Cùng dự có PGS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo huyện Bình Xuyên, thị trấn Thanh Lãng; đại diện dòng họ Nguyễn Duy cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu trong cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu nhấn mạnh: Vĩnh Phúc là vùng đất giàu truyền thống văn hiến, tinh thần hiếu học. Trong lịch sử gần 800 năm của nền khoa cử Việt Nam, từ triều Lý đến triều Nguyễn, Vĩnh Phúc có 91 vị thi đỗ Tiến sỹ; nhiều làng được mệnh danh làng khoa bảng như Làng Quan Tử (xã Sơn Đông), làng Hoàng Chung (xã Đồng Ích), huyện Lập Thạch; làng Lý Hải (xã Phú Xuân), làng Hợp Lễ, làng Yên Lan (thị trấn Thanh Lãng), huyện Bình Xuyên; làng Văn Trưng (thị trấn Tứ Trưng), huyện Vĩnh Tường; làng Nhật Chiêu, làng Thụ Ích (xã Liên Châu), thôn Đông (thị trấn Yên Lạc), huyện Yên Lạc ngày nay.
Theo dòng lịch sử, dưới thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI - XVII), xã Thanh Lãng thuộc huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây, nay là thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là nơi phát tích của thủy tổ dòng họ Nguyễn Duy có tới 12 vị Tiến sỹ khoa bảng dưới triều Lê; trong đó tiêu biểu có cha, con hai vị Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì (1572-1651) và Nguyễn Duy Hiểu (1602-1639).
Danh nhân Nguyễn Duy Thì là người học rộng, tài cao, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, giúp vương triều phong kiến Lê - Trịnh củng cố, ổn định đất nước. Cuộc đời, sự nghiệp cùng những công lao đóng góp của danh nhân Nguyễn Duy Thì đã được các tư liệu lịch sử ghi chép khá phong phú, tin cậy, giúp chúng ta hiểu sâu sắc, chân thực về con người, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của ông cho dòng họ, cho quê hương, đất nước thế kỷ XVI-XVII.
Khẳng định ý nghĩa và sự cần thiết của hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu đánh giá cao sự tham gia tích cực của các viện nghiên cứu, cơ quan chuyên ngành, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu lịch sử - văn hóa ở Trung ương và địa phương, cùng chính quyền địa phương và dòng họ Nguyễn Duy trong nghiên cứu, khảo sát, điền dã thực tế, thu thập thông tin, tư liệu liên quan để chuẩn bị cho hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến quê hương và nguồn gốc của dòng họ Nguyễn Duy; thời đại lịch sử và sự nghiệp của Thái tể Nguyễn Duy Thì, Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu và đóng góp của dòng họ Nguyễn Duy trong lịch sử dân tộc; công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản dòng họ Nguyễn Duy, đặc biệt là di tích lịch sử văn hóa đền thờ Nguyễn Duy Thì ở thị trấn Thanh Lãng, từ đó đề xuất các phương án bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích, cũng như công tác giáo dục lịch sử truyền thống ở địa phương.
Về danh nhân Nguyễn Duy Thì sinh năm 1572, người phủ Tam Đái xưa, nay thuộc tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng. Năm 27 tuổi, Nguyễn Duy Thì tham gia khoa thi Mậu Tuất (năm Quang Hưng 21 đời vua Lê Thế Tông) và đỗ Hoàng Giáp.
Ông ra làm quan và kinh qua nhiều chức vị quan trọng, rường cột của quốc gia như Lại bộ Tả thị lang kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám; Lễ bộ Tả thị lang; Thượng thư bộ Công; Thượng thư bộ Binh; Thượng thư bộ Lại kiêm Chưởng lục bộ, Tế tửu Quốc Tử giám, Thái phó và tước Tuyền Quận công (1648-1649). Ông cũng từng hai lần được triều đình cử đi sứ sang nhà Minh vào các năm 1606 và 1623.
Suốt hơn 50 năm trên quan trường, Nguyễn Duy Thì luôn được người đời biết đến và nể phục bởi tài năng, đức độ, vị quan thanh liêm gần dân, chăm lo cho dân, cho nước, luôn lấy dân làm gốc của đạo trị nước. Ông cũng để lại nhiều bài học về đạo làm quan cũng như những tư tưởng cải cách văn hóa, giáo dục vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.
Phúc Vĩnh