Đồng bào các dân tộc trong huyện có truyền thống đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển. Trong những năm qua, đời sống kinh tế - xã hội của huyện Con Cuông đã có bước phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện phong phú, đa dạng và đạt được nhiều kết quả trong công tác bảo tồn, phát huy, tạo cơ sở kế thừa cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong những năm tiếp theo, gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
1. Một số kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại huyện Con Cuông trong thời gian qua
Trong những năm qua, huyện Con Cuông không ngừng đẩy mạnh công tác sưu tầm, khôi phục và bảo tồn các phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Trước nguy cơ bị mai một, huyện Con Cuông tăng cường công tác tuyên truyền và có những giải pháp quyết liệt để bảo tồn các làng bản dân tộc thiểu số. Nhờ đó, nhân dân đã nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc bảo tồn bản sắc văn hóa, một số hộ trước đây bán nhà sàn làm nhà xây, hiện nay quay lại đổ cột bê tông làm nhà sàn phù hợp với phong tục tập quán và nét sinh hoạt của cộng đồng. Để việc bảo tồn văn hóa vật thể như nhà sàn, trang phục và các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số về dân ca, dân vũ, việc cưới, việc tang, lễ hội, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng hương ước, quy ước, tạo thành quy tắc ứng xử chung của thôn, bản để bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.
Trong các hoạt động văn hóa văn nghệ được tổ chức thường niên tại địa phương, các lễ hội, làn điệu dân ca, điệu múa có sử dụng nhạc cụ dân tộc được khôi phục và biểu diễn, như: Mừng lúa mới, Hội xăng khan, Hội cầu mùa… Các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, phát huy như các điệu lăm, khắp, xuôi, nhuôn, sử dụng các nhạc cụ cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp, bước đầu được quan tâm khôi phục lại và được diễn xướng tại các không gian ngày hội văn hóa các dân tộc của xã, của huyện và hội diễn tại tỉnh, ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức hàng năm.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Con Cuông đã xây dựng và duy trì có nề nếp sinh hoạt của 31 câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Thái, trong đó có 01 câu lạc bộ cấp huyện. Các câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên, nội dung sinh hoạt phong phú, ngoài việc thực hành hát dân ca, múa nhạc cụ dân tộc, thực hiện không gian diễn xướng văn hóa dân tộc, có một số nghệ nhân trong các câu lạc bộ còn sáng tác các làn điệu dân ca dân tộc thiểu số và dàn dựng được chương trình biểu diễn nghệ thuật, truyền dạy cho các lớp trẻ sử dụng nhạc cụ dân tộc như: nghệ nhân ưu tú Lương Văn Nghiệp, Nghệ nhân ưu tú Lê Hoàng,... đã góp phần vào việc lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Đặc biệt, câu lạc bộ cấp huyện bước đầu đã phát huy tốt vai trò dẫn dắt, là hạt nhân để xây dựng một số chương trình đặc sắc biểu diễn tham gia tại các hoạt động trong và ngoài tỉnh.
Song song với việc bảo tồn văn hóa, huyện Con Cuông đã tiến hành xây dựng các mô hình văn hóa tiêu biểu để gắn với phát triển du lịch, đến nay 03 bản du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm tiếp tục phát huy tốt tại địa phương: Du lịch cộng đồng Bản Nưa xã Yên Khê; Bản Khe Rạn, xã Bồng Khê; Bản Xiềng, xã Môn Sơn, thu hút đông đảo khách thập phương về tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, hiện nay huyện đang xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại bản Bãi Gạo xã Châu Khê gắn với du lịch khám phá lòng hồ thuỷ điện, đầm sen và bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương.
Việc khôi phục và giữ gìn trang phục các dân tộc thiểu số cũng như đồ dùng sinh hoạt truyền thống được bảo tồn tốt, hiện nay tất cả các làng bản vẫn còn dệt thổ cẩm như: Váy, túi, khăn, thắt lưng... (bản Xiềng xã Môn Sơn, bản Yên Thành xã Lục Dạ, bản Khe Rạn xã Bồng Khê, bản Bủng, bản Xát xã Châu Khê, bản Chôm Lôm xã Lạng Khê,…) để phục vụ gia đình cũng như bán cho khách hàng. Việc sử dụng trang phục đã được nhân dân thường xuyên sử dụng trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi, ngày hội của đất nước, nhất là các bà các mẹ trên 50 tuổi vẫn sử dụng thường phục thường xuyên của dân tộc mình.
