Ca Huế xứng tầm di sản văn hóa. Bài 1: Ca Huế - hội tụ và lan tỏa âm sắc Huế

Huế đã trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Ca Huế không chỉ phản ánh dòng chảy lịch sử, di sản này còn là quá trình tinh chế vốn văn hóa dân gian có nguồn gốc từ cội nguồn dân tộc Việt hỗn dung với văn hóa bản địa tạo nên một âm sắc Huế, rất riêng.


Ca Huế -  hội tụ và lan tỏa âm sắc Huế (Ảnh: Internet)

Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, nền âm nhạc cổ truyền Huế tồn tại hai dòng: dân gian và bác học. Do ảnh hưởng đặc điểm lịch sử văn hóa Việt Nam, dòng âm nhạc bác học được chia thành hai bộ phận: Âm nhạc cung đình và ca Huế.

Ca Huế, với hệ thống bài bản có cấu trúc chặt chẽ, đòi hỏi kỹ năng diễn tiếu điêu luyện của ca công và nhạc công, có xuất xứ từ âm nhạc cung đình nên mang phong cách sang trọng, tao nhã, nhưng cũng đậm đà phong vị dân gian. 

Đây là bộ phận âm nhạc đặc sắc, có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, không chỉ bởi sự in đậm bản sắc Huế, mà còn mang dấu ấn “hội tụ và lan tỏa” trong lịch sử âm nhạc dân tộc.

Từ cái gốc của nhã nhạc cung đình, theo nhu cầu xướng ca ngâm vịnh giải trí của giới quý tộc, các vương tôn quốc thích quan lại dưới thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn đã tổ chức các chương trình diễn xướng, đàn ca trong các dinh phủ. Vào khoảng thế kỷ 17, 18, hình thức diễn xướng đàn ca này, ban đầu chỉ với các bài bản được lấy từ tế nhạc cung đình như: ngũ đối thượng, ngũ đối hạ, 10 bản ngữ thập thủ liên hòan… dần dần được sáng tác bổ sung thêm nhiều bài bản và hình thành nên một thể loại ca nhạc thính phòng, gọi là ca Huế.

Đến nửa đầu thế kỷ 19, thời vua Tự đức, ca nhạc Huế phát triển cực thịnh với nhiều sáng tác mới của các ông hoàng, bà chúa, các văn nhân, nho sĩ quan lại, các nhạc công tài năng trong kinh đô Huế. Và với hệ thống bài bản được chau chuốt, tổ chức chặt chẽ mang tính chuyên nghiệp bác học cả về âm nhạc, niêm luật, loại thể và ca từ, ca Huế đã khá hoàn chỉnh tạo nên một dòng âm nhạc chuyên nghiệp độc đáo trong sinh hoạt nghệ thuật đàn ca của giới quý tộc.
Có thể nói, nếu kinh đô Thăng Long xưa, từ trong cung phủ đã có một lối hát cửa quyền có nguồn gốc dân gian là hát ả đào vẫn thịnh hành dưới thời vua Lê chúa Trịnh, thì kinh đô Phú Xuân sau này, đã từ trong dinh phủ của các chúa Nguyễn ở đàng trong phát tán thành một lối gọi là ca Huế, gồm cả ca và đàn. Vậy cũng có thể gọi ca Huế là một lối hát ả đào của người Huế, một lối chơi của các ông hoàng bà chúa xét trên quan điểm tiếp biến trong tiến trình của một lối hát truyền thống và tiến trình lịch sử từ Thăng Long đến Phú Xuân, Huế.





 
 Ca Huế xưa

Sang nửa cuối thế kỷ 19, ca Huế dần được truyền bá rộng ra ngoài dân gian và được bổ sung những điệu hò, điệu lý trong dân ca Bình Trị Thiên. Do đó trong ca nhạc Huế ngày nay thường thấy sự đan xen liên kết giữa những điệu hát dân gian và những bài hát có nguồn gốc cung đình. Trong ca nhạc Huế, yếu tố khí nhạc đã phát triển cao để có thể trình tấu những tiết mục khí nhạc thuần túy, như hòa tấu của dàn bộ ngũ tuyệt, Tranh, Tỳ, Nhị, Nguyệt, Tam, xen với Bầu, Sáo và bộ gõ trống Huế, sanh loan, sanh tiền.

