Ngàn năm văn hoá Thanh Điền

Viết ngàn năm là vẫn còn chưa đủ, vì di tích quốc gia khảo cổ học gò Cổ Lâm, trên địa bàn ấp Thanh Đông, đã được các nhà khảo cổ xác định có từ khoảng thế kỷ thứ VIII, nghĩa là đã có hơn 1.200 năm tuổi tác. Như vậy thì các tháp gạch gò Cổ Lâm có trước cả những đền đài nổi tiếng Campuchia như Angkor Thom, Angkor Wat. Đây là thời kỳ hậu Óc Eo hoặc tiền Angkor như các nhà nghiên cứu thường dùng.



Sen Thanh Điền.

Thấy cái tựa đề này, chắc có người sẽ phê phán ngay: Lại khoa trương! Nhưng người viết xin khẳng định ngay: Viết ngàn năm là vẫn còn chưa đủ, vì di tích quốc gia khảo cổ học gò Cổ Lâm, trên địa bàn ấp Thanh Đông, đã được các nhà khảo cổ xác định có từ khoảng thế kỷ thứ VIII, nghĩa là đã có hơn 1.200 năm tuổi tác.

Như vậy thì các tháp gạch gò Cổ Lâm có trước cả những đền đài nổi tiếng Campuchia như Angkor Thom, Angkor Wat. Đây là thời kỳ hậu Óc Eo hoặc tiền Angkor như các nhà nghiên cứu thường dùng. Nhiều nhà khảo cổ đã tới đây, từ thời Pháp thuộc.

Năm 1990, cũng đã có đoàn cán bộ của Viện KHXH TP Hồ Chí Minh cùng các chuyên gia Liên Xô tới, tiến hành khai quật nghiên cứu suốt một tháng rưỡi. Kết quả đã tìm ra quần thể 6 chân móng tháp gạch cổ cùng nhiều hiện vật là đồ thờ cúng thuộc tín ngưỡng Bà la môn.

Đấy là các ngẫu tượng lin-ga, yoni, các phần thân tượng, đế tượng, đầu tượng và chày… bằng đá. Nhưng ngay từ năm 1909, một nhà khảo cổ người Pháp là Henri Parmentier đã tới đây cũng và phát hiện những điều tương tự. Dĩ nhiên, điều phát hiện thú vị nhất như ông tự đánh giá đã không còn.

Nguyên văn những dòng khảo tả của H.Parmentier như sau: “Pho tượng cuối cùng thực sự là thú vị: đó là tượng một người đàn ông hiện còn cao 49cm. Tượng được bảo tồn nguyên vẹn phía trái, còn chân đã được làm lại bởi những người bản xứ; phía bên phải và đầu đã được gắn lại, một cái bệ và cột chống đã được gắn lại, một cái bệ và cột chống đã được thêm vào sau.

Trang trí của pho tượng không Việt, không Chăm ngược lại với những hy vọng của chúng tôi. Tượng đứng, tay trái đưa về trước ngực, tay phải gấp ở khuỷu bàn tay nắm khum lại trống một khoảng ở giữa, vật biểu trưng không cố định cắm ở đó đã bị mất…”.

Cái bàn tay nắm khum, trống khoảng ở giữa, đơn giản chỉ là cái lỗ giống như trên bàn tay nắm của các tượng ông Địa dân gian Nam bộ hiện nay, mà các chủ nhà thường cắm ở đấy một điếu thuốc lá. Vậy mà trên bản vẽ ghi đặc tả lại, có vẻ rất có “tay nghề” của H. Parmentier đã được ông cho cầm một đoá hoa sen.

Thật là một tình cờ thú vị. Điều này chứng tỏ cây sen đã mọc tràn lan trên ao bàu ở Thanh Điền từ cả trăm năm trước. Và chính người Thanh Điền, hơn ai hết đã nhận ra điều ấy để ngày nay xây cho mình một công trình văn hoá hình hoa sen như đã tả trong bài “Ngang qua Thanh Điền”.

Ngoài sen ra, cây chủ lực đất Thanh Điền vẫn lúa. Trên tấm bản đồ Hiện trạng sử dụng đất năm 2010 treo ở trụ sở UBND xã còn có biểu đồ tròn thể hiện: Diện tích tự nhiên của xã là 2.536 ha, thì đất lúa lên tới 1.937,35 ha, chiếm 81,92% đất toàn xã.

Dĩ nhiên bây giờ ta còn thấy hiện diện cả cao su, tràm và keo tai tượng cùng nhiều loài cây khác, nhưng có lẽ lúa vẫn là chủ lực. Chẳng biết vô tình hay có dụng ý mà tấm bản đồ ấy lại chỉ tô có hai màu: màu vàng lúa chín cho những diện tích đất trồng lúa gần như phủ khắp phân nửa phía Nam gồm các ấp Thanh Hoà, Thanh Đông và Thanh Trung.

