Việc đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao có tác động trực tiếp đến kinh tế địa phương
Theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở VHTT Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Trọng Thao: trung bình hằng năm Đà Nẵng đăng cai từ 15-20 hoạt động thể thao cấp quốc gia. Đặc biệt, Đà Nẵng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao quốc tế như: Cuộc Đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race 2015-2016; Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 năm 2016. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện thể thao đã trở thành hoạt động thường niên được thành phố tổ chức như: Giải Golf chuyên nghiệp châu Á - BRG Open Championship Danang; Cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng, Cuộc thi IRONMAN 70.3 Việt Nam; Danang International Marathon...Các sự kiện thể thao quốc gia và quốc tế do Đà Nẵng đăng cai tổ chức luôn thu hút đông đảo người dân, du khách, VĐV chuyên nghiệp trong nước và quốc tế tham gia, với số lượng tăng dần qua từng năm tổ chức.
Việc đăng cai tổ chức tốt các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế thời gian qua, đã góp phần nâng cao hiệu quả và phát huy tốt công năng, hiệu quả sử dụng của các thiết chế thể thao. Điều đó đã thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân (dịch vụ lưu trú, di chuyển, ăn uống,…), thúc đẩy thương mại dịch vụ (mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống; vui chơi, giải trí tại các khu, điểm du lịch, địa điểm văn hóa, di tích lịch sử...); đồng thời thúc đẩy du lịch phát triển ( các hoạt động thể thao như: Lặn biển ngắm san hô, Mô tô nước, Dù lượn, biểu diễn Khinh khí cầu, Đua thuyền Kayak, Chèo SUP... Hoặc các trò chơi trên cạn như Bóng chuyền bãi biển hay Bóng đá bãi biển cũng là những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn du khách mỗi khi họ đến Đà Nẵng. Thông qua việc đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người thành phố Đà Nẵng đến các địa phương trong cả nước, bạn bè, du khách quốc tế.
Có thể khẳng định, việc đăng cai các sự kiện thể thao lớn có tác động không nhỏ tới sự phát triển kinh tế, xã hội của Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, kinh tế thể thao ở Việt Nam nói chung, phát triển kinh tế thể thao ở thành phố Đà Nẵng nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức. Chính vì vậy, Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới và Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là hành lang pháp lý để Đà Nẵng từng bước cụ thể hóa các nhiệm vụ đặt ra đối với công tác phát triển TDTT nói chung, trong đó có phát triển kinh tế thể thao.
Các giải pháp để thúc đẩy kinh tế thể thao phát triển
Kinh tế thể thao tuy là một lĩnh vực còn khá mới mẻ nhưng có nhiều tiềm năng để phát triển thành một ngành kinh tế hiệu quả và mang lại lợi nhuận lâu dài, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy, để kinh tế thể thao phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo ông Nguyễn Trọng Thao cần tập trung một số giải pháp đó là:
Rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp quy có liên quan nhằm tạo “hành lang pháp lý”, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thể thao, cụ thể: Điều chỉnh một số điều của Luật quản lý sử dụng tài sản công và các nghị định hướng dẫn để phân cấp thẩm quyền thẩm định; phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết theo cấp chính quyền; sớm ban hành chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế thể thao của Việt Nam; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chính sách xã hội hóa, phù hợp với quy định của pháp luật và các luật có liên quan, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật..
Thúc đẩy hợp tác công - tư, khuyến khích và huy động mọi nguồn lực, vận động các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu, đào tạo VĐV, HLV, trọng tài và cung cấp các dịch vụ TDTT.
Bộ VHTTDL cũng sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao; Thông tư quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với từng môn thể thao hiện nay chưa có và Thông tư mới thay thế các Thông tư cũ quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với từng môn thể thao có cơ sở quản lý, hướng dẫn thực hiện theo quy định.
Đối với Đà Nẵng, để khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế thể thao, thời gian tới, ngành VHTT Thành phố cần đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm đổi mới tư duy, nhận thức của xã hội về kinh tế thể thao; phổ biến kiến thức, kinh nghiệm tổ chức hoạt động kinh tế thể thao, phát huy sáng kiến, sự năng động từ cá nhân và cộng đồng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả đơn vị sự nghiệp công nói chung cũng như đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực TDTT. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản trị, sử dụng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật gắn với hoạt động thể thao và các hoạt động văn hóa xã hội..
Phát huy lợi thế về cơ sở hạ tầng, du lịch, Đà Nẵng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ thể thao đang hoạt động trong các khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú được các doanh nghiệp quan tâm và có xu hướng đầu tư phát triển như: Chèo thuyền Kayak, ván chèo đứng (SUP), Thuyền buồm, Lướt ván - Lướt sóng,...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường giao lưu, hợp tác với các đối tác trong nước, quốc tế; có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân, đơn vị tư nhân tham gia và đăng cai tổ chức các hoạt động, sự kiện thể thao tại Thành phố. Phát triển mạnh các sự kiện thể thao gắn với du lịch, hướng đến mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến của các sự kiện thể thao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Tăng cường phát huy vai trò, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội thể thao thành phố hiện có và xúc tiến thành lập mới các liên đoàn, hiệp hội thể thao ở các môn: Bóng chuyền, Thể dục thể hình, Billiarrds, Điền kinh, Bóng rổ, Pickleball,…
Để phát triển kinh tế thể thao theo yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong Kết luận 70/KL-TW, cũng như Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam, Đà Nẵng phấn đấu đưa kinh tế thể thao trở thành một ngành công nghiệp dịch vụ tổng hợp, góp phần vào tăng trưởng kinh tế xã hội của Thành phố. Qua đó, hướng tới hoàn thành mục tiêu đưa thành phố trở thành thành một trong những trung tâm văn hóa - thể thao phát triển của đất nước vào năm 2030.
Theo Cục Thể dục Thể thao