02/10/2015 14:08
02/10/2015 14:08
Một thời rổ, thúng… miền Tây
Trước đây, ở miền Tây Nam Bộ, những vật dụng gia đình quen thuộc như rổ, thúng, sàng... vừa gắn liền với đời sống lao động sản xuất, vừa phản ánh rõ nét sự nhạy bén của con người với môi trường tự nhiên và hoàn cảnh sống...
Làm lai rai có cái để xài
Chẳng biết cách thức làm nên chiếc rổ, thúng, sàng... của người dân Tây Nam Bộ có từ khi nào? Nhưng căn cứ vào rất nhiều làng nghề còn tồn tại ở dải đất miền Trung thì có thể phỏng đoán rằng cách thức đan rổ, thúng... ở Tây Nam Bộ là tiếp diễn từ “gốc văn hóa” miền Trung trong quá trình Nam tiến.
Trước đây, ở vùng Tây Nam Bộ, vài ba cái nhà thì có người biết đan, chủ yếu là do ông, bà truyền lại. Các vật dụng rổ, thúng, sàng... trong nhà phần lớn do họ làm ra để dùng.
Tuy được xem là công việc phụ, làm lai rai, nhưng đối với nhiều “tay nghề” làm lâu năm, thì việc đan hoàn thành một cái rổ, thúng, sàng... không là chuyện khó. Nhiều ông già, bà cả ở nhà trông cháu cho con đi làm ruộng, chỉ một buổi đã đan xong một chiếc rổ “thô” - “miếng vỉ”. Bất cứ lúc nào rảnh rỗi, họ ngồi dưới bóng tre, bóng gáo trên chiếc sạp, vừa nhâm nhi ly trà, xỉa trầu vừa đan.
Cứ như thế vài ba ngày lại xong một món, có người đan nhiều, đan nhanh, dùng không hết thì bán “san sẻ” cho hàng xóm. Ngày xưa, mỗi cái vài chục đồng, vài ngàn đồng, nay thì vài chục ngàn đồng.
Đặc biệt, trước đây, ở quê, có ông bà thương con cháu “đích tôn”, nhưng nghèo, không có gì để cho khi ra riêng hay về nhà chồng, các cụ chuẩn bị từ nhiều tháng trước, ngồi đan xong cả chục rổ, đủ loại lớn nhỏ cùng vài cái sàng, cái thúng... để dành làm “của hồi môn” cho con cháu. Nhìn cái rổ, thúng, sàng... của các cụ làm tỉ mẩn từ ngày này qua tháng nọ, khiến cho con cháu không sao quên được...
Từ tre hoang đến bàn tay “người thợ”
Bên cạnh hàng trăm công dụng khác từ tre, thì tre dành đan rổ, thúng, sàng,.. để sử dụng hàng ngày là “ký ức văn hóa” của đoàn người di cư truyền lại cho con cháu.
Là cây có sẵn từ thiên nhiên, lại nhiều, nên dù đan để xài hay bán, người đan đều chọn những loại tre già để làm nguyên liệu đan.
Để có một cái rổ, thúng, sàng hoàn chỉnh, “người thợ” phải mất nhiều công đoạn. Có lẽ vì thế mà mỗi cái rổ hoàn thành xong, đối với họ là một niềm vui lớn của tuổi già, là sản phẩm bằng mồ hôi của mình, nên họ quý lắm.
Khâu đầu tiên, “người thợ” phải chọn cây tre già, hạ xuống, đo độ dài của từng đoạn tre tương ứng với những chiếc nan và độ dài rộng của cái rổ, thúng, sàng... mà người đan độ chừng, rồi cắt tre ra từng đoạn; chẻ nhỏ, dùng mác vót khi nào những cạnh tre “thô” láng cót, với độ dày mỏng theo đúng ý muốn của người đan.
Tùy theo mỗi loại mà có các cách đan khác nhau, chỉ khác một vài cách thức nhỏ, tùy theo sự khéo léo hay sáng tạo của mỗi người. Đan thúng thì kéo rẻ nan khít sát vào nhau; đan rổ tùy theo loại rổ thưa, rổ dày mà điều chỉnh rẻ nan thưa hay dày; đan sàng thì sàng thưa hay dày cũng tùy thuộc vào chỉnh rẻ nan...
Tỉ mỉ, lận từng tay, đo từng kẻ, kéo từng rẻ nan... đến khi xong “miếng vỉ” của cái rổ, thúng, sàng gọi là “bản thô”, để có thành phẩm còn phải qua nhiều công đoạn khác.
Rổ, thúng, sàng... thường được cạp hai vành - trong và ngoài. Chức năng chủ yếu của vành là làm chắc và cứng lưới rổ; không để rẻ nan bung hay tuột ra khi đựng vật dụng.
Trước kia, nứt “cạp vành”, người ta thường dùng lạt tre. Ngày nay, người ta dùng dây chì hay dây gân trắng để nứt cho bền chắc và đẹp hơn. Kỹ thuật nứt dây “cạp vành” cũng rất công phu; phải cân đối từng khoảng cách của dây nứt, không được thưa quá hay dày quá, và đặc biệt là phải nứt thật chặt, kéo thật căng thì chiếc rổ, thúng, sàng... mới đẹp và chắc.
Thời xa vắng và sự “trở lại”
Cách đây 10 năm, hình ảnh các ông, các bà cặm cụi ngồi vót nan đan rổ, thúng, sàng quen thuộc ở làng quê Tây Nam Bộ. Nhưng giờ thì đã… vắng bóng.
Âu cũng là chuyện thường tình của xã hội, là quy luật tất yếu của thời gian. Sự vắng bóng báo hiệu bước chuyển mình của xã hội, của cuộc sống con người. Ngày nay, rổ nhựa, thúng nhựa... đã tiện lợi, bền chắc đã tràn vào bếp, vào kho của mỗi nhà thì lẽ dĩ nhiên họ không còn tha thiết với việc đan.
Không riêng gì hộ gia đình, một thời gian dài, nhiều làng nghề đan rổ, thúng, sàng cũng “sống dở, chết dở”, tưởng chừng như “dẹp” luôn nghề. Nhưng nào ngờ, giờ đây nó bỗng dưng được “sống lại”, cũng đan rổ, thúng, sàng... nhưng nó không còn được sử dụng, mà được “chuyển đổi công năng” - dùng “làm kiểng”. Nhiều quán xá, nhà ở thành phố, họ lấy rổ, thúng, sàng để trang trí và nó cũng đã trở thành quà lưu niệm rất thu hút khách du lịch. Nhờ vậy mà cách đan rổ, thúng, sàng... lại được nhiều người biết đến, mang một sức sống dồi dào về thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn ở các vùng quê Tây Nam Bộ.
Theo Lý Lan (Làng Việt Online)
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mot-thoi-ro-thung-mien-tay-a3113.html