công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc là một việc làm cấp bách và thường xuyên. Do đó rất cần có một bộ chữ Mường thống nhất để phục vụ những mục đích trên.

Từ khi văn hóa Mường được quan tâm nghiên cứu hơn 1 thế kỷ nay, đã có hàng chục cuốn sách được xuất bản trong đó có ghi âm tiếng Mường. Điển hình như các truyện thơ, mo, sử thi “Đẻ đất - đẻ nước”. Song cách ghi âm tiếng Mường mỗi cuốn có sự khác nhau, mỗi tác giả nghiên cứu sưu tầm có cách phiên âm khác nhau. Bên cạnh đó cũng đã có những công trình khoa học đề xuất về phương án chữ Mường… Tuy nhiên, vì chưa có một bộ chữ thống nhất nên cách ghi tiếng Mường mỗi công trình có sự khác nhau, mỗi tác giả nghiên cứu sưu tầm có cách phiên âm khác nhau. Vì thế, việc thống nhất bộ chữ và được cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn đưa vào sử dụng là rất cần thiết hiện nay.   

Thực hiện Kế hoạch số 63/KH-BCĐ của Ban chỉ đạo lập hồ sơ di sản văn hóa Mo Mường về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cam kết sau khi Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp bằng bảo trợ cho Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình. Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được giao chủ trì tham mưu và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng và ban hành bộ chữ Mường. Sở đã có đề xuất nhiệm vụ KH &CN “Xây dựng bộ chữ Mường phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường, góp phần phát triển bền vững các vùng Mường của tỉnh Hòa Bình”.

 Hiện nay, Sở KH &CN đang xúc tiến các bước thực hiện nhiệm vụ KH &CN này. Vừa qua, Sở KH &CN đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH &CN cấp tỉnh năm 2015. Trong nhiệm vụ KH &CN xác định mục tiêu là xây dựng thành công bộ chữ Mường và được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh phê chuẩn, đưa vào sử dụng.

Bộ chữ Mường là sự khẳng định vị thế, vai trò của dân tộc Mường trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nói riêng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Yêu cầu đặt ra là xây dựng được bộ chữ Mường nhằm quy chuẩn cách phát âm và văn bản hóa các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường. Bộ chữ Mường được sử dụng để phục vụ công tác sưu tầm, nghiên cứu, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mường; là chữ viết trong việc dạy - học tiếng Mường cho người Mường và những người đang làm việc tại vùng có người Mường và tất cả những ai có nhu cầu học tập, sử dụng tiếng Mường... Qua đó sẽ góp phần phát triển bền vững các vùng Mường của tỉnh Hòa Bình.

Theo Dân Tộc Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hoa-binh-xay-dung-bo-chu-muong-phuc-vu-bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-a3185.html