Rồi lại còn điểm trang từng mảng loang loang ở khắp phần phía Bắc gồm các ấp Thanh Phước, Thanh Sơn và Thanh Thuận. Phần đất phi nông nghiệp còn lại được tô hồng màu cánh sen. Trên thực địa cũng là vậy thôi, nếu ta có dịp đi trên lộ 786 xuyên suốt chiều dài xã hướng Bắc- Nam. Đến đây, có thể đã sung sướng thốt lên: - Ôi Thanh Điền, quê hương của lúa và sen!

Phải trở lại cái tuyến dọc này của Thanh Điền thôi, khi các nhà quy hoạch thể hiện có vẻ nhấn mạnh hai tuyến ngang- tuyến kinh tế hành chính, xã hội và tuyến công nghiệp của Thanh Điền trong thời hiện đại. Trong khi chính cái tuyến dọc dài hơn 8km, bắt đầu từ ngã tư Quốc Tế (gần bến xe Tây Ninh) kéo đến cầu Gò Chai bắc qua sông Vàm Cỏ Đông. Đây mới chính là tuyến văn hoá ngàn năm của đất Thanh Điền.

Di tích gò Cổ Lâm chỉ là một trong 11 địa điểm đã khai quật được các di chỉ của nền văn hoá hậu Óc Eo 1.200 năm trước. Đấy là chưa kể tới các địa điểm ven rạch Tây Ninh nhưng nay đã thuộc về phường 1, TP Tây Ninh như khu miếu Bà Xóm Hố (KP 5, phường 1). Nhiều cái hồ (bộ phận cấu thành của mô hình đền tháp Bà la môn) nay đã trở thành ruộng lúa hoặc hồ nuôi cá, như ở địa điểm gò tháp gần đình Thanh Điền thuộc ấp Thanh Đông hoặc khu miếu Bà Chúa xứ vườn dầu Thanh Phước.

Cũng trên tuyến dọc này là các ngôi chùa Hạnh Lâm có từ cuối thế kỷ 19. Miếu Bà vườn dầu xây trên một gò tháp, nơi các nhà khảo cổ và cai trị thời Pháp đã từng “khảo” “năm lần bảy lượt”. Đến Thạnh Đông thì có di tích khảo cổ gò Cổ Lâm và đình Thanh Điền. Qua ấp Thanh Trung, sâu vào bên trong là cổ miếu Gia Gòn và nhà thờ họ Trương- một chi họ khác của dòng họ người anh hùng Trương Định.

Rồi các ngôi miếu thờ họ Lâm, họ Võ…; những dòng họ được coi như “khai cơ mở đất” Thanh Điền. Chỉ nêu bấy nhiêu thôi, chắc chắn chưa đầy đủ nhưng tuyến dọc Thanh Điền này có xứng là một tuyến văn hoá, lịch sử hay không? Đấy là còn chưa kể đến một loạt các chiến công của người Thanh Điền trong suốt các cuộc kháng chiến giữ nước.

Như trận đánh Pháp đầu tiên của lực lượng võ trang cách mạng ngay sau ngày Pháp tái chiếm Tây Ninh tại bàu Cá Trê ngày 11.11.1945. Hoặc ngay tại gò Cổ Lâm cũng là cơ sở hoạt động cách mạng, với chiến công vang dội của C40 Châu Thành và du kích Thanh Điền cuối năm 1963 đánh một tiểu đoàn địch v.v và v.v…

Cuốn sử viết về quê hương mang tên: “Truyền thống đấu tranh cách mạng xã Thanh Điền (1945- 1975)” được in năm 2010. Thật đáng ngạc nhiên là phần sơ sử về sự hình thành làng xã chỉ có một dòng: “Về mặt hành chính, từ năm 1917, Thanh Điền thuộc tổng Hoà Ninh…”.

Thế thì, Thanh Điền đã ở đâu trong quá khứ? Và người đọc cũng dễ bị hiểu lầm rằng Thanh Điền mới có từ năm 1917. Vậy xin chép lại mục Thanh Điền, trong cuốn Từ điển địa danh hành chính Nam bộ của tác giả Nguyễn Đình Tư, Nxb chính trị Quốc gia năm 2008, như sau: “Thanh Điền- thôn thuộc tổng Hoà Ninh, h. Tân Ninh, p. Tây Ninh, tỉnh Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838). Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đến đầu thời Pháp thuộc giải thể nhập vào thôn Long Điền và bị xoá tên.

Ngày 31.10.1877 lập lại gọi là làng, thuộc hạt Tây Ninh do chia làng Long Điền. Ngày 6.3.1891 được sáp nhập làng Long Thành giải thể…”. Theo cuốn sổ việc làng Long Thành, thì đến năm 1908, Long Thành lại được tách ra như trước. Đến năm 2004 thì từ Thanh Điền, lại tách ra lập mới thêm một xã An Bình.

Theo TRẦN VŨ (Tây Ninh Online)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ngan-nam-van-hoa-thanh-dien-a2987.html