05/10/2015 14:26
05/10/2015 14:26
Lạ tai, ngon miệng với tô bún gỏi dà ở Sóc Trăng
Sóc Trăng là vùng đất lúa, cũng là nơi sản sinh ra nhiều món ăn độc đáo, đa dạng đến từ các dân tộc anh em như người Kinh, Khmer, Hoa, Nùng, Thái, Chăm... cùng nhau sinh sống cộng cư ở nơi đây. Và món bún giỏi dà nằm trong dòng chảy ẩm thực độc đáo đó.
Người phương xa đến đất Sóc Trăng, đi trên con đường từ trung tâm thành phố về Mỹ Xuyên sẽ luôn bị quyến rũ bởi những món ăn vốn nức tiếng với du khách như bún nước lèo, lẩu mắm, bún xào, bún gỏi già, cháo cá lóc... Bên cạnh đó, vào buổi sáng sớm, còn có những quán ăn bình dân ven đường với dòng chữ bún gỏi dà cũng đặc biệt hấp dẫn.
Với ai lần đầu đến Sóc Trăng, cái tên gọi của món bún này nghe rất lạ tai. Nhưng cũng có nhiều cách giải thích từ chủ quán. Người thì cho rằng nó có nguồn gốc từ java nên nói trại riết mà thành dà (tương tự như trái chuối dà quen thuộc ở đây). Người khác lại lý giải, nguyên thủy của thứ bún này là một món gỏi cuốn, về sau người ta gom các thứ bún, thịt, tép, rau… vào tô rồi ăn như và cơm. Sau lại cho thêm nước súp vào tô và trở thành món bún gỏi dà như hiện nay. Cũng xin nói thêm người bình dân ở Sóc Trăng nói riêng và vùng Tây Nam bộ nói chung khi phát âm v, gi và d ít khi phân biệt rạch ròi lắm…
Tô bún gỏi dà Sóc Trăng.
Dù là với cách giải thích nào về tên gọi, nhưng với món ăn này về thành phần nguyên liệu chế biến đã rất rõ. Để tô bún ngọt ngon, hương vị đặc trưng thì phải có tép, thịt và nước súp. Chọn con tép cỡ ngón tay cái, làm sạch nguyên con, đem luộc với nước dừa tươi. Thịt đùi heo luộc chín xắt sợi. Nồi nước súp hầm bằng xương heo chung với tép, tôm khô, nêm với ít đường, ớt và nước me chua sẽ có vị ngọt rất thơm ngon.
Nước mắm ăn với bún cũng thật đặc biệt. Người ta lấy tương xay nhuyễn rồi trộn với đậu phộng rang đâm nát cùng với ít tỏi phi mỡ. Ba thứ ấy hòa lại tạo thành mùi vị rất riêng không lẫn vào đâu được. Rau ăn kèm bún có giá, bắp chuối xắt chỉ, các loại rau thơm như quế, húng cây, húng lũi, …
Chuẩn bị xong, người ta cho giá, bắp chuối vào tô, để bún lên trên rồi chế nước súp vào trụn qua mấy lần cho bún ướt đều. Sau đó, chế nước súp cho ngập bún, sắp thịt, tép, rau thơm lên trên. Nếu muốn cho khẩu vị thêm đậm đà có thể vắt thêm chút chanh cùng vài lát ớt ăn thật nóng để nghe như đâu đó hương vị đồng quê phảng phất vọng về.
Nghe thì đơn giản thế, nhưng để có món bún gỏi dà đặc trưng còn do kinh nghiệm dân gian trong việc gia giảm gia vị và cách chế biến tương xay sao cho thật khéo. Những con tép đất lột sạch vỏ, những chỉ thịt heo nằm yên trên mặt nước súp sóng sánh cộng với vị mặn, ngọt, chua… khiến người ta ăn hoài không biết ngán. Tô bún ăn hết từ lâu mà vẫn cứ thấy nhớ nhung một điều gì đó xao xuyến đến lạ lùng!
Theo Minh Khuyên (Dân Việt)
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/la-tai-ngon-mieng-voi-to-bun-goi-da-o-soc-trang-a3149.html