Khi hình thành đến độ hòan chỉnh, ca Huế là một hệ thống bài bản phong phú gồm khoảng hơn 30 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc được viết và diễn tấu theo hai điệu thức lớn gọi là điệu bắc và điệu nam. Bên cạnh đó còn có một hệ thống bài bản gọi là Nam xuân mà nhiều người gọi là hệ thống các bài bản lưỡng tính, vì nó pha trộn tính chất của hai điệu chính là điệu bắc và điệu nam.

Đi vào tính chất của từng điệu trong các bài bản ca Huế có thể thấy, điệu bắc gồm những bào ca mang âm điệu tươi tắn, trang trọng thể hiện cái gốc của âm nhạc từ phía Bắc theo chân các vua quan du nhập vào. Nam tiến vào đàng trong từ thời nhà Trần rồi vua Lê chúa Trịnh cho tới các chúa Nguyễn, vua Nguyễn.

Điệu nam là những điệu có âm điệu buồn, nỉ non, ai oán, thể hiện niềm thương nỗi nhớ của những người xa quê, nhớ về gốc gác tổ tiên ở đàng ngoài. Điệu Nam xuân mà nhiều người gọi là hệ thống lưỡng tính là các bài bản pha trộn cả điệu bắc và điệu nam, không vui không buồn, bâng khuâng mơ hồ.

Ngoài hai điệu chính và các bài bản nam xuân trong ca Huế còn có một sắc thái tình cảm mà các nghệ nhân gọi là hơi dưng. Nó không phải là một hệ bài bản riêng, mà nó dựa vào một vài bài bản trong các điệu bắc và điệu nam nhưng thay đổi cách hát từ vui sang buồn. Đây chính là sự đặc biệt và độc đáo của ca Huế mà không một loại hình nghệ thuật ca nhạc nào có được.

Kiểu hát theo hơi dưng này đã tạo điều kiện cho các nghệ sỹ ca và đàn được diễn tấu diễn xướng theo cảm hứng, cảm xúc của mỗi người ở mỗi thời điểm biểu diễn. Điều này làm cho các bài bản ca Huế được biểu diễn mỗi lần mỗi khác chứ không hoàn toàn giống nhau như các loại hình ca nhạc khác.

Từ lối thưởng thức kiểu thính phòng trong tư dinh của giới đại gia, khoa bảng, thành được trình diễn trong một không gian nhỏ, đầm ấm, gần gũi, có thể là một phòng khách, với đôi ba chén trà, ly rượu… người biểu diễn và thưởng thức ngồi cạnh nhau như tri âm, tri kỷ; trong không gian như vậy, tất cả như ngưng đọng khi, con người và âm nhạc hòa quyện nhau trong mùi trầm hương phảng phất, hư hư thực thực, nhất là vào những đêm khuya, những điệu ca được cất lên như mê hoặc, có sức diễn tả cao, thâm trầm, da diết, làm say đắm lòng người…

Dần dần, không gian diễn xướng được mở rộng, chan hòa vào các sinh hoạt văn nghệ dân gian, từ những căn phòng ngào ngạt trầm hương, ca Huế ra với dòng Hương bàng bạc ánh trăng, sương đêm phủ nhẹ trên mái chèo cùng với giọng ca thổn thức, tiếng đàn nỉ non, thao thiết trong làn gió nhẹ, làm cho tri âm, tri kỷ không muốn rời nhau…


 
Sức sống mãnh liệt của ca huế đã ăn sâu rộng trong quần chúng tiềm ẩn trong dòng chảy văn hóa dân tộc.

Sự kết hợp hài hòa của hai luồng giao thoa đó đã làm cho ca Huế có một phong vị đặc biệt, theo GS Tô Vũ, “không những thỏa mãn được yêu cầu thẩm mỹ của giới quý tộc phong lưu, các sĩ phu phong kiến (ngày trước), mà còn được quần chúng nhân dân (lao động) hâm mộ nâng niu…”. Mối tương quan giữa ca Huế và âm nhạc dân gian - nhất là lý Huế, chỉ có tính cách tương đối chứ không phải rạch ròi, nếu người nghe không “sành điệu” thì phân biệt đâu là ca Huế, đâu là dân ca.

Yếu tố quan trọng khác đã tạo ra mối quan hệ mật thiết giữa âm nhạc dân gian và ca Huế (cũng như âm nhạc cung đình) là chính các nhạc công, ca công chuyên nghiệp hầu hết là nghệ nhân tài hoa, trưởng thành từ dòng âm nhạc dân gian - bên cạnh đó, đội ngũ nghệ nhân dân gian là một lực lượng hùng hậu làm phong phú và nuôi dưỡng ca Huế; có thể nói: ca Huế là nhịp cầu nối giữa cung đình và dân gian.

