Sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và tín ngưỡng dân gian
Lân - Sư - Rồng là các linh vật tượng trưng cho sự bảo hộ, che chở trong cuộc sống. Xuất phát từ truyền thuyết người Hoa, nghệ thuật này được biểu diễn trong các lễ hội như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Trung thu, hay các sự kiện khai trương, động thổ… với mong muốn cầu may mắn, thịnh vượng.
Các điệu múa Lân Sư Rồng với động tác đẹp mắt, nhịp trống rộn rã và những con Lân - Sư - Rồng rực rỡ thu hút sự chú ý của mọi người, tạo nên không khí vui tươi, rộn ràng. Múa Lân Sư Rồng không chỉ mang lại may mắn mà còn thỏa mãn nhu cầu giải trí, văn hóa của cộng đồng.
Đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng phát triển, nghệ thuật Lân Sư Rồng giờ đây không chỉ được biểu diễn trong các lễ hội, các hội thi, các chương trình biểu diễn nghệ thuật mà còn phục vụ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu, tạo nguồn thu ổn định cho các đoàn nghệ thuật. Việc này thúc đẩy phát triển các ngành nghề thủ công, may mặc, sản xuất đạo cụ, nhạc cụ, góp phần tạo công ăn việc làm và ổn định kinh tế khu vực.
Nghệ thuật trong các bài biểu diễn Lân Sư Rồng vừa mạnh mẽ, uyển chuyển, vừa mạo hiểm, đẹp mắt, thể hiện lòng dũng cảm, sự nhanh nhẹn, khéo léo cũng như tinh thần thượng võ của nghệ nhân biểu diễn Lân Sư Rồng. Múa Lân Sư Rồng không chỉ là nghệ thuật dân gian mà còn là sự tranh tài giữa các đội múa, với từng bài múa phù hợp theo không gian và ý nghĩa của lễ hội. Các đội có thể phối hợp múa Lân với Sư, múa Lân với Rồng hoặc phối hợp cả ba thể loại với nhau.
Múa Lân Sư Rồng có nguồn gốc từ truyền thuyết và tín ngưỡng tâm linh, thể hiện sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và tín ngưỡng dân gian. Nó truyền tải thông điệp về may mắn và sự bảo hộ. Múa Lân Sư Rồng góp phần tạo sự tín nhiệm và gắn kết trong cộng đồng người Hoa tại TPHCM.
Theo kết quả kiểm kê, hiện trên địa bàn TPHCM có 63 đoàn Lân Sư Rồng (tính đến tháng 6/2024) với quy mô lớn nhỏ khác nhau, phân bố khắp các quận, huyện, thành phố. Trong số này, nhiều đoàn có tuổi đời 35 - 50 năm như Hằng Anh Đường, Hồng Thái Đường, Thắng Nghĩa Đường, Thắng Anh Đường, Đoàn Nghĩa Đường, Liên Dũng Đường,... Thậm chí, nhiều đoàn còn có tuổi đời lâu hơn như Nhơn Nghĩa Đường (87 năm), Kim Long Phước Kiến (80 năm), Tinh Anh Đường (70 năm), Hải Nam Liên Hữu (70 năm),... Và đặc biệt, Đoàn Liên Nghĩa Đường có tuổi đời trên 100 năm (thành lập 1923). Điều đó, cho thấy các đoàn Lân Sư Rồng ở TPHCM gắn liền với đời sống của cộng đồng Hoa từ khi họ tới đây định cư và lập nghiệp.
Hiện trạng thực hành di sản này trong cộng đồng khá phổ biến, đặc biệt vào các dịp lễ tết, ngày khai trương, động thổ,… Nhiều đoàn Lân Sư Rồng còn mở rộng quy mô hoạt động và biểu diễn ngoài phạm vi TPHCM, quốc gia, vươn ra quốc tế như Pháp, Na Uy, Mỹ, Đức,…
Nghệ thuật Lân Sư Rồng đã được đưa vào thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, và đến tháng 4/2023 Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam được thành lập. Điều này góp phần tôn vinh và đưa nét đẹp văn hóa dân gian lên một tầm cao mới. Luật thi đấu Lân Sư Rồng hiện nay đa phần áp dụng theo luật thi đấu Lân Sư Rồng quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều người thực hành di sản vẫn còn đau đáu về quan niệm, định kiến biểu diễn Lân Sư Rồng là hình thức “kiếm tiền đường phố”, làm mất đi những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật Lân Sư Rồng đối với cộng đồng, đối với xã hội và văn hóa truyền thống.
