Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính vừa ký Quyết định số 1404/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn – một trong những quần thể kiến trúc Chăm Pa đặc sắc nhất Việt Nam và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

dac-diem-kien-truc-den-thap-champa-cua-viet-nam-5-1751340234.jpg

Theo quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 30.875 ha, thuộc địa giới hành chính nơi phân bố di tích. Phạm vi này bao gồm: khu vực khoanh vùng bảo vệ Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn và các khu vực liên quan như Trà Kiệu, Bằng An, lưu vực sông Thu Bồn, các di chỉ khảo cổ học và phế tích Champa khác trong vùng.

Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ hệ thống các đền tháp, phế tích, dấu tích kiến trúc – khảo cổ học, cảnh quan tự nhiên như núi rừng, khe suối gắn liền với khu di tích Mỹ Sơn. Ngoài ra, các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan như lễ hội, phong tục tập quán, truyền thuyết dân gian cũng là một phần quan trọng trong nội dung nghiên cứu.

Quy hoạch còn tập trung vào công tác quản lý, bảo vệ, đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp; đồng thời đánh giá các yếu tố kinh tế - xã hội, môi trường và hệ thống chính sách liên quan. Vị trí, vai trò của Mỹ Sơn trong mối liên hệ với các di tích, danh thắng lân cận cũng sẽ được làm rõ, hướng đến phát triển chuỗi giá trị văn hóa – du lịch liên vùng.

Việc lập quy hoạch nhằm bảo tồn toàn diện các giá trị nổi bật, chân xác và độc đáo của Khu di tích Mỹ Sơn, đồng thời góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học và không gian văn hóa bản địa. Quy hoạch sẽ kế thừa những mục tiêu và kết quả của Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008 – 2020, đồng thời bổ sung định hướng phát triển mới phù hợp bối cảnh hiện nay.

Khu đền tháp Mỹ Sơn được xác định tiếp tục là điểm đến du lịch văn hóa – sinh thái đặc sắc, có tầm vóc quốc gia và quốc tế. Việc phát huy giá trị di tích không chỉ phục vụ hoạt động nghiên cứu, giáo dục và du lịch mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản và nâng cao đời sống cộng đồng.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch lần này là xác định chính xác ranh giới khoanh vùng bảo vệ Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, quy hoạch và triển khai các dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong tương lai.

Bên cạnh đó, quy hoạch sẽ xác định các khu chức năng, tổ chức không gian kiến trúc – cảnh quan, đề xuất giải pháp đầu tư hạ tầng kỹ thuật phù hợp với từng giai đoạn bảo tồn và phát triển di tích. Các yếu tố cảnh quan tự nhiên, không gian linh thiêng, giá trị thẩm mỹ và tính nguyên gốc của di tích sẽ được đặc biệt chú trọng trong quá trình tổ chức không gian.

Nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch bao gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng khu di tích và vùng ảnh hưởng; Đánh giá các yếu tố kinh tế - xã hội, môi trường tự nhiên có liên quan; Xác định đặc trưng, giá trị tiêu biểu và yếu tố nổi bật của di tích; Đề xuất phạm vi nghiên cứu, phạm vi quy hoạch và các định hướng lớn; Đề xuất giải pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; Định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới; Xác định danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư để thực hiện quy hoạch.

Việc lập và triển khai quy hoạch sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ gìn một báu vật của nền văn minh Chăm Pa, đồng thời khẳng định cam kết của Việt Nam trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhân loại.

P.V

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/phe-duyet-nhiem-vu-lap-quy-hoach-bao-ton-di-tich-quoc-gia-dac-biet-khu-den-thap-my-son-a30153.html