Sầu nữ Út Bạch Lan

Có lẽ cái quy luật muôn đời “hồng nhan bạc mệnh” đã vận vào số phận của NSƯT Út Bạch Lan nên bà đã phải chịu đủ mọi lẽ khổ đau của phận má đào.

Cuộc đời lắm nỗi éo le, nhưng bù lại, bà lại được tổ nghiệp ưu ái nên mấy mươi năm theo nghiệp cầm ca, bà đã gặt hái được nhiều thành công trong nghệ thuật và chiếm một vị trí quan trọng trong lòng khán giả. Giờ đây, ở độ tuổi "thất thập cổ lai”, bất chấp thời gian, giọng ca vàng của NSƯT Út Bạch Lan vẫn làm rung động bao khán giả mộ điệu.  
 
 
NSƯT Út Bạch Loạn

Mấy ai ngờ, một ngôi sao tài sắc trên sân khấu cải lương, một nghệ sĩ nổi danh như bà lại sống giản dị, thanh bạch trong căn gác nhỏ ở khu chung cư trên đường Trần Hưng Đạo (TP Hồ Chí Minh) cùng người em dâu và các cháu gọi bà bằng cô ruột. Nhưng bà lại thấy đó là niềm hạnh phúc của đời mình. Bởi ở cái tuổi về chiều, bà không phải sống cảnh mà người nghệ sĩ sợ nhất khi không còn đứng trên sân khấu là túng thiếu và cô đơn. Những lúc một mình, gấp lại nếp áo bà ba, những tấm áo dài thân thương đã từng gắn bó cùng bà trong các vai diễn đong đầy nước mắt, ký ức xưa lại chợt ùa về với bao thăng trầm của cuộc đời dâu bể…

Từ cô bé hát dạo

Nghệ sĩ ưu tú Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935, tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, Đức Hóa, Long An. Cha mất sớm, hai mẹ con bé Út đi làm thuê làm mướn quanh khu vực Chợ Lớn Mới (chợ Bình Tây hiện giờ) sinh sống qua ngày. Đồng cảnh ngộ với mẹ của Văn Vĩ (khi đó tên là Đinh Văn Dậm) nên hai bà kết nghĩa chị em, sống chung và cùng đi làm mướn. Cứ thế, năm này qua tháng nọ, những phận nghèo nương tựa cùng nhau. Bị mù từ nhỏ, nhưng Văn Vĩ học đàn guitare cổ nhạc và đàn rất giỏi nên đã dạy cho bé Út ca. Nghe máy hát đĩa của hàng xóm, bé Út ca theo và học thuộc nhiều bản vọng cổ khác. Thấy có người mù đi hát dạo trong chợ, được người ta cho tiền, trong khi đó bé Út và Văn Vĩ làm mướn người ta chỉ cho mớ rau, hay đồ ăn, thức uống..., bé Út đã rủ Văn Vĩ lén mẹ đi hát dạo, hy vọng có tiền đỡ đần cho hai bà mẹ đỡ cực. Vậy là hai anh em, Văn Vĩ 15 tuổi, bé Út 11 tuối cùng cây đàn cũ đi hát dạo từ Chợ Lớn Mới qua các phố phường Chợ Lớn Cũ, ra tới Chợ Bến Thành Saigon. Cuộc sống thanh bần cứ thế trôi đi…

Đến sầu nữ giọng vàng

Tiếng đồn giọng hát làm mê lòng người của cô bé hát dạo đã khiến cô Năm Cần Thơ tò mò tới nghe bé Út ca, và cũng từ đây, cuộc đời bé Út đã có một bước ngoặt mới. Từ cô bé hát rong thuở nào nơi vỉa hè góc chợ, bé Út được đứng trên sân khấu lung linh ánh đèn màu và nghệ danh Út Bạch Lan cũng có từ đây. Giữa thập niên 50 (thế kỷ XX), Út Bạch Lan bắt đầu được báo chí và khán giả chú ý qua vở dã sử "Đồ Bàn di hận" trên sân khấu Thanh Minh. Không ngừng khổ luyện diễn xuất, trau chuốt kỹ thuật ca ngâm, sáng tạo nét mới, NS Út Bạch Lan đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả qua các vở diễn: Dưới hàng phượng vĩ, Nước mắt kẻ sang Tần, Tình cô gái Huế, Thuyền ra cửa biển, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Nước chảy qua cầu, Biên Thùy nổi sóng, Tình tráng sĩ, Nhớ rừng, Cung đàn trên sông lạnh, Thiên Thần trên thiết mã, Hoa Mộc Lan, Chén cơm đô thành, Đất Việt của người Việt… Năm 1958, NS Út Bạch Lan ký hợp đồng về hát cho đoàn Kim Chưởng với nghệ sĩ Thành Được. 
 
