Xuất thân trong một gia đình có tám anh em, Bác Ba Phi là con thứ hai. Ông nổi tiếng là một lực điền giỏi võ, mê đờn ca tài tử, đặc biệt là đờn cò. Trong những năm đầu thập niên 1960, các câu chuyện kể của ông lan truyền khắp vùng, thu hút cả thường dân lẫn cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận, trở thành một hiện tượng văn hóa đặc sắc của vùng đất Nam Bộ.
Những câu chuyện dân gian từ đời thực
Chuyện kể của Bác Ba Phi thường mộc mạc, hài hước, gần gũi với đời sống người dân miền Tây. Dù đôi khi mang tính phóng đại hay cường điệu, nhưng vẫn giữ được nét chân chất, có tình, có lý. Các nhân vật trong truyện không chỉ là người dân mà còn có cả cọp, rắn, cá, nai, heo rừng... tất cả đều được nhân cách hóa sinh động. Mỗi câu chuyện đều chứa đựng yếu tố bất ngờ, hóm hỉnh, góp phần tạo nên một thể loại văn hóa kể chuyện mang đậm bản sắc dân gian.
Những mẩu chuyện như: Tàu rùa; Câu ếch; Rắn tát cá; Nếp dẻo; Cọp xay lúa; Bẫy lưỡi nai… vốn bắt nguồn từ thực tế cuộc sống thời khẩn hoang. Người nghe hiểu rằng đó là chuyện “nói dóc” để mua vui, nhưng đều mang tính thực tế và gắn bó mật thiết với môi trường sống của cư dân vùng rừng U Minh - nơi từng nổi tiếng với các loài động thực vật hoang dã.
Chuyện kể – Hành trang mở đất
Thời mở đất, cư dân Nam Bộ đối mặt với muôn vàn gian khó - từ rừng thiêng nước độc cho đến chế độ áp bức thực dân. Trong hoàn cảnh ấy, những câu chuyện của Bác Ba Phi không chỉ mang tính giải trí mà còn phản ánh tinh thần sáng tạo, kinh nghiệm ứng phó với thiên nhiên, kẻ thù và cuộc sống lao động sản xuất. Những câu chuyện về lính mã tà, cọp rình nhà... truyền tải bài học ứng xử thông minh, lan truyền rộng rãi trong cộng đồng.
Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chuyện kể của Bác Ba Phi góp phần làm vơi đi nỗi gian lao của đồng bào và chiến sĩ vùng căn cứ. Các nhân vật, hình ảnh thân thuộc được thể hiện bằng lối kể ngẫu hứng, sinh động, đã trở thành món quà tinh thần quý giá, theo chân bộ đội khắp mọi miền Nam Bộ và cả dải Trường Sơn.
Chuyện kể Bác Ba Phi cũng vì thế trở thành một phần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, đám tiệc, gặp gỡ, tạo nên nhiều câu chuyện, nhân vật và tình huống phong phú - tất cả đều giữ được tinh thần hóm hỉnh và nhân văn từ cốt truyện gốc.
Di sản của một nghệ nhân dân gian
Dù không để lại bản thảo cụ thể, nhưng kho tàng truyện kể của Bác Ba Phi vẫn sống mãi trong ký ức người dân miền Nam. Câu ví von “nói dóc như Bác Ba Phi” đã trở nên quen thuộc trong đời sống ngôn ngữ thường ngày, thể hiện sự yêu mến, kính trọng với một nghệ nhân bình dân đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho nhiều thế hệ.
Với những đóng góp đặc biệt cho văn hóa dân gian Nam Bộ, năm 2003, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã truy tặng Bác Ba Phi danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” và Huy chương “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian”. Đến ngày 10/9/2015, UBND tỉnh Cà Mau đã công nhận Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
Bác Ba Phi không chỉ là biểu tượng của tinh thần lạc quan, hóm hỉnh của người dân phương Nam, mà còn là người gìn giữ và truyền trao một kho tàng văn hóa dân gian quý báu - một phần không thể thiếu trong hành trình mở đất, dựng làng của dân tộc Việt Nam.
Trà Bình
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bac-ba-phi-nguoi-ke-chuyen-dan-gian-dac-sac-cua-vung-dat-phuong-nam-a30235.html