Trần Hồng chụp ảnh Tướng Giáp

Vào những ngày này, cách đây hai năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi. Sự qua đời của ông là một sự kiện lớn, thu hút sự chú ý của nhân dân cả nước và bạn bè Quốc tế.

 
Buổi lễ ra mắt sách tại Hội chợ sách 2015 Hoàng Thành Thăng Long. Từ trái sang phải: Danh họa Phan Kế An, Lão Khoa "hâm", Nhiếp ảnh gia Trần Hồng, MC

Bản thân kẻ viết mấy dòng này cũng đã có loạt bài viết về việc ông ra đi. Trong đó có bài “Thông điệp cuối cùng của vị tướng huyền thoại” đã in trên báo điện tử “VOV.vn”, “RADIO Việt Nam”, Báo “Tuổi trẻ và Đời sống”. Đặc biệt bài viết đó lại được đọc trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam trong đúng khoảnh khắc hạ huyệt ông ở Vũng Chùa Quảng Bình. Kỷ niệm hai năm ngày mất Đại tướng, Đại tá Trần Hồng vừa cho ra mắt cuốn sách đặc biệt: “Tôi chụp ảnh Đại tướng”. Đó là tập chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bao gồm cả “Chân dung Ảnh” và “Chân dung Văn”. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng và nhà sách Thái Hà Book đã nhờ tôi viết lời giới thiệu cho cuốn sách đặc biệt này. Và chiều qua, chiều 5-10, tại Hội chợ sách giữa trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, đã diễn ra buổi ra mắt sách. Rất đông bạn đọc của Hội chợ sách đã đến dự.
 
Xưa nay, viết bài hay chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự lỗi lạc, một vị tướng huyền thoại. Đó là niềm vinh quang hiểm hoi, không phải do chúng ta tự phong, hay tự tạo dựng, mà là đánh giá, khẳng định của Thế giới, được thế giới công nhận. Cũng mới đây thôi, ngày 5 tháng 10 năm 2013, hãng truyền thông Mỹ NPR dẫn lời Giáo sư, nhà Sử học Quân sự Mỹ, ông Cecil Currey, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Chiến thắng bằng mọi giá “ nói về Đại tướng: “Ông Giáp có thể sánh ngang với những nhà chỉ huy quân sự tài nhất trong suốt 2000 năm qua. Ông ngang tầm Alexander Đại đế, vượt trội hơn Napoleon, cũng vượt trội hơn tất cả các tướng lĩnh tài giỏi của chúng ta. Ông ấy là con người vĩ đại của mọi thời đại”. Napoleon là nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc, nhưng Napoleon còn bị M.I Cutudop đánh bại trên chiến trường Borodino. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì không. Dường như ông chưa thất bại bao giờ. Ông chỉ xao lòng, thậm chí mềm yếu trước đồng đội, mà trong đó có người chỉ đáng là học trò của mình, còn với kẻ thù, ông là sấm sét. Nói như nhà thơ Tố Hữu “Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!”. Ngay cả đối thủ của ông, Tướng Mỹ William Wesmoreland cũng phải kính phục, gọi ông là “Vị tướng huyền thoại”. Vì thế, chụp ảnh Đại tướng rất dễ, bởi ông quá nổi tiếng. Bản thân ông, sức hấp dẫn của ông đã đủ “báo lãnh” cho bức ảnh rồi, cứ nâng máy lên, nếu thiếu sáng thì bật đèn rồi bấm máy. Chỉ cần rõ hình hài Đại tướng là đã thành công. Người ta tò mò xem Đại tướng chứ đâu có xem ảnh. Người ta cũng không cần để ý xem bức ảnh được chụp thế nào. Rồi bố cục, khuôn hình, ánh sáng…Tất cả đều vô nghĩa. Vì thế, người nghệ sĩ cũng chịu nhiều thiệt thòi, vì bị lãng quên. Họ bị quên lãng ngay cả khi đang hiện hữu ở đằng sau bức ảnh. Tuy thế, chụp ảnh Đại tướng cũng khó lắm. Khó vô cùng. Bởi Đại tướng là con người của huyền thoại. Dù không có điều kiện được gặp trực tiếp nhưng ai cũng biết ông. Biết những kỳ tích của ông, con người ông, số phận ông, cả những nỗi niềm ông không hé lộ. Và như thế, trong mỗi người chúng ta, ai cũng có một Võ Nguyên Giáp. Đó là bức chân dung ông do người dân tự chụp bằng tâm hồn, tình cảm và sự hiểu biết của mình. Nhiều khi, người ta lại lấy bức chân dung kỳ vĩ ở trong trái tim mình làm thước đo, tiêu chuẩn để so sánh, đánh giá những giá trị của những tác phẩm nghệ thuật mà người nghệ sĩ đã sáng tạo với hình mẫu là ông. Bởi thế, chụp Đại tướng rất khó. Khó vô cùng. Đó là một cửa ải hóc hiểm mà người nghệ sĩ phải vượt.
 
