Cố NS Ba Út - Mẹ NSƯT Ngọc Khánh: "Gánh con đi cả cuộc đời"

Cuối hạ, cuối mùa sen. Những búp sen trên đầm cũng thi nhau rướn mình lên cao giỡn đùa đón nắng, rồi khẽ dịu dàng bung từng cánh hoa màu hồng làm say đắm lòng người. Cuối hạ, mùa Vu Lan lại về.

Cũng là lúc mỗi người con còn có mẹ lại thắm đỏ màu hoa hồng trên ngực áo.Còn với NSƯT Ngọc Khanh, chị thường có thói quen ra chợ thật sớm để mua cho bằng được những đóa sen tươi thơm ngát dâng lên bàn thờ của mẹ - Cố NS Ba Út. Hương sen ngào ngạt quyện với khói hương trầm như sợi dây vô hình kết nối tình thương của mẹ và con đến gần nhau hơn sau những tháng ngày vắng bóng của mẹ hiền...
 
 
(Từ trái qua) Các nghệ tí: Ba Út, Phùng Hà, Cao Long Ngà, Văn Ngân, Hữu Phước
 
Tôi và chị ngồi nhìn nhau, nhưng khoảng cách của hai chị em dường như xa lắm vì cả hai đều rơi vào thế giới của riêng mình. Viết về chị hay viết cho chính mình..., vì chị em chúng tôi đều không còn có mẹ.
 
Với NSƯT Ngọc Khanh, mẹ của chị - cố NS Ba Út - còn là một người thầy. Một người thầy đã cùng chị vượt qua rất nhiều những khó khăn để sống trọn với nghề. Giờ dù bà đã đi xa nhưng những bài học về nghề, về đạo đức và tấm gương, nhân cách của  bà sẽ không bao giờ phôi pha trong tâm hồn của chị.
 
Cố nghệ sĩ Ba Út là một trong những cội đa cội đề của sân khấu hát bội những năm 1945. Thưở đó, sân khấu đã vang danh những tài năng trác tuyệt như các ông bà NSND Phùng Há, NSND Thành Tôn, NS Huỳnh Mai, NS Ba Đắc, NS Minh Tơ, NS Chín Luông, NS Năm Đồ, NS Hai Nhỏ... Thời mà các nghệ sĩ đó được xem là thầy của những bậc thầy. 
 
Theo lời kể của NSƯT Ngọc Khanh, thì ngày xưa gia đình ông ngoại của chị làm thợ bạc nên giàu có lắm. Gặp thời buổi loạn ly, gia đình của ông ngoại làm ăn sa sút phải gói ghém dắt díu nhau đến tận Nam Vang làm đủ nghề để sinh nhai. Lúc đó mẹ chị (NS Ba Út) chỉ khoảng tầm tám hay chín tuổi gì đó, hàng ngày cứ lẽo đẽo theo sau đôi gánh bán trầu cau của mẹ. Một thời gian sau gia đình lại về Việt Nam, cuộc sống khốn khó nên cũng dong ruổi khắp các tỉnh miền Tây.
 
Vào một ngày kia, có gánh hát của bà Ba Hộ tấp vào bến sông dựng sân khấu diễn tuồng. Bến sông quê thường ngày vắng lặng trở nên náo nhiệt, người lớn thì ngày lo cày cấy, bán buôn chờ đến đêm được xem hát, còn con nít thì mừng chạy nhảy vui ra mặt. Bà Ba Út lúc đó chỉ tầm mười một mười hai tuổi cũng vậy, hễ rãnh rỗi là leo lên ghe hát xem các cô các chú vẽ mặt, làm tuồng. Bữa nọ, vì mê nghề hát quá nên bà xuống ghe trốn theo gánh hát. Đến khi ghe đã xuôi con nước cách bến sông nhà đã mấy chục cánh chim bay thì bà mới nhớ mẹ và khóc. Bà đâu biết rằng mẹ của mình chạy theo bờ sông tìm con kêu í ới. Lúc đó, phần vì thích được đi hát nên bà Ba Út cũng cố nén khóc rày đây mai đó, quen với cuộc sống ăn chợ ngủ đình. Bà Ba Út được các nghệ sĩ lớn trong gánh dạy nghề cộng với yếu tố thiên bẩm sau này trở thành cô đào trứ danh của nghệ thuật hát bội. Có giai đoạn, dù mới sinh con xong bà phải ra ngồi ngoài phòng vé để khán giả biết có bà hát để đến mua.
 
