Chiến khu Vạn Thắng - Địa chỉ đỏ trong hành trình cách mạng của quê hương Phú Thọ

Chiến khu Vạn Thắng (xã Đồng Lương) là một trong những chiến khu kháng Nhật, chống Pháp đầu tiên ở tỉnh Phú Thọ, cùng với chiến khu Vần (xã Hiền Lương) và chiến khu Phục Cổ (xã Minh Hòa). Đây là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của cha ông, ngày nay trở thành “địa chỉ đỏ” có giá trị đặc biệt trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trên quê hương Phú Thọ anh hùng.

luc-luong-du-kich-van-thang-anh-tu-lieu-1753158289.jpeg
Hình ảnh tư liệu quý về lực lượng du kích Vạn Thắng - một biểu tượng lòng yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân Phú Thọ. Ảnh tư liệu

Theo tư liệu lịch sử, Chiến khu Vạn Thắng được hình thành từ năm 1944, do một nhóm người yêu nước sớm giác ngộ ánh sáng cách mạng của Đảng gây dựng, đứng đầu là ông Nguyễn Phiên - người khởi xướng.

Ông Nguyễn Phiên quê ở Thái Bình, nguyên là lính khố đỏ trong quân đội Pháp, thường được gọi là Đội Phiên. Dù từng phục vụ trong quân ngũ của Pháp, ông sớm thể hiện tinh thần yêu nước, tham gia phong trào yêu nước của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Do đó, ông bị đuổi khỏi quân đội và bị chính quyền thực dân bắt giam. Sau khi được ân xá nhưng vẫn bị quản thúc tại quê nhà, đến năm 1936, ông rời Thái Bình lên làm ăn tại đồn điền Đồng Lương.

Tháng 5 năm 1940, ông được chủ đồn điền Đồng Lương là ông Nguyễn Bá Lương nhận vào làm công. Trong thời gian làm việc tại đây, ông Nguyễn Phiên vẫn âm thầm theo dõi tình hình trong nước và thế giới, tìm cách bắt liên lạc lại với các cơ sở cách mạng. Khi ông Nguyễn Bá Lương bị thực dân Pháp bắt giam năm 1943, ông Nguyễn Phiên thay ông quản lý đồn điền, đồng thời thực hiện ý nguyện tiếp tục hoạt động cách mạng.

Chiến khu Vạn Thắng nằm trên vùng rừng núi hiểm trở của xã Đồng Lương. Phía Đông giáp sông Bứa, phía Tây giáp huyện Yên Lập, phía Nam giáp huyện Tam Nông, phía Bắc giáp sông Hồng (bên kia sông là huyện Thanh Ba). Địa hình đồi gò xen kẽ ao hồ, đầm lầy, dựa lưng vào núi Đọi Đèn, với khu vực đồn điền Đồng Lương có địa thế hiểm yếu, rừng núi trùng điệp, hồ Tề Lễ liền kề rộng lớn và cánh đồng trên 200ha nằm giữa núi non.

Đây từng là căn cứ của nghĩa quân Ngô Quang Bích trong phong trào Cần Vương, có bãi Quần Ngựa kín đáo – rất thuận lợi cho việc luyện quân. Đồng thời, đồn điền có trên 200 trâu bò và hơn 200 mẫu ruộng phục vụ hậu cần; nhân dân trong vùng giàu tinh thần yêu nước, chống Pháp - Nhật, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng căn cứ địa.

Đầu năm 1944, ông Nguyễn Phiên tập hợp một số thanh niên trong vùng và lao động tại đồn điền để huấn luyện quân sự, chuẩn bị khởi sự tham gia đánh Nhật cứu nước. Lúc đầu chỉ có 5 - 7 người, sau tăng lên hơn 40 người, tổ chức thành các tổ, đội làm nhiệm vụ canh gác, luyện tập, tuyên truyền cách mạng, sửa chữa và trang bị vũ khí.

Nhận thấy đây là lực lượng vũ trang có tiềm năng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, Ban Cán sự Đảng Phú - Yên (Phú Thọ và Yên Bái) cử đồng chí Lê Quang Ấn - Ủy viên Ban Cán sự - đến gặp Nguyễn Phiên để vận động hợp tác. Ông Nguyễn Phiên đồng ý đặt lực lượng dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp nhận cán bộ đến huấn luyện chính trị, quân sự.

cay-da-xom-doi-hon-500-tuoi-noi-du-kich-van-thang-xuat-phat-di-tham-gia-gianh-chinh-quyen-tinh-phu-tho-1753158325.jpg
Cây đa xóm Đồi - chứng nhân lịch sử của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Phú Thọ. Ảnh tư liệu