Trần Hồng đã vượt một cách ngoạn mục. Anh vượt bằng phép nhiệm màu nào? Không! Anh không có phép nhiệm màu nào cả. Ngắm hàng ngàn tác phẩm của anh, chụp về một con người, ta thấy anh không hề có phép màu nhiệm. Anh cũng không dùng bất kỳ một kỹ xảo nào, ngay cả những thủ pháp rất đỗi tối thiểu của nghề nhiếp ảnh. Anh cứ đưa máy lên rồi bấm. Bấm. Bấm. Rồi bấm. Bếu thiếu sáng thì bật đèn. Rất đơn giản. Nhưng rồi anh lại cho chúng ta nhiều bức ảnh độc chiêu, mà ngoài Trần Hồng, không ai có.
 
Điều này, có thể xem như Giời Phật phù hộ Trần Hồng, phù hộ một con người đã vào sinh ra tử. Một tay máy phóng sự, thời sự chiến trường. Chất ảnh báo chí phóng sự tài liệu đã làm nên tên tuổi anh, là đặc trưng nghệ thuật của anh, dù thời chiến hay thời bình. Trần Hồng trước sau vẫn là phóng viên mặt trận. Dù đất nước đã hòa bình mấy chục năm nay, nhưng anh vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến. Nhiều tập sách ảnh của anh gây được tiếng vang cũng vì thế. Như bộ ảnh thời chiến, bộ ảnh về các bà mẹ Việt Nam anh hùng.
 
Bây giờ là tập ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mặc dù trước anh, có rất nhiều ảnh về Đại tướng. Trong đó có không ít những bức ảnh đặc sắc, đạt đến độ nghệ thuật và là nghệ thuật ở đỉnh cao. Nghĩa là bức ảnh hoàn toàn tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào tên tuổi Đại tướng. Nhưng ở những bậc tài danh rất đáng kính nể đó cũng không có được những bức ảnh như của Trần Hồng. Vì thế, tôi mới bảo Giời Phật phù hộ anh. Mà nói đúng ra, chính Đại tướng và gia đình ông đã “phù hộ” anh, nghĩa là đã dành cho anh những khoảnh khắc đặc biệt. Nhiều bức ảnh tuyệt vời ta biết, là những bức ảnh từ xa, ngắm Đại Tướng từ xa, người ngắm luôn ngước lên. Còn Trần Hồng là nhìn gần. Nhiều khi không còn khoảng cách. Như con ngắm cha, cháu ngắm ông. Đó là cái nhìn của người thân trong một gia đình ấm cúng. Vì thế, anh cho chúng ta nhiều bức ảnh có giá trị. Đặc biệt là giá trị tư liệu. Như bức ảnh ông chơi với cháu. Ông bà dùng bữa cơm đạm bạc. Bữa cơm của một người nghèo. Trên mâm chỉ có mỗi quả trứng mà ông bà đùn đẩy, nhường nhịn cho nhau. Rồi ông chơi đàn. Ông tập Thiền. Có đến mấy bức ảnh Thiền. Ta hiểu Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị tướng huyền thoại. Ông còn là một người cha chu đáo, một người ông hiền từ, một người chồng tận tụy, một nghệ sĩ phiêu lãng. Ta cũng hiểu được vì sao ông có thể vượt qua được những khoảnh khắc cô đơn, những giây phút hiểm nghèo trong cuộc đời mình mà không gục ngã, mà còn vượt lên, sống cao cả và thanh sạch. Và cũng như nhiều bức ảnh khác về ông, ta chỉ ngắm ông mà quên người chụp ảnh, cũng quên luôn cả suy xét, vạch vọi, xem bức ảnh ấy có phải là nghệ thuật nhiếp ảnh hay không. Và ta chỉ thấy lồng lộng một Võ Nguyên Giáp ở phía không phải là huyền thoại.
 
Điều đặc biệt ở cuốn sách này, đằng sau chân dung ảnh Võ Nguyên Giáp, ta còn được ngắm nhiều chân dung khác của Đại tướng: Chân dung văn. Đó là những câu chuyện ở đằng sau bức ảnh, minh họa cho bức ảnh. Nhưng rồi người đọc lại mê hoặc. Không biết văn minh họa cho ảnh hay ảnh minh họa cho văn. Có lẽ là cả hai. Vì thế đây là cuốn sách kép. Một mà hai. Hai mà một. Đó là mảng tư liệu lịch sử vô cùng đáng quý. Tôi gọi đây là cuốn sách đặc biệt cũng vì thế.
 
Cám ơn nghệ sĩ Trần Hồng đã cho chúng ta được gần thêm, hiểu thêm về một con người mà chúng ta vô cùng yêu quý: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một vị tướng huyền thoại trong đời thường.
 
Và tôi tin, rất tin, cuốn sách sẽ làm bạn đọc yêu thích.
 
Trần Đăng Khoa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tran-hong-chup-anh-tuong-giap-a3159.html