Hội nghị tái khẳng định tầm quan trọng ngày càng lớn của quan hệ đối tác du lịch ASEAN-Ấn Độ trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường kết nối và thúc đẩy giao lưu nhân dân. Hội nghị ghi nhận xu hướng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khi Đông Nam Á tiếp tục là thị trường nguồn quan trọng cho du lịch vào Ấn Độ và Ấn Độ đóng góp số lượng khách du lịch ngày càng tăng đến các quốc gia thành viên ASEAN.
Hội nghị hoan nghênh tuyên bố chọn năm 2025 là Năm Du lịch ASEAN - Ấn Độ, đây là cơ hội để tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi văn hóa, kết nối và hợp tác. Hội nghị đã rà soát tiến độ Hợp tác Du lịch ASEAN - Ấn Độ dựa trên Kế hoạch Công tác Du lịch ASEAN-Ấn Độ 2023-2027 và ghi nhận các lĩnh vực hợp tác chính như: Chia sẻ các kinh nghiệm điển hình trong phát triển du lịch có trách nhiệm và bền vững; Chia sẻ nguồn lực và cơ sở vật chất nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong giáo dục và đào tạo về du lịch để phát triển du lịch chất lượng; Thiết lập và cập nhật các đầu mối liên lạc về khủng hoảng ASEAN-Ấn Độ, cùng danh sách các đầu mối liên quan đến đầu tư và dữ liệu kinh tế; Trao đổi thông tin liên quan đến thống kê, chiến lược phát triển, cơ hội đầu tư và dữ liệu kinh tế.
Hội nghị tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối giữa ASEAN và Ấn Độ, tập trung vào kết nối đường không, đường biển và đường bộ; Du lịch bền vững tiếp tục là trọng tâm ưu tiên. Hội nghị ghi nhận Lộ trình hành động vì Phát triển Du lịch Bền vững ở ASEAN như một khung hướng dẫn để thúc đẩy tính bền vững trong khu vực. Hội nghị cam kết thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi du lịch ở ASEAN và Ấn Độ thông qua việc tận dụng Năm Du lịch ASEAN-Ấn Độ 2025 và tập trung vào các mục tiêu chung, như tính bền vững, kết nối và hợp tác văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh, Ấn Độ là một trong những thị trường khách quan trọng và tiềm năng của khu vực ASEAN, đạt mức tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch Ấn Độ với nhiều loại hình du lịch đa dạng như du lịch MICE, du lịch đám cưới, du lịch văn hóa, golf và mua sắm. Ngược lại, Ấn Độ là điểm đến được nhiều người Việt Nam lựa chọn với mục đích du lịch tâm linh, du lịch chữa bệnh và du lịch cảnh quan.
Thứ trưởng cho biết, các chính sách mới của Việt Nam sau đại dịch, như áp dụng thị thực điện tử với thời hạn lưu trú lên tới 90 ngày, mở rộng kết nối đường bay thẳng và tăng tần suất bay đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam và kết nối với các nước trong khu vực. Năm 2024, Việt Nam đón 501 nghìn lượt khách từ Ấn Độ, tăng 28% so với năm 2023 và tăng gấp 3 lần so với năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Bên cạnh các hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức nhằm xúc tiến thị trường Ấn Độ, các địa phương của Việt Nam cũng rất quan tâm đến thị trường này và tổ chức nhiều lễ hội văn hóa, chiến dịch quảng bá tại các thành phố lớn của Ấn Độ.
Kế hoạch Công tác Du lịch ASEAN - Ấn Độ trong giai đoạn 2023-2027 được triển khai với nhiều hoạt động tập trung vào xúc tiến quảng bá, nâng cao năng lực và kết nối giao thông. Tuy nhiên với nguồn lực có hạn, chúng ta còn thiếu các chiến dịch quảng bá chung với quy mô lớn, chưa khai thác tối đa khả năng kết nối hàng không giữa ASEAN - Ấn Độ và hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ số để hai bên tiếp cận thị trường của nhau.
Để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên, Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị tiếp tục thúc đẩy kết nối giao thông qua cả đường hàng không và đường biển, đồng thời xây dựng sản phẩm đặc thù dành cho thị trường Ấn Độ và triển khai chiến dịch quảng bá mục tiêu vào một số nhóm khách quan trọng của Ấn Độ như khách du lịch MICE, đám cưới, du lịch sức khỏe… Thứ trưởng đề nghị Ban Thư ký ASEAN nên xem xét xây dựng website riêng cho Năm Du lịch ASEAN - Ấn Độ để quảng bá cho các điểm đến trong thời gian tới. Về phía Việt Nam, Thứ trưởng khẳng định sẵn sàng phối hợp với ASEAN và Ấn Độ để thực hiện hiệu quả Năm Du lịch ASEAN - Ấn Độ 2025.
Theo Trung tâm Thông tin, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam