Tính đến nay, Đà Nẵng có tổng cộng 4.139 tàu cá đã đăng ký, trong đó có 2.343 tàu hoạt động vùng bờ, 614 tàu vùng lộng và 1.182 tàu vùng khơi. Toàn bộ các tàu cá này đã được cập nhật vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNfishbase), giúp quản lý hiệu quả hoạt động khai thác. Đặc biệt, 100% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo việc theo dõi liên tục quá trình đánh bắt và tuân thủ quy định pháp luật trên biển.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 189 tàu cá chưa đủ điều kiện hoạt động do vướng các thủ tục như đăng ký, đăng kiểm hoặc quá hạn giấy phép. Đây là thách thức cần sớm tháo gỡ để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống quản lý nghề cá.
Đồng thời, thành phố đã xử lý 54 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản từ đầu năm 2025 đến nay, chủ yếu liên quan đến thiết bị giám sát hành trình và thông tin tàu cá, với tổng số tiền xử phạt hơn 6,49 tỷ đồng.
Thành phố hiện có 14 nghiệp đoàn nghề cá và 252 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, với 1.720 tàu tham gia, phần lớn là tàu khai thác xa bờ. Đây là lực lượng nòng cốt không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn tham gia giữ gìn an ninh, trật tự và chủ quyền trên biển.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang tích cực đầu tư phát triển hạ tầng hậu cần nghề cá. Thành phố có 4 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ đạt chuẩn, 2 cảng cá loại II (Thọ Quang và Tam Quang) đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản, cùng 5 bến cá và 5 khu neo đậu tránh trú bão được bố trí khoa học dọc sông Trường Giang, hỗ trợ ngư dân ứng phó thiên tai, bảo đảm an toàn trong mùa biển động.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn thành phố đạt 8.290 ha, trong đó 3.133 ha nước lợ/mặn (nuôi tôm, cá lồng) và 5.157 ha nước ngọt (tại ao, hồ, sông). Thành phố có 3 cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt, cung cấp các giống cá truyền thống như rô phi, mè, trắm, chép. Đặc biệt, khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung quy mô 20,76 ha đã đi vào hoạt động với năng lực cung ứng 750 - 1.000 triệu con tôm giống mỗi năm.
Ngoài ra, hệ sinh thái phụ trợ cũng được chú trọng với 8 cơ sở sản xuất thức ăn, 54 đại lý vật tư, góp phần gia tăng hiệu quả chuỗi giá trị trong nuôi trồng thủy sản.
Hoạt động thể thao, giải trí trên biển tại Đà Nẵng như chèo SUP, mô tô nước, du thuyền… ngày càng phát triển, không chỉ tạo điểm nhấn du lịch mà còn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên biển. Việc kết hợp giữa khai thác kinh tế biển và gìn giữ môi trường đang dần trở thành xu hướng chủ đạo trong chiến lược phát triển không gian biển của thành phố.
Đà Nẵng đã ban hành mức thu tiền sử dụng khu vực biển theo Nghị định 11/2021/NĐ-CP và mới nhất là Nghị định 65/2025/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại sự chênh lệch về đơn giá giữa các khu vực, gây khó khăn trong thống nhất thực hiện chính sách trên địa bàn mở rộng sau sáp nhập. Ví dụ, giá cho hoạt động khai thác năng lượng biển tại một số khu vực là 7,5 triệu đồng/ha/năm, trong khi nơi khác chỉ 3 triệu đồng/ha/năm.
Về hành lang bảo vệ bờ biển, UBND thành phố đã ban hành danh mục, ranh giới tại các Quyết định số 3421/QĐ-UBND (2021) và 1202/QĐ-UBND (2023). Tuy nhiên, theo Nghị định 65/2025/NĐ-CP, việc điều chỉnh hành lang bảo vệ bờ biển là cần thiết để đồng bộ với Quy hoạch tổng thể thành phố thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050.
Đây là bước đi quan trọng để hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên biển - hải đảo trong bối cảnh thành phố hướng đến phát triển xanh và bền vững.
Phúc Vĩnh