Ca Huế là sản phẩm của Huế, mang đặc thù sắc thái địa phương hòa quyện cùng tính bác học.

Theo lịch sử chúng ta thấy rất rõ hiện tượng âm nhạc Huế thâm nhập, ảnh hưởng trở lại cội nguồn phía Bắc (Sân khấu chèo: Vở Tuần ty đào Huế sử dụng nguyên xi điệu Hành vân, Lí dao duyên của Huế, và trong sáu hệ thống của chèo, có hệ thống hơi Huế…) đồng thời, theo bước chân Nam tiến của những lưu dân khai hoang lập đất, của các binh lính mở mang bờ cõi… tạo nên ảnh hưởng không nhỏ đối với âm nhạc Nam Trung Bộ (Tuồng: Nam ai, Nam bình… hoặc khai thác các điệu Lí Huế trong các kịch bài chòi…) ở Nam Bộ (Tài tử: Tứ đại, Phú lục… Cải lương: Lưu Thủy, Kim tiền… hoặc các nhạc công ở ban nhạc Tài Tử hòa nhạc Huế…).

Đặc biệt, vào nửa đầu thế kỷ 20, ca nhạc Huế đã được sân khấu hóa để trở thành một loại hình sân khấu truyền thống mới của người Việt, đó là ca kịch huế. Đây cũng là sự phát triển độc đáo của ca nhạc huế góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật dân gian và hiện đại của Việt Nam.

Sự ảnh hưởng của ca nhạc Huế có ví trí quan trọng trong việc hình thành nhiều thể loại kịch hát dân tộc, đây là một hiện tượng vô cùng hiếm thấy, ví như một cái gốc lớn đã nảy sinh nhiều cành là xanh tươi mà mỗi cành có một vẻ đẹp riêng…

Mặc dầu sinh trưởng trong khuôn vàng thước ngọc, ca Huế vẫn không hoàn toàn bị ràng buộc bởi những khuôn khổ, quy tắc nghiêm ngặt của âm nhạc bác học, mà vẫn thể hiện tính sinh động, mềm dẻo (tương đối) của nó khi ở thính phòng cũng như khi lên sân khấu sau này. Ca Huế đem lại cho người nghe những cảm xúc êm dịu, khỏe đẹp, trong sáng, tạo nên sự đồng cảm của con người, ca ngợi quê hương, đất nước.

Theo GS-TS Trần Văn Khê, ca Huế với những giọng ca tuyệt vời của các nghệ nhân “khi thì êm dịu như hương thơm tỏa ra từ một bông hoa, khi thì xót xa như giọng người đang khóc, khi thì uể oải như những cái nhìn nào đó của người đàn bà trong những đêm hè oi ả, khi thì vui vẻ - trường hợp này cũng họa hoằn thôi; giống như tiếng lao xao của bầy chim trong mùa xuân… đã thấm vào thể xác và tâm hồn bạn, đã len vào trong mạch máu của bạn, làm cho khắp người bạn phải rùng mình, khoái trá…”.

Như thế, cũng đủ biết sự sâu lắng, trữ tình của ca Huế làm rung động, cuốn hút người nghe sâu sắc như thế nào!

Có thể khẳng định, Ca huế là loại hình di sản văn hóa phi vật thể hết sức đặc sắc, tiêu biểu và riêng có của huế trong nền âm nhạc Việt Nam. Sức sống mãnh liệt của ca huế đã ăn sâu rộng trong quần chúng tiềm ẩn trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
Xin được trích lời của dịch giả Bửu Ý khi nói về giá trị của loại hình nghệ thuật hiếm có này. “…Ca Huế xoáy vào ký ức, xoáy vào tiềm thức. Nó cày cuốc vào đất đai, dòng sông, giếng nước. Nó đánh thức chiếc nôi, khóm tre, mái đình. Người nghe tự mình xâu chuỗi bao nhiêu năm tháng đã trôi qua trong đời mình như một cuốn phim dài tự sự cũ kỹ đã có nhiều hình ảnh bôi nhòa.

"Khi ca Huế cất giọng thì mọi xao náo của đời sống thường ngày dừng lại ở bên ngoài, chẳng khác nào sinh hoạt của hiện tại không thể nào hòa lẫn vào sinh hoạt của quá khứ đang dần dà sống lại, tái hiện như từng ô hình, mảnh khảm...".

Theo vanhoa.gov.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ca-hue-xung-tam-di-san-van-hoa-bai-1-ca-hue-hoi-tu-va-lan-toa-am-sac-hue-a3110.html