Vĩnh Phúc: Tổng thu ngân sách năm 2024 ước đạt 31.486,9 tỷ đồng, tăng 3,5% so với dự toán và tăng 4,1% so với năm 2023

Chiều 27/12, UBND tỉnh Vĩnh Phúc họp báo thường kỳ quý IV năm 2024 để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

anh-3-vp-min-1735307519-1735397570.jpg
Ông Phan Thế Huy, Chánh Văn phòng UBND tỉnh phát biểu tại buổi họp báo

Tại buổi họp báo, ông Phạm Quang Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tăng trưởng ở mức khá quý sau cao hơn quý trước. Ước GRDP cả năm tăng 7,52% so với năm 2023, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (6,8-7%), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng từ 7,5-8,5%). Quy mô GRDP của tỉnh theo giá hiện hành ước đạt khoảng 173,14 nghìn tỷ đồng, tăng 15,66 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10% so với năm 2023. Giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt 141,3 triệu đồng/người/năm, tăng 8,7%, tương đương tăng khoảng 11,3 triệu đồng so với năm 2023. Trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 11,43% so với năm 2023, Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh tiếp tục ổn định, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt.

Tổng thu ngân sách năm 2024 ước đạt 31.486,9 tỷ đồng, tăng 3,5% so với dự toán và tăng 4,1% so với năm 2023. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 20.910 tỷ đồng, bằng 97,7% dự toán được giao và giảm 5,6% so với năm 2023.

Mục tiêu phát triển kinh tế của Vĩnh Phúc năm 2025 đó là: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 8 đến 9,0% so với năm 2024. Tổng thu ngân sách phấn đấu đạt 27.026 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 22.026 tỷ đồng. Thu hút đầu tư đạt 600 triệu USD vốn FDI và 3.000 tỷ đồng vốn DDI. Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 0,3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo phấn đấu đạt 82%.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà, các yếu tố tác động của nền kinh tế thế giới và trong nước, từ đó yêu cầu các ngành, các cấp tập trung quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm.

Giữ vững sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó triển khai thực chất, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh.

Chú trọng việc sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực hiệu quả; tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại lâu năm trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công và dự án đầu tư trực tiếp tránh gây thất thoát, lãng phí, phát huy hiệu quả đầu tư, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm… của tỉnh.

Đôn đốc, kiểm tra các cấp, các ngành tổ chức, thực hiện đề án và quyết liệt xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong tất cả các ngành, các lĩnh vực.

Đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhất là sản xuất công nghiệp tạo động lực cho tăng trưởng, thu ngân sách của tỉnh. Tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục cụ thể hóa để tổ chức hiệu quả cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và các nhiệm vụ về phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ, thị trường xuất khẩu, tăng năng lực sản xuất…

anh-4-min-1735307519-1735397613.jpg
Ông Phạm Quang Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2025 trong đó ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ “xanh”, thân thiện với môi trường, ứng dụng nền tảng số, ít phát sinh khí thải nhà kính, có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; các ngành công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp công nghệ số; công nghiệp sản xuất vật liệu mới… Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Triển khai sửa chữa, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; Thực hiện tốt công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Đổi mới nội dung, hình thức, công tác tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi, phấn đấu nâng cao thành tích thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi Olympic khu vực và quốc tế.

Nâng cao toàn diện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến; phát triển kỹ thuật chuyên môn, đảm bảo cho người dân được tiếp cận đầy đủ, thuận lợi các dịch vụ khám chữa bệnh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến Trung ương.

Thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện tốt việc phối hợp, nắm bắt tình hình kịp thời và chỉ đạo, hướng dẫn xử lý sớm những vấn đề phát sinh liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, đạo lạ từ cơ sở.

Triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nhằm tháo gỡ “nút thắt” để đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho triển khai các công trình, dự án. Giải quyết kịp thời các thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất; tiếp tục tạo quỹ đất sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư; bàn giao quỹ đất dôi dư sau thực hiện các dự án.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết hiệu quả các khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; Tuyển chọn, phê duyệt các nhiệm vụ khoa học có tính ứng dụng cao, xuất phát từ thực tiễn. Tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư, chuyển giao, mua bán công nghệ.

Thúc đẩy phát triển hoạt động ứng dụng và đổi mới sáng tạo; nghiên cứu các giải pháp để phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi.

Sau khi nghe các cơ quan báo chí góp ý về các vấn đề liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ông Phan Thế Huy, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cảm ơn sự đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024. Đồng thời mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác thông tin tuyên truyền trong thời gian tới.

Trần Thắng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-tong-thu-ngan-sach-nam-2024-uoc-dat-314869-ty-dong-tang-35-so-voi-du-toan-va-tang-41-so-voi-nam-2023-a29666.html