Trao truyền nghệ thuật, truyền dạy các giá trị nhân văn
Nghệ thuật Lân Sư Rồng, ban đầu được các võ sư người Việt gốc Hoa ở Sài Gòn luyện tập cho các võ sinh, không chỉ phục vụ cho các hoạt động giao lưu cộng đồng, mà còn dùng để thị uy và chứng tỏ thanh thế của các lò võ. Các đoàn Lân Sư Rồng chuyên nghiệp sau này được thành lập không chỉ để kiếm thu nhập cho các môn sinh mà còn nhằm bảo lưu và truyền lại những giá trị văn hóa truyền thống này cho cộng đồng người Việt gốc Hoa. Các trưởng đoàn Lân Sư Rồng, nhiều người trong số đó là những người cha truyền con nối, đã góp phần làm nổi bật và phổ biến bản sắc văn hóa, đồng thời giúp hình thành nên một sắc thái văn hóa chung trong khu vực có cộng đồng người Việt gốc Hoa sinh sống.
Nghệ thuật Lân Sư Rồng được cộng đồng người Việt gốc Hoa tại TPHCM thực hành và trao truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, nhiều người dân thuộc các dân tộc khác như Kinh, Khmer, Chăm cũng tham gia học và thực hành bộ môn nghệ thuật này. Với sự ra đời của Liên đoàn Lân Sư Rồng TPHCM, phong trào Lân Sư Rồng đã được khôi phục và phát triển mạnh mẽ, lan rộng khắp các huyện, quận và thành phố trong khu vực TPHCM.
Hiện nay, các đoàn Lân Sư Rồng đều chú trọng vào việc trao truyền nghệ thuật cho thế hệ kế cận, không chỉ cho các thành viên trong gia đình mà còn mở rộng cho những người có nhu cầu học tập. Dù gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, dụng cụ biểu diễn, kinh phí hay địa điểm tập luyện, nhiều bạn trẻ vẫn hăng hái tham gia các lớp học, luyện tập sau giờ học tập và lao động để theo đuổi đam mê.
Ngoài ra, một số đoàn Lân Sư Rồng như Hằng Anh Đường, Tinh Anh Đường, Long Nhi Đường, Hào Dũng Đường còn là nơi cưu mang những trẻ em cơ nhỡ hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Tại đây, các em không chỉ học kỹ thuật, kỹ năng biểu diễn mà còn được học chữ và quan trọng hơn là được truyền dạy các giá trị đạo đức và nhân cách sống, giúp các em trưởng thành và hiểu rõ hơn về giá trị của nghệ thuật mà mình đang theo đuổi.
Nghệ thuật Lân Sư Rồng không chỉ là một di sản văn hóa mà còn là kho tư liệu quý giá mang đậm bản sắc dân tộc Hoa, gắn liền với quá trình di cư, định cư và phát triển của cộng đồng người Hoa tại TPHCM. Nghiên cứu về sự lưu truyền, biến đổi và phát triển của nghệ thuật này cho thấy sự hòa hợp, hòa nhập của các dân tộc, đồng thời vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa Hoa, tạo nên sự đa dạng văn hóa trong khu vực.
Ngày nay, với quy mô ngày càng mở rộng, nghệ thuật Lân Sư Rồng đã được xem như một môn thể thao chính thức, tổ chức thi đấu trong và ngoài nước. Điều này không chỉ tạo ra một sân chơi cạnh tranh lành mạnh mà còn nâng cao thể lực cho thế hệ trẻ, góp phần phát triển thể thao cộng đồng. Bên cạnh đó, nghệ thuật Lân Sư Rồng còn mang yếu tố nhân văn sâu sắc. Nhiều đoàn Lân Sư Rồng đã giúp đỡ các trẻ em lang thang, cơ nhỡ, tạo việc làm và hướng nghiệp, hạn chế việc các em rơi vào tệ nạn xã hội, đồng thời góp phần ổn định trật tự xã hội.
Với sự lan rộng của nghệ thuật Lân Sư Rồng, nhiều người đã biết đến và muốn tham gia vào các hoạt động biểu diễn, thưởng lãm hoặc sử dụng các dịch vụ liên quan đến nghệ thuật này. Điều này không chỉ thu hút người dân trong khu vực mà còn kéo theo du khách từ các vùng xa và thậm chí từ nước ngoài đến để hòa mình vào không khí lễ hội sôi động. Các sản phẩm và hình ảnh liên quan đến nghệ thuật Lân Sư Rồng cũng có thể được khai thác để sản xuất và bán làm đồ lưu niệm, vật phẩm tâm linh.
Nghệ thuật Lân Sư Rồng đóng góp vào việc làm phong phú thêm nền văn hóa khu vực, đồng thời giúp quảng bá văn hóa và du lịch tại TPHCM. Việc duy trì và phát triển nghệ thuật này là cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy ngành du lịch, thu hút đầu tư và mang lại nguồn thu cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế khu vực.
Theo hcmcpv.org.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-thuat-lan-su-rong-o-tphcm-net-van-hoa-doc-dao-co-tu-lau-doi-a29768.html