BIDV triển khai dịch vụ xác thực khách hàng điện tử qua VNeID trên SmartBanking

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Trung tâm RAR, Bộ Công an) vừa ký kết hợp đồng triển khai dịch vụ xác thực khách hàng điện tử thông qua VNeID trên ứng dụng BIDV SmartBanking.

d1-1734842350.jpg
Đại diện Trung tâm RAR và BIDV ký kết hợp tác

Sự kiện có sự tham dự của thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương - Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), thiếu tá Nguyễn Thành Vĩnh - Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư; thiếu tá Trần Duy Hiển - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Trung tâm RAR), ông Nguyễn Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước.

Về phía BIDV có sự tham dự của ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc; ông Phan Thanh Hải - Phó tổng Giám đốc; bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó tổng Giám đốc và đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị trụ sở chính.

Trong bối cảnh các quy định mới tại Luật Căn cước năm 2023, Thông tư 17/TT-NHNN và Thông tư 18/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 tác động trực tiếp tới các giao dịch chuyển/rút tiền, thanh toán trên tài khoản, thẻ đối với các khách hàng chưa cập nhật sinh trắc và giấy tờ tùy thân, BIDV đã chủ động triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp đa kênh từ phát triển sản phẩm, tối ưu quy trình thực hiện và truyền thông liên tục rộng rãi tới khách hàng nắm bắt các quy định mới cũng như lợi ích của việc thu thập sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân trong thực hiện giao dịch tại ngân hàng.

Với việc hợp tác triển khai dịch vụ xác thực khách hàng điện tử thông qua kết nối dữ liệu “app - to - app” giữa SmartBanking và VNeID, khách hàng của BIDV là công dân đã định danh cấp độ 2 trên ứng dụng VNeID có thêm một kênh thu thập xác thực sinh trắc học và giấy tờ tùy thân thông qua kết nối với ứng dụng VNeID, bên cạnh hình thức quét căn cước công dân gắn chip trên điện thoại có hỗ trợ công nghệ kết nối không dây tầm ngắn (Near-Field Communications-NFC) như hiện tại.

Điểm ưu việt của tính năng mới này là khách hàng có thể tự thực hiện thu thập dữ liệu sinh trắc học bằng cách đồng ý kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư từ VNeID sang BIDV SmartBanking mà không phụ thuộc vào thiết bị hỗ trợ đọc chip bằng NFC, không cần phải tới ngân hàng, mang lại trải nghiệm thuận tiện, dễ dàng nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật cao nhất.

d2-1734842399.jpg
Tổng Giám đốc Lê Ngọc Lâm phát biểu khai mạc

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc BIDV chia sẻ tại sự kiện: “BIDV xác định chuyển đổi số là một trong 3 trụ cột chiến lược phát triển đến năm 2030, với mục tiêu trở thành ngân hàng có nền tảng số hàng đầu Việt Nam. Việc hợp tác với Trung tâm RAR là bước đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này, đồng thời hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới để BIDV tiếp tục ứng dụng dữ liệu định danh điện tử nhằm số hóa và đa dạng các sản phẩm của ngân hàng trong thời gian tới mang đến cho khách hàng những trải nghiệm giao dịch an toàn bảo mật, đơn giản và thuận tiện hơn”.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) chúc mừng sự hợp tác thành công giữa BIDV và Trung tâm RAR trong việc triển khai tính năng xác thực khách hàng điện tử qua VNeID nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn cấp bách trong việc thu thập sinh trắc học nền khách hàng theo các quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước. Ông Tuấn cũng đánh giá cao sự chủ động và tiên phong của BIDV trong nhiều năm qua với việc phát triển và làm chủ nhiều hệ thống công nghệ do chính đội ngũ BIDV xây dựng và phát triển, tin tưởng rằng với tinh thần tiên phong và không ngừng sáng tạo, BIDV sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong giai đoạn sắp tới.

d3-1734842442.jpg
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) phát biểu

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương - Cục trưởng C06, chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao sự quyết tâm và tiên phong của BIDV trên hành trình thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng trong những năm gần đây. Sự kiện lễ ký kết hôm nay, tiếp tục khẳng định sự phối hợp chặt chẽ giữa BIDV và Bộ Công an với những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của chính phủ số, là minh chứng sống động cho mục tiêu đưa dữ liệu dân cư vào cuộc sống, là một bước tiến lớn, không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia”.

d4-1734842476.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương – Cục trưởng C06 phát biểu

Trước đó, trong giai đoạn từ 2021 đến nay, BIDV đã hợp tác với các đơn vị thuộc Bộ Công an triển khai nhiều dự án quan trọng như: Thí điểm ứng dụng CCCD gắn chip tại hệ thống giao dịch tự động eZone và CRM; ứng dụng dữ liệu CCCD gắn chip để mở tài khoản và thu thập sinh trắc học khách hàng; liên kết tài khoản ngân hàng với VNeID để nhận tiền an sinh xã hội; phối hợp triển khai các chương trình cứu trợ và thiện nguyện trên nền tảng VNeID, ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá chấm điểm khả tín và cấp tín dụng cho khách hàng vùng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Sự kiện hợp tác lần này tiếp tục đánh dấu cột mốc hợp tác chiến lược giữa BIDV và Trung tâm RAR, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của BIDV trong việc không ngừng nỗ lực đưa những giải pháp công nghệ mới nhất vào cuộc sống nhằm mang lại những giá trị lớn hơn cho khách hàng.

Thông tin quan trọng về cập nhật sinh trắc học và giấy tờ tùy thân

Theo quy định tại Luật căn cước 2023, Thông tư 17/TT-NHNN và Thông tư 18/TT-NHHH, từ ngày 1.1.2025 các khách hàng chưa cập nhật thông tin sinh trắc học sẽ bị tạm dừng các giao dịch trực tuyến trên BIDV SmartBanking và các giao dịch online từ thẻ. Khách hàng chưa cập nhật giấy tờ tùy thân thay thế cho giấy tờ tùy thân hết hiệu lực sẽ bị tạm dừng giao dịch trên tất cả các kênh.

Để tránh gián đoạn giao dịch, BIDV khuyến cáo khách hàng thực hiện cập nhật sinh trắc học và giấy tờ tùy thân trên ứng dụng BIDV SmartBanking theo hướng dẫn tại đây hoặc tại các chi nhánh BIDV trên toàn quốc. Chi tiết liên hệ Tổng đài CSKH 24/7: 1900 9247 để được hỗ trợ.

P.V

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bidv-trien-khai-dich-vu-xac-thuc-khach-hang-dien-tu-qua-vneid-tren-smartbanking-a29631.html