Đồng thời, huyện Con Cuông còn chỉ đạo, tuyên truyền các cơ quan đơn vị trên địa bàn, khuyến khích các học sinh, giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn mặc trang phục dân tộc mình trong các ngày thứ Hai chào cờ đầu tuần, dịp kỷ niệm 20/11 và các ngày lễ của cơ quan, đơn vị, tạo thói quen cũng như lòng tự tôn dân tộc, nhất là cho các em học sinh ngay từ khi còn bé, được các bậc phụ huynh và học sinh nhà trường tích cực hưởng ứng.
Nhìn chung, các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số của huyện Con Cuông đã được chú ý bảo tồn và phát huy có hiệu quả nhất định. Công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện được triển khai và từng bước lan tỏa vào đời sống nhân dân, tạo động lực tích cực trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà, góp phần nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân. Nhận thức của cán bộ và nhân dân từng bước được chuyển biến. Vị thế, vai trò của bản sắc văn hóa các dân tộc trong đời sống của nhân dân và ý thực tự tôn văn hóa dân tộc ngày càng phổ biến và được nâng cao.
2. Những vấn đề đặt ra cần giải quyết trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Con Cuông
Mặc dù, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Con Cuông trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần giải quyết như sau:
Một số loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc thiểu số, văn hóa tâm linh tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc có nguy cơ mai một như: Mo một, Mo môn, khài...; các lễ hội như: Lễ hội Xang Khan, mừng nhà mới, hội cầu mùa, cầu mưa... của người Thái chưa được sưu tầm, nghiên cứu một cách nghiêm túc, đầy đủ. Hơn nữa, việc sưu tầm, lưu giữ các hiện vật đặc trưng của các dân tộc thiểu số dù đã được quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện, nhưng do chưa có nhà truyền thống để trưng bày nên mới chỉ dừng lại ở các gia đình, dòng họ.
Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư cho công tác bảo tồn và phát triển văn hoá chưa thực sự được quan tâm. Giai đoạn 2022-2024, huyện Con Cuông không có kinh phí hỗ trợ phổ biến chữ viết của người Thái. Cơ chế hỗ trợ kinh phí xây dựng thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện còn hạn hẹp nên thực trạng thiết chế văn hóa trên địa bàn còn nhiều khó khăn, tiêu chí xây dựng thiết chế văn hóa đạt chuẩn khó đạt chỉ tiêu (nhất là tiêu chí sân vận động cấp xã), các nhà văn hóa thôn, bản có hiện tượng xuống cấp, cần được nâng cấp xây dựng phục vụ sinh hoạt cộng đồng cho bà con tại địa phương nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ kinh phí.
Để lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận, Phòng Văn hóa và Thông tin đã tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 7/10/2023 về việc phối hợp tổ chức mở lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Thái tại các Trường học trên địa bàn huyện Con Cuông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được do chính sách hỗ trợ nghệ nhân theo Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính chỉ có hỗ trợ cho nghệ nhân, không có hỗ trợ cho tổ chức lớp học nên việc tổ chức truyền dạy của các nghệ nhân không có cơ sở để hỗ trợ. Tương tự, trong Thông tư 55/2023/TT-BTC không có quy định, hướng dẫn, mục nội dung quy định chi kinh phí sự nghiệp thực hiện chính sách hỗ trợ đội văn nghệ truyền thống thôn, bản nên phòng Văn hóa và Thông tin chưa có cơ sở để tham mưu triển khai thực hiện chính sách này cho thôn, bản.
Có thể khẳng định, những vướng mắc, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó tập trung vào những nguyên nhân cơ bản sau: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân về sự nghiệp văn hóa chưa đầy đủ, chưa đúng mức; một số cán bộ văn hoá thiếu kinh nghiệm tổ chức hoạt động thực tiễn, chưa tham mưu tốt cho việc bảo tồn văn hóa dân tộc tại cơ sở; chưa có cơ chế đủ mạnh và nguồn kinh phí hợp lý để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện...
3. Một số giải pháp cơ bản nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Con Cuông
Một là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào công tác bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch được thể hiện trong các chủ trương, chính sách của Đảng. Cụ thể: Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh “Tiếp tục bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích và di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch”; Chương trình hành động số 68-Ctr/TU của Tỉnh ủy Nghệ An về triển khai Nghị quyết 39-NQ/TW cũng chỉ rõ “xây dựng và phát triển huyện Con Cuông trở thành đô thị loại 4 theo hướng sinh thái, du lịch”; và Kế hoạch 217-KH/HU của Huyện ủy Con Cuông về triển khai Chương trình hành động số 68-Ctr/TU.
Nhiệm vụ tuyên truyền cần được lồng ghép với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu chọn lọc các giá trị văn hóa mới, bài trừ những tập tục cổ hủ; chống âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm gây chia rẽ dân tộc, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hoá truyền thống cũng như các điểm du lịch gắn liền với các giá trị văn hoá truyền thống; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho đồng bào các dân tộc bảo tồn, biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy các giá trị văn hóa tích cực truyền thống trong xây dựng cuộc sống mới.
