Mai một Then cổ
Di sản Then tồn tại trong nghi thức tâm linh của người Tày, Nùng, Thái. Truyền dạy cho thế hệ trẻ biết hát Then, đàn Tính là việc làm cấp thiết để bảo tồn và phát huy giá trị “báu vật” này. Tuy nhiên, thời gian qua, hát Then được dạy và học chủ yếu là những bài Then đã được đặt lời mới. Trong khi đó, những bài Then cổ mới nắm giữ những giá trị tinh túy nhất của loại hình nghệ thuật dân gian này và là yếu tố quan trọng để di sản Then được chúng ta lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bởi vậy, bảo tồn Then cổ, truyền dạy Then cổ mới chính là cốt lõi của việc bảo tồn di sản Then.
Hiện có khoảng 15 tỉnh trên cả nước có nghệ thuật Hát Then, Đàn Tính. Trong đó, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Đắc Lắc, Đắc Nông, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Nguyên và Tp. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, cái nôi của Hát Then, Đàn Tính là khu vực miền núi phía Đông Bắc. Sự lan tỏa của Then đến các vùng, miền khác là theo sự di chuyển của đồng bào Tày, Nùng trong quá trình lao động, sản xuất. Bởi vậy, Then ở các vùng, miền khác như Đắc Lắc, Đắc Nông, Tp. Hồ Chí Minh… chủ yếu là Then cải biên, Then mới.
Ông Trần Hữu Sơn, Sở VHTTDL Lào Cai cho biết: “Lễ Then và Hát Then trong tương lai vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị mai một cao, thậm chí mất đi hoàn toàn khỏi đời sống tinh thần người Tày. Do, ở nhiều địa phương, số lượng nghệ nhân biết về Then ngày càng ít đi, mặt khác, một số người vẫn cho rằng đây là loại hình sinh hoạt mê tín dị đoan”.
Ông Nguyễn Bình Định- Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)- người tham gia lập hồ sơ Di sản Then, cho rằng: “Với Then cổ, người biểu diễn (các thầy Then) là những nghệ nhân thực thụ. Miệng hát, tay đệm đàn, chân xóc nhạc. Có những bài Then, người nghệ nhân vừa hát, vừa đệm nhạc lại kết hợp với các điệu múa. Làm Then rất khó vì nó gắn liền với môi trường diễn xướng tâm linh. Trong khi đó, theo quan niệm của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, không phải cứ theo học là có thể trở thành thầy Then mà ngoài tố chất có năng khiếu về nghệ thuật, khả năng cảm thụ, biểu diễn, muốn được trở thành người làm Then phải được “con ma Then bắt”.”
Thực tế của việc Then phong trào phát triển mạnh nhưng Then cổ khó truyền dạy được đại diện tỉnh Tuyên Quang- tỉnh vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật Hát Then, Đàn Tính, thừa nhận: “Ở huyện Chiêm Hóa- cái nôi Then của tỉnh, có 40 câu lạc bộ hát Then, đàn Tính, có trên 1.200 người biết hát Then, một nửa trong số đó biết chơi đàn Tính. Tuy phong trào mạnh nhưng những người nắm giữ các bài Then cổ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tương tự, ở huyện vùng cao Lâm Bình, toàn huyện có 5 câu lạc bộ hát Then với gần 100 người biết hát Then, đàn Tính, xã nào trong huyện cũng có thầy Pụt, thầy Tào nhưng chưa có ai trở thành thầy Then. Những bài Then cổ dùng trong các nghi lễ tín ngưỡng chưa được đội ngũ này vận dụng trong các hoạt động tín ngưỡng của mình. Nghệ nhân hát Then duy nhất của huyện đã mất, một số cuốn sách ghi chép những bài Then cổ con cháu trong nhà không học được”.
Tổ chức Liên hoan từ cấp xã, huyện, tỉnh nhằm khích lệ người dân tự hào về giá trị của Then trong đời sống cộng đồng
Chung tay bảo tồn
Để khắc phục, ông Trần Hữu Sơn đề xuất: “Các cấp chính quyền cần nhận thức rõ môi trường diễn xướng các lễ Then không phải là hình thức mê tín dị đoan mà là một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo. Những nghệ nhân nắm giữ di sản Then cần có trách nhiệm trao truyền những hiểu biết của mình cho lớp trẻ để có sự kế thừa. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ nghệ nhân, hỗ trợ quảng bá, nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê di sản Then. Tổ chức các Liên hoan từ cấp xã, huyện, tỉnh nhằm khích lệ người dân tự hào về giá trị của Then trong đời sống cộng đồng”.
Nghệ nhân dân gian Hà Thuấn (Tuyên Quang), một người tâm huyết với nghệ thuật hát Then trong nhiều năm qua chia sẻ: “Bên cạnh việc tích cực cùng cơ quan văn hóa của huyện, tỉnh tham gia các lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính, ông đang sưu tầm các bài Then cổ. Những bài Then này được ông đưa cho các thành viên Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính trong thôn tập luyện. Tôi mong muốn các bài Then cổ được thế hệ trẻ tiếp tục nghiên cứu và học tập”.
Theo ông Nguyễn Bình Định: “Di sản Then vẫn may mắn là còn nhiều nghệ nhân, sách cổ tiếng Hán Tày còn nhiều, hiện vật, ấn tín cũng vẫn còn… Có điều một thời gian dài nghệ thuật này trầm lắng, nên bây giờ phải dựng lại. Số nghệ nhân giỏi, am hiểu tiếng Hán Tày, sách cổ cũng già rồi, chưa kịp truyền dạy hết cho người kế cận. Bởi vậy, kiểm kê, dịch lại lời hát Hán Tày sang lời Việt… là việc cần làm ngay ở mỗi địa phương sở hữu di sản này”.
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật Hát Then- Đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V, năm 2015 trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước”, Liên hoan nghệ thuật Hát Then- Đàn Tính diễn ra từ ngày 24- 26/9 tại Tp. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Liên hoan Hát Then- Đàn Tính lần thứ V do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức.
Tối 25/9, tại Tp. Tuyên Quang, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan nghệ thuật Hát Then- Đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V đã công bố khai mạc Liên hoan nghệ thuật Hát Then- Đàn Tính và Lễ hội Thành Tuyên năm 2015.
Hà An (Toquoc.vn)