Sân khấu đang buồn nhiều hơn vui

NSND Lê Tiến Thọ cho rằng sân khấu phải có những tác phẩm chuyển tải được tiếng nói của nhân dân thì mới mong khán giả đến với mình

Phóng viên: Thưa ông, Ngày Sân khấu Việt Nam năm nay (24-9) diễn ra khá lặng lẽ, trên cương vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hẳn ông cũng có những tâm sự của riêng mình?

- NSND Lê Tiến Thọ:


Một năm qua, chúng tôi đã trải qua nhiều niềm vui, nỗi buồn. Vui vì 2 liên hoan sân khấu lớn được tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị, trong đó có các đoàn xã hội hóa. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận. Thêm vào đó, việc phong danh hiệu nghệ sĩ tuy còn nhiều tranh luận nhưng đã tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ có danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Đó là một niềm vui. Rồi các liên hoan sân khấu cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhiều tác giả trẻ với những tác phẩm khá nổi bật như đạo diễn Anh Tú, đạo diễn Quỳnh Mai, tác giả Trịnh Kim Khôi... Nhiều diễn viên trẻ cũng khẳng định với những giải vàng, bạc. Chế độ nhuận bút thay đổi cũng giúp các nghệ sĩ cải thiện phần nào đời sống của mình.


Cảnh trong vở “Ai là thủ phạm” của tác giả Lưu Quang Vũ, Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng luôn được khán giả đón nhận Ảnh: Trung Phạm

Nhưng sân khấu cũng còn những nỗi băn khoăn, đó là đầu tư cho tác phẩm còn nhiều hạn chế. Nghị định của Chính phủ về chế độ nhuận bút dường như mới chỉ hỗ trợ được các nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật công lập ở thành phố lớn; còn các đơn vị xã hội hóa, đơn vị nghệ thuật ở địa phương vẫn rất khó khăn. Kinh phí hạn hẹp nên chi phí cho quảng bá tác phẩm không có, sân khấu không thể chen chân để cạnh tranh với các loại hình giải trí khác.

Những vấn đề như nỗi lo đội ngũ vẫn là muôn thuở; các tác giả, đạo diễn trẻ ngày càng ít. Ngoài ra, nỗi lo cơ sở vật chất của các đơn vị cũng là điều làm chúng tôi đau đầu. Nhiều nơi cứ thích là xây nhà hát mà không biết có sử dụng được không. Trong khi đó, đề án nâng cấp và xây các nhà hát của Chính phủ từ nay đến năm 2020 vẫn nằm trên giấy.

Không chỉ sân khấu phía Bắc ít đỏ đèn mà cả sân khấu phía Nam, vốn rất sôi động, cũng rơi vào tình trạng suy thoái. Chính Hồng Vân cũng phải nói không lạc quan về chặng đường tiếp theo sau lễ kỷ niệm 15 năm của sân khấu do mình làm chủ. Sân khấu đang rơi vào bế tắc?

- Điều này không phải bây giờ mới xuất hiện mà là bệnh từ xưa đến nay. Cơ chế hiện nay đòi hỏi phải có sự cạnh tranh, chất lượng cao nhưng chúng ta lại chưa có đầu tư. Đội ngũ như tôi nói, hiện đang thiếu hụt, không có những vở tạo tiếng vang. Những chiêu trò cũ để giải trí thì khán giả cũng chán rồi, nó đã cũ ngay lúc ra đời. Nhiều người buồn là vì thế. Nỗi buồn ấy là tất nhiên, không thể khác được.

Để đầu tư mới thì phải có nhiều việc cần làm. Thứ nhất là đội ngũ, phải sáng tạo ra nhiều vở diễn có chất lượng, tiếp cận được với khán giả. Thứ hai là phải có được sự đầu tư về kỹ thuật. Rạp của chúng ta nhiều khi không phải là rạp hát vì đi thuê địa điểm. Nếu có được sự đột phá thì sân khấu mới hấp dẫn, chứ cái gì cũng nghiệp dư thì làm sao có thể cạnh tranh được trong thời đại bùng nổ thông tin. Ước lệ, cách điệu cũng có hiệu quả của nó nhưng cứ cách điệu mãi thì không được, phải đầu tư cho kỹ thuật. Âm thanh, ánh sáng phải hào nhoáng và biến hóa chứ không thể cứ như cách đây mấy chục năm.