Thành công nối tiếp thành công, NS Út Bạch Lan được các hãng đĩa tranh nhau mời thu thanh đĩa đơn, đĩa tuồng đa dạng từ xã hội, cổ tích, sử Việt Nam đến Trung Hoa, Tây, Nhật... với số lượng nhiều nhất so với những danh ca khác. Vai chị Hằng (Vở “Con gái chị Hằng” - Hà Triều - Hoa Phượng) là vai vàng giúp NS Út Bạch Lan đạt tới đỉnh vinh quang khi hóa thân trong bi kịch người mẹ hết dạ thương con, do những bước đi sai lầm đã dẫn đến cái chết thảm, bỏ lại đứa con dại khờ. Tiếp đó, trên SK Kim Chưởng, NS Út Bạch Lan có những vai xuất sắc qua các vở như Kiều Phi Yến (Nửa bản tình ca), Chiêu Trúc Lệ (Thuyền ra cửa biển)… Đặc biệt, với bài ca cổ “Hoa lan trắng” về cuộc đời của chính NS Út Bạch Lan do soạn giả Viễn Châu viết riêng cho giọng ca bi ai, não nuột của bà đã được nhiều khán giả đặc biệt yêu thích, xúc động trước nỗi niềm “Bao nhiêu mưa gió ngập trời/Hỏi ai còn nhớ một người tên Lan?”. 
 
Gần 80 tuổi đời và hơn 60 năm gắn bó cùng sân khấu, giọng ca vàng và những vai diễn để đời đã đưa NS Út Bạch Lan lên đỉnh vinh quang của nghệ thuật Cải lương với nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý cùng những biệt danh khán giả và báo giới đã ưu ái dành tặng: Đệ nhất đào thương, Nữ hoàng vọng cổ, Vương nữ Sương chiều, Sầu nữ Út Bạch Lan...
 
Cuộc đời éo le ngang trái

Không biết có phải do mang tên một loài hoa mỏng manh, u buồn, hay vì giọng ca u sầu đã “vận” vào mà cuộc đời của NS Út Bạch Lan lại có nhiều nỗi éo le, buồn tủi. Khi còn đứng chung trên sân khấu Thanh Minh, NS Út Bạch Lan cùng NS Thành Được chính thức kết duyên loan phượng trong chúc phúc của bạn bè đồng nghiệp và khán giả mộ điệu. NS Thành Được đẹp trai, có tài nên rất đào hoa, được nhiều phụ nữ theo đuổi. Vì thế, lấy nhau chưa được bao lâu, NS Út Bạch Lan đã phải nén đau đớn nuôi con riêng cho chồng để làm đẹp lòng chồng, giữ cho trong nhà yên ấm. Rồi lần thứ hai, thứ 3 nữa, người ta đã mang con tới nhà, nói là con của chồng mình, NS Út Bạch Lan đã khóc thật nhiều và lại nhận nuôi dưỡng những đứa con riêng của chồng. Hai người chia tay, NS Út Bạch Lan lại nuôi hai đứa con riêng của chồng bởi cũng không nỡ bỏ chúng khi còn nhỏ dại, mà để NS Thành Được nuôi thì lại chẳng thể yên tâm. Không có được một đứa con chung, nuôi con chồng như con mình, rồi dựng vợ gả chồng, vậy mà khi mẹ ruột quay trở về xin nhận lại con, NS Út Bạch Lan lại nhiệt tình hoàn tất thủ tục để trả con. NS Út Bạch Lan đã biết sống nhẫn nhịn giữa cuộc đời bằng tấm lòng nhân hậu. Những nỗi đau, những bất hạnh trải qua như giúp NS Út Bạch Lan hát hay hơn và sự yêu thương của khán giả cùng niềm yêu thương và tôn kính của bao lớp nghệ sĩ trẻ đã bù đắp cho những mất mát trong hạnh phúc riêng của bà. 
 
 
NSƯT Út  Bạch Loạn và NSND Lệ Thủy

Tiếng hát ngàn xa vượt tuổi trời

Niềm vui lớn nhất ở cái tuổi về chiều của NSƯT Út Bạch Lan là thường cùng các anh chị em nghệ sĩ trong nhóm từ thiện của mình: Diệu Hiền, Tô Châu, Bảo Trân, Thanh Sử… biểu diễn văn nghệ để gây quỹ từ thiện cho chùa, hoặc giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Sau những nỗi buồn của cuộc đời, bà rất tin vào đạo Phật. Không xuống tóc quy y, đêm bà đọc kinh, ngày chọn sân chùa làm sân khấu, hát những bài ca, những vở tuồng về Phật để lấy tiền trùng tu, sửa chữa chùa chiền. 
 
Bây giờ, NSƯT Út Bạch Lan ít đứng trên sân khấu, bà vui với cuộc sống chay tịnh giản đơn và vẫn miệt mài đem lời ca tiếng hát đi làm việc phước đức cho đời và xem đó là lẽ sống của mình. Bà tâm sự: “Có đi tận nơi, thấy được nỗi khổ của mọi người. Mới giật mình nhận ra mình có phước vô cùng. Ấy vậy mà đôi khi còn không biết hưởng, còn sinh ra lắm chuyện. Út đi nhiều, thấy nhiều nên bây giờ ai nói Út hà tiện Út chịu vì thấy xung quanh người ta còn cơ khổ quá mà mình ăn xài phung phí thì tội lắm. Hồi trẻ không biết, đua đòi nhiều, ai có gì mình phải có nấy. Bây giờ cơm ăn mỗi bữa, áo mặc mỗi ngày… Út đều thầm tạ ơn trời đất đã cho mình có may mắn hơn người”. 

Ngọc Anh/ Hội NSSKVN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/sau-nu-ut-bach-lan-a3060.html