Trong từng giai đoạn VHNT đã đồng hành sâu sắc, cổ vũ, động viên mạnh mẽ các tầng lớp Nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong tình hình mới. Đây là nhận định, đánh giá của các đại biểu nêu tại tọa đàm “50 năm VHNT TPHCM - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai” do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM tổ chức vào chiều 16/4.
Phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Nguyễn Thị Thanh Thúy, TPHCM là một trong những trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nơi hội tụ của sự đa dạng và đặc sắc của các nền văn hóa dân tộc, của sự giao thoa tinh hoa văn hóa thế giới. Tuy còn những khó khăn nhất định nhưng Thành phố cũng tập trung ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình, thiết chế văn hóa; là địa phương sáng tạo và đi đầu trong cả nước về việc hình thành các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thiết chế văn hóa bằng phương thức xã hội hóa, phát triển các lĩnh vực mới như dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa; góp phần xây dựng môi trường văn hóa đô thị lành mạnh, văn minh.
TPHCM có vai trò, trách nhiệm lớn trong việc góp phần phát triển VHNT nước nhà. Với định hướng phát triển TPHCM - đô thị toàn cầu, trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ hiện đại thì việc giữ gìn và tiếp tục phát triển VHNT trong thời gian tới cần có những tư duy và cách thức tiếp cận mới; phát triển văn học nghệ thuật trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số là một trong những xu hướng hàng đầu, cần tập trung nghiên cứu, vận hành.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tiễn; cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng; ban hành các chính sách phù hợp với điều kiện và thực tiễn của địa phương; tập trung công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa của địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác tham mưu, đề xuất các chính sách bồi dưỡng, thu hút nhân tài và chăm lo đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo điều kiện để phát huy vai trò, trách nhiệm đem tài năng, sức sáng tạo, gắn bó và cống hiến lâu dài vào sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương.
Quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ hoạt động phát triển văn học nghệ thuật. Trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn tất và đưa vào sử dụng các dự án, công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như: Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch; Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ.
Đối với lĩnh vực nhiếp ảnh, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thành phố Đoàn Hoài Trung cho rằng, Công nghiệp văn hóa đang là xu thế mới bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh - triển lãm, quảng cáo và du lịch văn hóa. Chính vì thế, ngành nhiếp ảnh cần nhanh chóng thích nghi theo yêu cầu, nhiếp ảnh không chỉ là nghệ thuật thuần túy mà đi đôi với nó là yếu tố kinh tế đi kèm, nhiếp ảnh vừa phát triển về chất và lượng vừa đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và tiêu dùng nhiếp ảnh của người dân trong nước và xuất khẩu, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TPHCM cho rằng, bảo tồn và phát huy các loại hình văn học nghệ thuật truyền thống tại TPHCM là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần xây dựng đời sống tinh thần phong phú cho cộng đồng trong bối cảnh hiện đại.
Trước thực tế đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng, đẩy mạnh chính sách hỗ trợ nghệ nhân, ứng dụng công nghệ số, tạo không gian biểu diễn và kết nối với hệ thống giáo dục - du lịch là những hướng đi quan trọng để đưa văn hóa nghệ thuật truyền thông đến gần hơn với công chúng và thế hệ trẻ. Đặc biệt, nghệ nhân nhân gian giữ vai trò trung tâm trong việc gìn giữ, thực hành và truyền dạy di sản, nhưng họ đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, môi trường hoạt động và sự công nhận từ xã hội. Vì vậy, để nghệ thuật truyền thống tiếp tục phát triển, cần có sự chung tay của chính quyền, giới nghiên cứu, nghệ nhân, doanh nghiệp và cộng đồng. Chỉ khi có một hệ sinh thái hỗ trợ bền vững, văn học nghệ thuật truyền thông mới có thể vừa giữ được giá trị nguyên bản, vừa đáp ứng nhu cầu thời đại, từ đó trở thành một phần sống động của đời sống văn hóa TPHCM. Nếu làm tốt, không chỉ bảo tồn được di sản quý báu, mà còn tạo ra động lực mới để nghệ thuật truyền thống hội nhập, phát triển và lan tỏa đến thế hệ mai sau.
Tạo điều kiện để các hoạt động VHNT TP ngày càng phát triển đạt hiệu quả thực chất và có chiều sâu
Kết luận tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, 50 năm qua, các hoạt động VHNT của TPHCM đã luôn giữ gìn, phát huy truyền thống, tiên phong đi đầu trong quá trình hội nhập, sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo việc giữ gìn bản sắc dân tộc, hình thành nét đặc trưng của văn hóa, VHNT Thành phố và tạo ra những thành tựu nhất định. Lãnh đạo Thành phố trong từng thời kỳ đều dành sự quan tâm đặc biệt cho VHNT. các hoạt động VHNT mang đặc trưng rất riêng của TPHCM - Thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu.
Qua thực tiễn, ý kiến tham luận và phát biểu tại tọa đàm cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác xây dựng và phát triển VHNT TPHCM vẫn còn một số hạn chế, khó khăn: nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò tầm quan trọng của văn hóa tiếp tục được khẳng định, tuy nhiên, có lúc, việc xây dựng, phát triển văn hóa, VHNT chưa được tập trung đúng mức. Các tác phẩm VHNT ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm VHNT lớn, tầm cỡ và giá trị…
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cả hệ thống chính trị đang thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy và xây dựng chính quyền 2 cấp, Đảng bộ, chính quyền thành phố đang quyết tâm thực hiện không gì ngoài mục đích vì quyền lợi và hạnh phúc của Nhân dân, do vậy, rất mong sự chung tay, góp sức, đồng hành của đội ngũ văn nghệ sĩ, làm cho người dân hiểu, đồng thuận và ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước và Thành phố.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP Nguyễn Mạnh Cường đánh giá, các tham luận và ý kiến của các đại biểu trong tọa đàm rất sâu sắc, có trách nhiệm, tâm huyết với vấn đề xây dựng, phát triển VHNT. Ban Tổ chức tọa đàm, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy và các cơ quan Thành phố trân trọng tiếp thu các ý kiến đề xuất, phản ánh, đóng góp của đại biểu và mong tiếp tục được lắng nghe các chia sẻ, hiến kế, đề xuất của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia văn hóa, văn nghệ sĩ, các địa phương, đơn vị để tham mưu Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp có những định hướng kịp thời đối với hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhằm tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện để các hoạt động VHNT Thành phố ngày càng phát triển đạt hiệu quả thực chất và có chiều sâu.
Theo hcmcpv.org.vn