Không ít nhận định cho rằng sân khấu đi xuống một phần vì sự lấn át của truyền hình và các loại hình giải trí khác nhưng quan trọng hơn là sự thiếu hụt nghệ sĩ vì họ bận chạy sô cho truyền hình. Ông có nghĩ nghệ sĩ là yếu tố quyết định sự phát triển hay không của sân khấu hiện nay?

- Ở sân khấu, diễn viên là trung tâm và không có họ thì đúng là sân khấu không còn hấp dẫn. Nhưng cũng khó có thể trách họ đã không hết lòng với “thánh đường” của mình bởi họ không thể đủ sống nhờ “thánh đường”ấy. Một đêm diễn thù lao của họ là 200.000-500.000 đồng nhưng không phải đêm nào cũng được mức thù lao ấy, đặc biệt là ở các sân khấu xã hội hóa.

Còn chạy sô họ mới có thù lao vài triệu đồng. Những điều ấy làm cho sân khấu đích thực nhạt đi vì không nuôi được nghệ sĩ.

Có một thực tế là những đêm kịch của Lưu Quang Vũ luôn nhận được sự đón nhận của người xem. Ông suy nghĩ thế nào về điều này?

- Những gì thuộc giá trị nhân văn luôn được công chúng đón nhận. Khán giả luôn mong muốn các tác giả nói được điều mà Lưu Quang Vũ đã nói, nói được những tâm tư của họ, những điều không bao giờ mất đi tính thời sự.

Khi chúng tôi tổ chức liên hoan sân khấu Lưu Quang Vũ, mục đích ban đầu là tôn vinh anh nhưng không ngờ khán giả yêu thích Lưu Quang Vũ đến như thế. Những vở như “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Lời thề thứ 9”, “Mùa hạ cuối cùng”... đến giờ vẫn diễn và vẫn bán hết vé.

Phải chăng khán giả không quay lưng với sân khấu mà là sân khấu chưa đủ sức hấp dẫn để lôi cuốn người xem?

- Qua liên hoan kịch của tác giả Lưu Quang Vũ có thể thấy khán giả không hề quay lưng với sân khấu mà là sân khấu chưa có những tác phẩm đủ hấp dẫn để lôi cuốn khán giả. Tôi luôn nghĩ nghệ sĩ có tài năng và tâm huyết thì sẽ tạo nên những tác phẩm giá trị.

Chúng ta không có đầu tư cho những tác phẩm xứng đáng, đúng tầm. Cứ đưa ra những tác phẩm quá chán, làm cho khán giả ngán ngẩm vì “xem kịch như ăn phở mậu dịch”.

Vấn đề là phải siết lại đội ngũ, có đầu tư để ra đời những tác phẩm chất lượng, nói được tiếng nói của nhân dân thì mới mong khán giả đến với mình.


Niềm tin vào sự chuyển biến

“Tôi là người lạc quan, luôn luôn hướng tới sự chuyển biến của sân khấu. Đội ngũ của chúng tôi vẫn rất yêu nghề, tâm huyết, trách nhiệm. Nhìn từ Liên hoan Sân khấu tuồng Tống Phước Phổ đang diễn ra thì thấy rất nhiều đoàn nghệ thuật tham gia, thậm chí họ bỏ tiền túi để đến với liên hoan. Cứ tưởng ở những vùng nông thôn hẻo lánh không ai thích sân khấu truyền thống nhưng thực ra, nó bén rễ rất sâu đậm trong lòng công chúng” - NSND Lê Tiến Thọ nói.

Theo Hoàng Lan Anh (Người Lao Động)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/san-khau-dang-buon-nhieu-hon-vui-a3003.html