Nâng cao năng lực cho cộng đồng, đào tạo kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch. Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đặc biệt là chú trọng việc truyền dạy nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ kế thừa bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Hai là, cần có cơ chế đủ mạnh và nguồn kinh phí hợp lý để vừa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số vừa thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Cụ thể: Chương trình dự án 06 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Tuy nhiên, để những chủ trương, chính sách đó được triển khai trong thực tế, cần bổ sung, hướng dẫn thêm các Thông tư có mục nội dung quy định chi kinh phí sự nghiệp thực hiện chính sách hỗ trợ dự án 06 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, để các huyện có cơ sở triển khai thực hiện chính sách đúng quy định. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách nhằm huy động và phát huy nội lực, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội đồng bộ theo các chương trình dự án 06 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Bố trí kinh phí hàng năm để mở các lớp truyền dạy, bảo tồn bản sắc văn hóa, truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc; truyền dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái huyện Con Cuông. Quan tâm công tác sưu tầm, thống kê và bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa (văn hóa vật thể và phi vật thể); hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình văn hóa cấp huyện, có cơ chế chính sách khen thưởng, hỗ trợ xây dựng sân vận động cấp xã, kinh phí nâng cấp, sửa chữa các nhà văn hóa thôn, bản đạt chuẩn phục vụ sinh hoạt cộng đồng các dân tộc.
Ba là, gắn kết chặt chẽ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số với phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái.
Trong giai đoạn hiện nay, gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số với phát triển du lịch được coi là chủ trương, chính sách đúng đắn và phù hợp nhất. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số với phát triển du lịch bền vững có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Một mặt, để phát triển du lịch, thì giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ là một nguồn tài nguyên du lịch văn hóa quan trọng, là nguyên liệu vô cùng quý giá để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, làm cho các sản phẩm du lịch trở nên hấp dẫn, có giá trị kinh tế - văn hóa cao hơn. Mặt khác, thông qua phát triển du lịch, các địa phương sẽ có nguồn lực để phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt hơn.
Muốn vậy, trong thời gian tới, huyện Con Cuông cần kêu gọi, thu hút đầu tư du lịch sinh thái vào một số danh lam, thắng cảnh; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; thiết lập các tuyến, điểm du lịch như Thác Khe Kèm, Suối Nước mọc, Đập Phà Lài, Sông Giăng, lòng hồ thủy điện (Khe Thơi, Chi Khê, Suối Choăng), du lịch sinh thái, mạo hiểm, trải nghiệm… gắn với tôn tạo, phục dựng quần thể thành Trà Lân, Bia Ma Nhai, di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia nhà cụ Vi Văn Khang... thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn trọng điểm của huyện, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Tại các điểm du lịch, tổ chức các gian hàng trưng bày để quảng bá nét văn hóa độc đáo, sản phẩm đặc trưng của đồng bào như nghề dệt thổ cẩm, các trang phục truyền thống, đồ dùng sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số,… Những hoạt động đó vừa thu hút du khách tới tham quan các gian hàng vừa tạo sinh kế cho bà con nhân dân. Ngoài ra, việc mang tiếng hát, làn điệu dân ca, điệu múa có sử dụng nhạc cụ dân tộc vào phát triển du lịch đã và đang góp phần thu hút du khách tại địa phương. Trong thời gian tới, huyện Con Cuông cần tiếp tục quan tâm tổ chức trải nghiệm văn hóa dân tộc dành cho du khách như: mặc trang phục dân tộc, múa sạp, múa khèn, thưởng thức ẩm thực Thái,… từng bước đưa bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa, từng bước làm tốt công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
Trước hết, khi phân công, bổ nhiệm cán bộ làm văn hóa cần lựa chọn những người đã được đào tạo đúng chuyên ngành về văn hóa; tiếp tục tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức về văn hóa. Thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng sẽ giúp cho cán bộ làm văn hóa có thêm những hiểu biết về văn hóa, cách thức tổ chức, hoạt động thực tiễn khi tiến hành công việc. Bên cạnh đó, cần tăng cường nghiên cứu thực tế, tham quan học tập các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại một số tỉnh thuộc miền núi phía Bắc. Từ đó, giúp đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có kinh nghiệm, kỹ năng sưu tầm, kiểm kê di sản văn hóa, lập hồ sơ các di sản văn hóa để bảo vệ các giá trị truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Đồng thời, nâng cao chất lượng quảng bá du lịch địa phương và kỹ năng đón tiếp khách du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng.
Ths. Phạm Thị Lan Hương