05/10/2015 10:54
05/10/2015 10:54
Tây Ninh: Di tích lịch sử-văn hóa đình An Hòa bị xâm hại
Tại đình An Hoà người dân tự ý xây dựng các công trình mới trong những khu vực cần bảo vệ mà chưa có ý kiến cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Khu vực đình An Hoà (Trảng Bàng) bị xâm hại - Nguồn: Báo Tây Ninh
Cách trung tâm thị trấn Trảng Bàng khoảng 2km, Di tích Đình An Hòa thuộc ấp An Phú, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, tọa lạc trên gò đất cao, tổng diện tích đất là 17.050m2 trong đó khu vực 1 là 420,2m2.
An Hòa ngày xưa nằm trong vùng đất của xã An Tịnh ngày nay. Năm Tự Đức thứ 25 (1872) làng An Tịnh được cắt một phần đất Lò Mò và Tha La thành lập làng An Hòa. Năm 1863, ông Trịnh Văn Đống (sinh năm 1821) – một bộ tướng của Trương Định, đã lập ra một ngôi đình lấy tên là đình An Hòa với sự giúp đỡ của chủ làng An Tịnh lúc bấy giờ là ông Đặng Văn Quờn.
Cũng như nhiều đình làng khác ở Trảng Bàng, đình An Hòa thờ Thành hoàng bổn cảnh. Qua nhiều lần trùng tu và đặc biệt là lần tu bổ lớn năm 1998 làm cho ngôi đình khang trang hơn. Vật liệu xây dựng đình gồm gạch, ngói, sắt, xi măng được sử dụng thay thế chất liệu nguyên thủy cột cây, mái tranh, vách đất của đình trước đây. Không gian kiến trúc đình rộng, bố cục kiểu chữ tam, gồm tiền đình, chính đình và hậu đình, phía trước tiền đình là một sân khấu nằm sau cổng tam quan.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh về việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá mà Luật Di sản văn hoá đã quy định nên tại đình An Hoà người dân tự ý xây dựng các công trình mới trong những khu vực cần bảo vệ mà chưa có ý kiến cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Di tích lịch sử - văn hoá đình An Hòa bị xâm hại do vẫn còn một số mặt hạn chế trong công tác quản lý di tích chung của tỉnh. Đó là hoạt động của Ban quản lý các di tích còn lỏng lẻo, chưa có quy chế hoạt động nên chưa xác định được nội dung quản lý, việc quản lý di tích còn gặp nhiều khó khăn, việc lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích quá chậm trễ (sau gần ba năm thực hiện chỉ có 13/83 di tích trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận)…Vì chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên tình trạng xâm hại di tích diễn ra phổ biến, việc cắm mốc bảo vệ di tích vô cùng khó khăn. Từ nhiều năm qua, tình trạng các hộ dân xây cất nhà cửa và sinh sống trong khu vực được khoanh vùng bảo vệ di tích chưa được chính quyền địa phương giải quyết triệt để.
Di tích Đình An Hòa được xếp hạng là di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 96/QĐ-CT, ngày 26/4/2004 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh. Hàng năm Lễ Kỳ Yên của đình được tổ chức ngày 12 tháng 2 Âm lịch. Đây là dịp để người dân An Hòa và khách quanh vùng tề tựu, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với vị thần làng của mình và các bậc tiền hiền có công khai khẩn đất đai, lập làng, quy dân, phát triển vùng đất An Hòa trù phú được như ngày nay.
Theo Di Sản Xanh
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tay-ninh-di-tich-lich-su-van-hoa-dinh-an-hoa-bi-xam-hai-a3147.html