Sân khấu kịch mất dần khán giả

Những năm gần đây, khán giả đến với các sân khấu kịch nói ngày càng giảm sút. Các sân khấu trụ cột của làng kịch nói TPHCM như IDECAF, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, 5B… ít nhiều đều rơi vào tình trạng mất dần lượng khán giả tìm đến mua vé xem kịch.

Vài sân khấu “trẻ” ra mắt chưa bao lâu cũng rã tan vì heo hút người xem. Chuyện mất dần khán giả thực sự là một mối lo ngại rất lớn, đe dọa sự ổn định và quá trình hoạt động phát triển của lĩnh vực sân khấu.


Một hoạt động của chương trình sân khấu học đường “Kết nối cộng đồng” với chủ đề “An toàn giao thông” của sân khấu kịch Hồng Vân

Tạo nguồn khán giả trẻ

Ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn trăn trở: “Mấy năm qua, sân khấu TPHCM đã và đang mất dần từ 30% - 50% lượng khán giả. Hầu hết các sân khấu kịch xã hội hóa đều xảy ra tình trạng này. Nguyên nhân chủ yếu là sự xuất hiện ngày càng nhiều loại hình giải trí hấp dẫn và hiện đại trên thị trường. Bên cạnh đó, các đài truyền hình từ TPHCM đến nhiều tỉnh thành đều đua nhau thực hiện các gameshow hài có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, tổ chức dàn dựng và trình chiếu suốt cả ngày trên các kênh truyền hình những tiểu phẩm tấu hài, hài kịch… đã khiến lượng khán giả đến với các sân khấu kịch bị chia sẻ. Đứng trước tình hình lượng khán giả kịch nói đang mất dần, một số ông, bà “bầu” sân khấu xã hội hóa tâm huyết với nghề đã có những dự án làm sân khấu học đường, đưa các vở kịch lịch sử, tiểu phẩm kịch tuyên truyền đến các trường học, nhằm xây dựng một thói quen xem kịch cho khán giả nhỏ tuổi, giúp các em có điều kiện tiếp xúc và yêu thích loại hình kịch nói, đồng thời tiếp nhận những thông tin giá trị, bổ ích, bổ sung cho kiến thức về lịch sử, văn hóa, giao tiếp xã hội…

Cách làm lo xa này đã được sân khấu IDECAF, Hồng Vân bắt tay thực hiện gần đây. Tuy nhiên, dự án đào tạo thế hệ khán giả mới vẫn được tổ chức trong khuôn khổ các sân khấu tự thân vận động là chính, làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Năm ngoái, Sở VH-TT TPHCM hỗ trợ 6 triệu đồng/suất diễn cho chương trình “Kết nối cộng đồng” của sân khấu kịch Hồng Vân với chủ đề “An toàn giao thông” (chi phí bình quân 15 triệu đồng/suất), diễn ở các trường tiểu học. Số kinh phí còn lại của mỗi suất diễn, NSND Hồng Vân kêu gọi tài trợ từ doanh nghiệp. Năm nay, nguồn hỗ trợ cho dự án này bị cắt bớt, có nhà tài trợ hứa sẽ cố gắng giúp bà “bầu” Hồng Vân cho hết năm nay thôi, còn năm sau thì…

Trăn trở với vấn đề này, NSND Hồng Vân chia sẻ: “Chúng tôi cần nhất là sự phối hợp tổ chức của chính quyền, sự định hướng, hỗ trợ và kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và văn nghệ sĩ, bao gồm tất cả các sân khấu xã hội hóa đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn TPHCM. Đừng để chúng tôi tự làm nữa mà hãy cùng bắt tay với chúng tôi, chung lưng đấu cật, triển khai xây dựng và định hướng một lứa thế hệ khán giả mới. Mặt khác, các trung tâm văn hóa, những cơ sở đang được sân khấu tư nhân thuê diễn nên tính với giá hữu nghị để hỗ trợ cho kế hoạch đào tạo nguồn khán giả. Tôi hy vọng, với sự hỗ trợ của TP, các cơ quan quản lý văn hóa và đối tác, mỗi khán giả nhỏ tuổi chỉ phải trả khoảng 20.000 đồng/vé xem kịch”.

Đi đâu, về đâu?

