Bình Định: Những chuyển biến trong việc thực hiện Đề án Phát triển văn hóa nông thôn

Nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về văn hóa; tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa; cùng với cả nước, tỉnh Bình Định đã và đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” và bước đầu đã tạo ra những chuyển biến tích cực.


Một góc nông thôn Nhơn Lộc hôm nay (nguồn:  báo Bình Định)

Được phê duyệt từ năm 2010, Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” do Chính phủ ban hành gồm các nội dung lớn: Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa với trọng tâm là nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa gia đình, xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực ở nông thôn; Nâng cao chất lượng làng văn hóa; Thực hiện tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã và hoàn thiện hệ thống thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn.

Bám sát những nội dung trên, Bình Định đã nỗ lực triển khai Đề án, xây dựng kế hoạch khoa học nhằm áp dụng và thực hiện Đề án một cách có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, đoàn thể, Đề án Phát triển văn hóa nông thôn tại Bình Định đã phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc xây sống văn hóa địa phương và hiệu quả trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.




Nhiều cá nhân được tặng Bằng khen trong việc thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH (nguồn: báo Bình Định)

Theo kết quả thống kê của Sở VHTTDL tỉnh Bình Định, sau 5 năm triển khai, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, …Hiện nay, Toàn tỉnh có 90,8% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tăng 2,31% so với năm 2010; 628/918 khu dân cư được công nhận danh hiệu làng văn hóa, thôn văn hóa, chiếm tỉ lệ 68%. Ý thức tự giác của các gia đình trong việc xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu Gia đình văn hóa ngày càng tăng, phong trào xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa rộng khắp; nhận thức về xây dựng nông thôn mới của cán bộ và nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao, từng bước phát huy vai trò của cộng đồng dân cư nông thôn. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công để làm đường giao thông nông thôn và nhiều công trình phúc lợi khác. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở từng bước được quy hoạch, phát triển và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân. Tổng số nhà văn hóa đạt 89/159 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, còn có 773 trụ sở thôn có khả năng tổ chức một số hoạt động văn hóa ở cơ sở. Trên địa bàn tỉnh đã có 70% số thôn, làng, khu phố có thiết chế đáp ứng một số hoạt động văn hóa cơ sở. Sau nhiều nỗ lực, hiện tỉnh có 49 xã, 10 phường, thị trấn đã xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã…


Giơ cao khẩu hiệu quyết tâm xây dựng nông thôn mới (nguồn: kinh tế và dự báo)

Đặc biệt, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc luôn được địa phương chú trọng. Trong đó, nghệ thuật hát bội, bài chòi Bình Định được tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều di tích lịch sử cách mạng đã và đang được đầu tư xây dựng. Đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ tỉnh nhà ngày càng được bổ sung, đào tạo bài bản hơn để thực hiện hiệu quả công việc, sáng tạo tác phẩm phong phú, chất lượng.

Bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về xây dựng văn hóa nông thôn mới còn thụ động, Ban chỉ đạo các cấp, ngành còn nhiều lúng túng trong quá trình triển khai. Một số đơn vị, cá nhân còn thiếu ý ý thức, thiếu quyết tâm trong thực hiện … Song song với đó, kinh phí đầu tư cũng là một vấn đề hết sức lo ngại. Do nguồn vốn và quỹ đất còn hạn hẹp nên trang thiết bị nhà văn hóa thôn ở các địa phương trong tỉnh còn nhiều thiếu thốn, vẫn còn nhiều xã chưa đạt tiêu chí cơ sở vật chất về văn hóa, đặc biệt là các xã ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát huy những thành tích đã đạt được và nhanh chóng tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, trong thời gian tới, Tỉnh Bình Định cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nội dung chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sự đồng thuận cao trong toàn thể nhân dân. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền và huy động tối đa sức mạnh tổng hợp, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm trong công tác xây dựng nông thôn mới và thực hiện Đề án phát triển văn hóa nông thôn. Hy vọng rằng, bằng những việc làm thiết thực, những năm tới Bình Định sẽ tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa cho Đề án, trở thành điểm sáng văn hóa vào năm 2015.

Theo vanhoa.gov.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/binh-dinh-nhung-chuyen-bien-trong-viec-thuc-hien-de-an-phat-trien-van-hoa-nong-thon-a3072.html