Đêm 23/6/1945, tại Đồn điền Đồng Lương, dưới sự chứng kiến của đại diện Ban Cán sự Đảng Phú – Yên và cán bộ chiến khu Vần – Hiền Lương, ông Nguyễn Phiên và đồng chí Lê Quang Ấn tổ chức lễ thành lập Chiến khu Vạn Thắng với lực lượng vũ trang hơn 100 người. Từ đây, ông Nguyễn Phiên tích cực củng cố lực lượng, tiến hành các hoạt động chống lại đế quốc, bảo vệ nhân dân, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau khi cách mạng thành công, theo lệnh Bộ Quốc phòng, ông Nguyễn Phiên cùng lực lượng du kích Vạn Thắng được giao nhiệm vụ tham gia đoàn quân Tây Tiến, đánh thổ phỉ, bảo vệ tuyến đường sắt Lào Cai – Yên Bái.

Tháng 3/1946, theo chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Phiên về Hà Nội nhận nhiệm vụ thành lập xưởng quân khí Vạn Thắng. Đồng chí Vũ Oanh, thay mặt Chính phủ, giao một số máy móc để thành lập công binh xưởng tại Chằm Bún (xã Đồng Lương). Xưởng do ông Phiên phụ trách, nhân lực gồm công nhân cơ khí xưởng Cát-tút (Phú Thọ) và thợ từ Hà Nội. Xưởng có nhiệm vụ sửa chữa, lắp ráp vũ khí thu được từ các nước: Anh, Nga, Nhật, Pháp, Đức.

Cuối năm 1946, xưởng được chuyển về Phú Thọ, sáp nhập với xưởng quân khí Phan Đình Phùng - thuộc Bộ Quốc phòng. Một số cán bộ, công nhân địa phương ở lại tiếp tục sản xuất phục vụ dân sinh.

Ngày 15/12/1946, đồng chí Nguyễn Đức Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ đến chiến khu Vạn Thắng huấn luyện chính trị, Điều lệ Đảng cho bốn chi bộ: Cột Cờ, Đọi Đèn, Núi Thông và Hiệp Thành.

Chi bộ Cột Cờ sau đó được giao nhiệm vụ bảo vệ tài sản tối mật của Trung ương sơ tán lên Việt Bắc, bao gồm: đồ dùng và kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 400kg vàng do nhân dân ủng hộ trong Tuần lễ Vàng, 10 triệu đồng tiền mặt, thuốc men quý hiếm, vải vóc, xăng dầu... Những tài sản này được cất giữ tại nhà đồng chí Vi Văn Cung (Bí thư chi bộ Cột Cờ) và đồng chí Hoàng Đức Lung (chi bộ Núi Thông).

Như vậy, Đồng Lương không chỉ là căn cứ du kích Vạn Thắng thời tiền khởi nghĩa, mà còn là địa điểm bảo vệ tài sản quốc gia khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ.

bia-di-tich-chien-khu-van-thang-1753158356.jpeg
Bia di tích Chiến khu Vạn Thắng

Hiện nay, nhiều địa danh chiến khu vẫn còn lưu giữ các chứng tích lịch sử: Gò Nhà Dầm đại bản doanh chiến khu, nay còn bể nước và gốc cà phê. Gò Tròn nơi rèn vũ khí, còn tảng bê tông cốt sắt. Gò Đá Giải nơi luyện quân, kho lương thảo, còn nền xi măng. Gốc đa xóm Đồi nơi lực lượng du kích tuyên thệ trước khi tỏa đi giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám – đã có bia tưởng niệm. Bến Cánh Tráng nơi đoàn quân xuống thuyền vượt sông Hồng sang thị xã Phú Thọ khởi nghĩa - nay được xây dựng đài kỷ niệm.

Ngày 2/7/1994, Chiến khu Vạn Thắng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Theo chỉ thị của Trung ương, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ) đã quyết định vào các năm tròn dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tổ chức mít tinh trọng thể và gặp mặt các chiến sĩ du kích lão thành tại xã Đồng Lương. Đây là dịp để ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang và tôn vinh những chiến công của cha ông.

Chiến khu Vạn Thắng không chỉ là một di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, mà còn là nơi lưu giữ những cứ liệu sống động về hành trình đấu tranh giành độc lập, thể hiện tinh thần bất khuất, kiên trung của nhân dân Phú Thọ. Đây cũng là địa chỉ tham quan có giá trị giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh và nghĩa tình.

Trà Bình

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chien-khu-van-thang-dia-chi-do-trong-hanh-trinh-cach-mang-cua-que-huong-phu-tho-a30226.html