Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là Di sản văn hóa thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vừa được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Kỳ họp 19 Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

vna-potal-unesco-cong-nhan-le-hoi-via-ba-chua-xu-nui-sam-duoc-la-di-san-the-gioi-7739258-2043-1734272557.jpg
Nghi thức nguyện hương cung thỉnh Thánh mẫu Chúa Xứ núi Sam xuống núi. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Chia sẻ về sự kiện này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được ghi danh không chỉ là niềm tự hào đối với người dân An Giang hay Nam Bộ mà còn là niềm vui chung của cả nước. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh và Di sản văn hóa phi vật thể thứ 2 của khu vực Nam Bộ (cùng với Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ) và là lễ hội truyền thống đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long được đón nhận vinh dự này. Đó là sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với vẻ đẹp của di sản và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ di sản, góp phần vào khẳng định sự đa dạng, giá trị và bản sắc của văn hóa Việt Nam trong bức tranh văn hóa chung của nhân loại.

vna-potal-unesco-cong-nhan-le-hoi-via-ba-chua-xu-nui-sam-duoc-la-di-san-the-gioi-7739257-2831-1734272589.jpg
Lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ ở dưới chân núi. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Vinh danh Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại lần này hết sức có ý nghĩa. Việc vinh danh diễn ra ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật di sản văn hóa sửa đổi và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa 2025-2035.

Hy vọng rằng với việc UNESCO vinh danh, chính quyền tỉnh An Giang cũng như Chính phủ Việt Nam sẽ dành sự quan tâm đối với di sản hết sức quan trọng này. Đồng thời cũng dành thêm nguồn lực góp phần gìn giữ và phát triển cũng như quảng bá di sản văn hóa này để chúng ta có thêm điều kiện, nguồn lực để di sản tồn tại mãi mãi cũng như tôn vinh Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam cùng với những ý nghĩa rất sâu sắc của nó: Đó là lòng biết ơn, là sự gắn kết hài hòa, việc tôn vinh và sử dụng các biểu đạt văn hóa và các lễ hội tâm linh vì mục tiêu chung cho cộng đồng.

vna-potal-unesco-cong-nhan-le-hoi-via-ba-chua-xu-nui-sam-duoc-la-di-san-the-gioi-7739249-7221-1734272615.jpg
Chương trình sân khấu hóa Lễ phục hiện rước tượng bà rước tượng Bà Chúa Xứ từ trên đỉnh núi Sam xuống Miếu. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết: Hồ sơ của chúng ta được đánh giá rất cao về chất lượng. Đây là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của cộng đồng, chính quyền tỉnh An Giang với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia về di sản, sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vai trò điều phối của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện và vận động hồ sơ.

Theo TTXVN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/le-hoi-via-ba-chua-xu-nui-sam-la-di-san-van-hoa-thu-16-cua-viet-nam-duoc-unesco-ghi-danh-a29590.html