NSƯT Ngọc Khanh kể rằng ngày xưa, từ lúc còn nhỏ xíu chị đã được mẹ bồng theo gánh hát. Tuổi thơ của chị hầu như gắn liền trên ghe hát sòng sành theo con nước đầy vơi. Dù là con của một cô đào thuộc hàng bậc nhất, cuộc sống có thể nói là thuộc hàng danh giá giàu sang nhưng tuyệt đối bà không cho chị theo nghề bởi lẽ bà đã quá thấu hiểu những nỗi thăng trầm, vất vả lẫn cay đắng đoạn trường vận vào thân phận của những người mang kiếp cầmca.
 
Với bà, đào hát khi đã bốn mươi tuổi đã “lão lai tài tận”. Bà sợ sau này bà không còn thì con gái của mình biết làm gì để sống khi không có việc gì để làm. Do đó, bà luôn định hướng cho chị phải học được một nghề nào đó để đủ nuôi sống bản thân mình. Năm 1971, NS Đinh Bằng Phi sau khi đến nhà thuyết phục bà cho Ngọc Khanh đi hát mà không được mới chuyển sang “chiêu” khác là thuyết phục bà cho Ngọc Khanh vào trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ học để sau này đi dạy. Vậy đó mà chị được bước vào thánh đường sân khấu, được thọ giáo với những bậc thầy như NSND Phùng Há, NS Năm Đồ, Ba Đắc, Thành Tôn... có nhiều lúc trốn bà đi hát, sau khi tẩy hết phấn son mới dám về nhà. Rồi tiếng lành về tài năng của cô đào trẻ đẹp Ngọc Khanh được nhiều người biết đến, bà Ba Út chỉ biết nhìn con và cười mỉm bảo rằng cái con nhỏ này ghê thiệt, vậy thôi chứ bây giờ biết tính sao giờ, lỡ rồi phải cố gắng hết sức nghen con...

Cũng từ đó, chị có thêm một người thầy. Bà bắt đầu truyền dạy cho chị những tuyệt kỹ trong nghề. Thời đó, mỗi người nghệ sĩ đều có những ngón nghề riêng không ai lẫn vào ai. NS Ngọc Khanh bảo rằng mình rất may mắn khi học được rất nhiều những tuyệt chiêu của các bậc tiền bối trong nghề. Chị cùng mẹ vừa đi diễn, vừa đi dạy... khoảng thời gian đó, chị như cá gặp nước tung tăng trong tình thương của mẹ, say đắm với những vai tuồng trên sân khấu...
 
Trong hồi ức của NSƯT Ngọc Khanh, có rất nhiều những kỷ niệm mà chị không bao giờ quên được. Thời vàng son hát bội xưa, khi chưa có điện như bây giờ mà NS Ba Út cùng ông Bầu Thắng hát bằng giọng thật của mình không có micrô ở đình Phú Nhuận mà tuốt ở chợ Tân Định còn nghe. Bà có giọng hát thiên phú nên hát cả đào văn lẫn đào võ. Hay khi NSƯT Ngọc Khanh  đã nổi danh với vai Lưu Kim Đính, bà xem xong bảo với chị rằng hát hay lắm, hay ở chổ “Người hết cỏ, ngựa hết lương”. Bà dí dỏm chê con hát chứ người ăn gì mà hết cỏ, ngựa ăn gì mà lại hết lương. Bà không bao giờ khen con gái mình một câu kể cả khi chị hát hay. Nhưng trong lòng bà lại rất tự hào vì bà cũng không ngờ con gái của mình lại hát hay như vậy. Cũng với vai Lưu Kim Đính, cô Ba Đắc bảo với chị rằng: “Mầy về nói với mẹ mầy học tao hay hơn học bả...”, vậy mà chị về học lại thiệt, bà giận ký đầu chị và biểu: “Vậy mầy vô trường học bả đi...”. 
 
Trong dòng suy nghĩ miên man, bất giác chị cười, nụ cười với đôi mắt ngấn lệ. Em biết không, chị chỉ là cô con gái nuôi của ba mẹ. Ngày đó, cha mẹ ruột của chị sinh hai người con song sinh, vì nghèo quá nên ông bà tìm người cho bớt đi một đứa. Lúc đó ông Ba Út muốn nhận về nuôi. Ông vỗ tay nếu đứa nào bò qua thì bắt đứa đó. NS Ngọc Khanh bảo chắc chị khôn nên bò lại. Nhưng bà thì ngại mình đi hát, đi thu đĩa tối ngày làm sao có thời gian chăm sóc. Tối đến, bà nằm mơ thấy có người ẵm đứa bé gái mặc đầm đỏ lại cho. Ai dè, ngày mai đi hát về bà thấy đúng như vậy và nuôi luôn Ngọc Khanh đến lớn khôn. 
 