Việc định hướng một lớp khán giả mới là chuyện về lâu về dài, trước mắt, để níu kéo, giữ chân khán giả, không ít sân khấu buộc phải chấp nhận chạy theo thị hiếu khán giả: đầu tư cho tác phẩm vừa phải, ra mắt vở mới thường xuyên, nội dung giải trí đơn giản, lồng ghép vào từng vở diễn chủ yếu là những mảng miếng sân khấu (hài, kinh dị, trinh thám, giả gái…) nhằm tạo niềm vui, sự tò mò, cuốn hút người xem. Đạo diễn Hoa Hạ, thành viên Hội đồng Nghệ thuật Sở VH-TT TPHCM, từng cho biết: “Khi xem phúc khảo vở mới ở các sân khấu, hội đồng nghệ thuật đã cố gắng duyệt nương tay, không đòi hỏi quá cao về chất lượng nghệ thuật. Chỉ những ý tứ, nội dung trong vở kịch có vấn đề về chính trị, không phù hợp quan điểm tư duy thẩm mỹ, chúng tôi mới buộc các đạo diễn phải chỉnh sửa, cắt gọt bớt. Còn thường, chúng tôi thông qua để tác phẩm mới có thể ra mắt, công diễn, để các sân khấu xã hội hóa được sáng đèn”.

Ngoài ra, việc mất dần khán giả ở các sân khấu kịch một phần còn do điều kiện cơ sở vật chất ở tình trạng quá tải, quá tuổi. Hầu hết các điểm diễn kịch đang hoạt động hiện nay đều phải thuê mướn, thế nên các ông bà “bầu” không thể bỏ ra một khoản kinh phí quá lớn để đầu tư, nâng cấp, trang trí như ý muốn. Khó khăn cứ thế chồng chất, các sân khấu xã hội hóa ráng gồng gánh, bươn chải theo tâm lý chung: làm được tới đâu hay tới đó!

NSƯT Thành Hội từng than thở trong buổi họp với đoàn đại biểu HĐND TPHCM rằng các sân khấu xã hội hóa làm việc hiệu quả hơn hẳn một số đơn vị nghệ thuật nhà nước, đã góp phần rất lớn làm sôi nổi, đa dạng, phong phú hoạt động phát triển của lĩnh vực văn hóa nghệ thành phố. Thế nhưng, suốt thời gian qua, chúng tôi thấy mình như đứa “con rơi” vậy, chẳng được quan tâm, chăm sóc…”. Việc tự thân vận động trong nhiều năm qua đã và đang khiến các sân khấu hoạt động ngày càng lao đao, trong khi nhà nước và các cơ quan quản lý văn hóa lại không có hành động, kế hoạch hỗ trợ kịp thời, cụ thể cho các sân khấu xã hội hóa duy trì hoạt động và phát triển.

Từ nhiều năm trước, nghệ thuật Hát bội đã hoạt động eo sèo, không có điểm diễn, thưa vắng khán giả. Hát bội vì thu nhập thấp nên khó thu hút người tài dẫn đến thiếu trầm trọng lực lượng kế thừa tâm huyết, có chuyên môn cao. Song hành cùng Hát bội, sân khấu Cải lương cũng lao đao, lay lắt vì mất dần những sàn diễn. Các đoàn hát lần lượt tan rã. Nghệ sĩ tứ tán khắp nơi. Nhiều nghệ sĩ tài danh lớn tuổi rời xa sàn diễn, nhưng lực lượng kế thừa tuy có nhưng không thể thay thế thế hệ vàng, không thể kiến tạo hay gầy dựng lại một thời vàng son của sân khấu Cải lương. Tình trạng nghệ sĩ trẻ mải lo chạy show lẻ kiếm sống, hoạt động lẻ tẻ khiến sân khấu cải lương thêm eo sèo, heo hút.

Vài năm trở lại đây, sân khấu kịch nói lừng lẫy một thời của TPHCM từng khiến sân khấu kịch nói Hà Nội “ghen tị” vì phát triển quá mạnh mẽ, hoạt động sôi nổi, sáng đèn hàng đêm… lại đang từng bước theo dấu chân của nghệ thuật hát bội và cải lương, hướng về ngõ cụt. Vậy, phải làm cách nào tìm lối ra cho các loại hình nghệ thuật sân khấu mang tính truyền thống, từng là điển hình, điểm sáng văn hóa của văn hóa nghệ thuật TPHCM?

Theo SGGP

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/san-khau-kich-mat-dan-khan-gia-a3038.html