29/09/2015 15:20
29/09/2015 15:20
Còn nhiều di tích lịch sử - văn hoá chưa được bảo vệ và phát huy giá trị
Trên địa bàn tỉnh còn nhiều di tích bị xâm hại như thời gian qua là do chính quyền địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá mà Luật Di sản văn hoá đã quy định.
Khu vực đình An Hoà (Trảng Bàng) bị xâm hại.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 83 di tích lịch sử, văn hoá (LSVH) đã được xếp hạng gồm 26 di tích cấp quốc gia (một di tích quốc gia đặc biệt) và 57 di tích cấp tỉnh. Trong số 83 di tích này có 72 di tích lịch sử, 4 di tích kiến trúc nghệ thuật, 6 di tích khảo cổ và 1 di tích LSVH- danh lam thắng cảnh núi Bà Đen. Đây là những di sản vô giá của người dân Tây Ninh nói riêng và của cả nước nói chung cần phải được bảo vệ và phát huy giá trị đặc sắc của từng loại hình di tích theo Luật Di sản văn hoá.
Hằng năm, Sở VH,TT&DL Tây Ninh đều tổ chức kiểm tra chấn chỉnh việc quản lý di tích. Năm 2015, Sở VH,TT&DL đã triển khai kế hoạch kiểm tra toàn diện việc quản lý di tích tại tất cả các huyện, thành phố về các nội dung: củng cố bộ máy quản lý di tích, giới thiệu tóm tắt di tích, lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), thực hiện bộ tiêu chí bảo đảm vệ sinh môi trường, công tác phòng, chống cháy nổ và đặc biệt là chống xâm hại di tích.
Qua kiểm tra, một đại diện lãnh đạo Sở VH,TT&DL cho biết, nhìn chung công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hoá trong những năm qua có sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Điển hình là công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về di sản văn hoá được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, công tác trùng tu tôn tạo các di tích được các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương quan tâm từ nhiều nguồn kinh phí, cán bộ văn hoá-xã hội phụ trách di sản văn hoá ở cơ sở được bồi dưỡng nghiệp vụ, từ đó hoàn thành nhiệm vụ, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã đạt được những kết quả nhất định…
Tuy nhiên, cũng theo vị lãnh đạo này thì vẫn còn một số mặt hạn chế trong công tác quản lý di tích. Đó là hoạt động của Ban quản lý các di tích còn lỏng lẻo, nhiều nơi chưa có quy chế hoạt động nên chưa xác định được nội dung quản lý;
Có nơi chưa thống nhất nhiệm vụ giữa trưởng Ban quản lý di tích với trưởng Ban quý tế nên việc quản lý di tích còn gặp nhiều khó khăn; công tác giới thiệu tóm tắt di tích, bảo đảm vệ sinh môi trường còn quá nhiều bất cập; việc lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích quá chậm trễ (sau gần ba năm thực hiện chỉ có 13/83 di tích được cấp giấy chứng nhận)…
Vì chưa có giấy chứng nhận QSDĐ, nên tình trạng xâm hại di tích diễn ra phổ biến, việc cắm mốc bảo vệ di tích vô cùng khó khăn. Từ nhiều năm qua, tình trạng các hộ dân xây cất nhà cửa và sinh sống trong khu vực được khoanh vùng bảo vệ di tích chưa được chính quyền địa phương giải quyết triệt để.
Điển hình như trên địa bàn huyện Bến Cầu, tại di tích khảo cổ Bến Đình có tới 21 hộ dân xâm chiếm đất cất nhà sinh sống; ở di tích Thành Bảo Long Giang có 5 hộ; hay ở đình Gia Lộc (Trảng Bàng) có 1 hộ; đình Trường Đông (Hoà Thành) có 2 hộ…
Một số di tích đình, chùa khác như chùa Bửu Long (Bến Cầu), đình An Hoà (Trảng Bàng)… người dân tự ý xây dựng các công trình mới trong những khu vực cần bảo vệ mà chưa có ý kiến cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, theo báo cáo của Sở VH,TT&DL, di tích lịch sử Căn cứ Huyện uỷ Dương Minh Châu đã được đầu tư tu bổ tôn tạo hàng chục tỷ đồng nhưng sai vị trí, nơi trùng tu xây mới cách yếu tố gốc của di tích gần 1.000m nên việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích là không thể.
Về công tác phát huy giá trị di tích, Sở VH,TT&DL cũng đã chọn hai di tích lịch sử là địa điểm chiến thắng Tua Hai (Châu Thành) và di tích lịch sử Thanh niên Cách mạng Trảng Bàng tại rừng Rong làm điểm của tỉnh trong năm 2014.
Qua đó, Sở đã tổ chức sơ kết nhân rộng mô hình thí điểm cho mỗi huyện, thành phố chọn một di tích làm điểm năm 2015. Tuy nhiên, qua gần hai năm thực hiện, công tác phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh tuy có chuyển biến nhưng chưa rõ nét.
Sự kết hợp giữa Ban quản lý di tích và các trường học ở địa phương chưa thật sự gắn kết trong việc giáo dục truyền thống thông qua giá trị di tích cũng như việc thường xuyên chăm sóc và bảo vệ môi trường vệ sinh xung quanh di tích.
Mặt khác, công tác xúc tiến và quảng bá du lịch gắn với di tích có lễ hội truyền thống ở Tây Ninh cũng chưa được quan tâm nên chưa thu hút du khách đến với các di tích trọng điểm, ngoại trừ du khách đến với di tích LSVH và danh thắng núi Bà Đen.
Để nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn tỉnh được thuận lợi và hiệu quả, từ năm 2007, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Theo đó, Sở VH,TT&DL trực tiếp quản lý 5 trong 83 di tích đã được xếp hạng, số còn lại phân cấp toàn bộ cho UBND các huyện, thành phố quản lý. Một trong những nội dung trọng tâm của việc phân cấp quản lý di tích là tỉnh giao cho UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể trong phạm vi địa phương; tổ chức ngăn chặn, bảo vệ, xử lý vi phạm và xây dựng kế hoạch hằng năm nhằm bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị di tích…
Như vậy, trên địa bàn tỉnh còn nhiều di tích bị xâm hại như thời gian qua là do chính quyền địa phương đã chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá mà Luật Di sản văn hoá đã quy định.
Theo Tây Ninh Online
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/con-nhieu-di-tich-lich-su-van-hoa-chua-duoc-bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-a3073.html