Tuy là con nuôi nhưng Ngọc Khanh được bà thương yêu hết mực. NSƯT Ngọc Khanh kể: “Bữa đó đi học về thấy mẹ khóc rất nhiều, bà bảo có mẹ ruột của chị đến tìm. Bà sợ mất Ngọc Khanh nên khóc. Chị mới bảo rằng mẹ cứ yên tâm, không bao giờ con về đó. Thực chất là lúc tám tuổi, nghe hàng xóm kể lại Ngọc Khanh đã biết cha mẹ ruột của mình rồi. Ở với ba má nuôi chừng chập chững bước đi thì ba nuôi của chị mất. Mười mấy năm ròng rã thờ chồng nuôi con một mình mặc dù có rất nhiều quan quyền chức sắc đeo đuổi nhưng bà không đồng ý. Năm chị mười bảy tuổi, ngày nọ người đàn ông (ông Đốc phủ Đỗ Văn Rỡ) đến nhà chơi, chị mới giả bộ ngủ, nghe mẹ nói với người ta rằng:“Thôi ông đừng đến nữa, con đã lớn có bạn trai rồi ông lui tới hoài sợ con buồn...”. Chính ông Đốc phủ Rỡ cũng định hướng và lo cho NSƯT Ngọc Khanh học đại học như có lẽ Tổ nghiệp đã chọn chị vào với sân khấu.
 
Năm 1974, NSƯT Ngọc Khanh sang Canada biểu diễn. Lúc đó trong nhà kẹt tiền nên bà Ba Út nhờ vợ của NSND Đinh Bằng Phi đi cầm nhẫn kim cương, lắc, dây chuyền vàng... để có tiền cho chị qua bên ấy để có mà “tung tăng” với người ta. Bà bảo rằng của cải thì kiếm được nhưng những chuyến đi như thế này thì dễ gì có đâu. Những đồ vật mà NSƯT Ngọc Khanh đem về bà không cho bán thứ nào, bà bảo giữ lại hết để làm kỷ niệm. Sau này có những lúc vui, NSƯT Ngọc Khanh hỏi bà sao mẹ không để dành cho con vàng bạc, bà bảo rằng mẹ để dành cái đức cho con suốt đời. Cái tâm và cách nhân xử thế của bà không cần dạy chị cũng học được, bà không làm mích lòng ai, thủơ vàng son đi hát người ta trả bao nhiêu tiền cũng được, không đòi hỏi kỳ kèo một đồng. Mỗi khi giận lắm chỉ nói rằng: “Mẹ giận lắm rồi đó con...”. Mỗi khi đi hát về, bà đều kêu Ngọc Khanh lại để cho bà hôn, hỏi han hôm nay đi hát thế nào nói mẹ nghe rồi mới được đi cất đồ. Và lúc nào bà cũng bảo: “Con này phản phúc ghê thiệt, hát giống y hệt như tui mà còn nói không phục tui...”. 
 
Năm 1979, NS Ba Út lâm trọng bệnh. Nằm trong bệnh viện Thống Nhất bà hỏi chị rằng con có sợ mẹ chết không, Ngọc Khanh chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng vì bác sĩ tiên lượng tình huống xấu nhất có thể đến bất kỳ lúc nào. Chị bảo với bà rằng các cô các chú NSND Phùng Há, NSND Thành Tôn, NS Huỳnh Mai... đã lo liệu hết rồi. Còn bà cầm tay Ngọc Khanh nói rằng má chỉ sợ con không có tiền đi chợ cho đám...
 
Mấy hôm sau bà hôn mê sâu và mất. Mọi người đưa bà vềTrụ sở Ban ái hữu nghệ sĩ... Chấm dứt một kiếp tằm của người nghệ sĩ tài hoa. Một nghệ sĩ mà tài năng và đức độ thuộc hàng hiếm có. NSƯT Ngọc Khanh còn nhớ hoài NSND Phùng Há khóc trước linh cữu rằng: “Chị ba ơi chị ba ơi, em đang xin cho chị danh hiệu NSƯT mà giờ chị còn đâu nữa...”.
 
***

Trời xanh trong, gió dìu dịu mang đến mùi hương hoa nhài thanh khiết nhẹ nhàng. Có phải là sự trùng hợp hay không khi quán cà phê cổ lại vang lên những ca từ dìu dặt khoan thai “Lòng mẹ bao la như biển thái bình, dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền, ngọt ngào...”. Chị khóc, và tôi khóc. Khóc cho những đứa con không còn mẹ ở trên đời. Giờ mẹ chị đã đi xa lắm, nhưng đức độ và tài năng của bà sẽ mãi trong tim của chị. Có chăng, điều luyến tiếc của chị là những gì chị làm được cho nghề, cho cuộc sống bà không còn để chứng kiến, để cô con gái được có thêm thời gian báo hiếu, yêu thương...
 
(Dương Hạc Lâm/Tạp chí SK Tp. HCM)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/co-ns-ba-ut-me-nsut-ngoc-khanh-ganh-con-di-ca-cuoc-doi-a2960.html