Phan Thư Hiền: Người lao động sáng tạo nghệ thuật không biết mệt mỏi

Phan Thư Hiền từng trải qua nhiều chức danh về quản lý văn hóa như: Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Can Lộc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (sau này là Sở VH, TT&DL) Hà Tĩnh. Nhưng từ khi nghỉ chế độ đến nay, lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật với cô, vẫn chưa một ngày ngừng nghỉ…

a1-3465346-1732178536.jpg
Nhà nghiên cứu, soạn giả - kịch tác gia Phan Thư Hiền Phan Thư Hiền 

Tôi biết Phan Thư Hiền từ năm 1981 khi cô mới  tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và về công tác tại quê tôi. Ngày đó tôi đang ở trong Quân đội nhưng mỗi lần về quê tôi đã được nghe nhiều giai thoại về người con gái quê Đức Thọ, đẹp nết, đẹp người, hát hay, đàn giỏi. Nhiều trai làng ngưỡng mộ, nhưng may mắn thay có một anh bộ đội người cùng làng và là bạn tôi đã lọt vào "mắt xanh của cô nàng" và rồi họ đã kết duyên thành chồng, thành vợ. Đến nay họ vẫn là cặp gia đình rất hạnh phúc.

Được sinh ra trong một gia đình có bề dày truyền thống hoạt động văn học nghệ thuật. Bố đẻ của chị là kịch tác gia Phan Lương Hảo - Người đạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đầu tiên ở Hà Tĩnh. Ông là tác giả của những vở ca kịch nổi tiếng như “Cô Tám”, “Mai Thúc Loan”, “Xôn xao rừng quế”, “Trăng soi nỗi oán”…; Chị gái là Phan Thư Hạnh, nguyên Trưởng Khoa Âm nhạc, Trường Văn hóa Nghệ thuật Bình Định, vừa là giáo viên dạy nhạc, vừa là một nhà thơ đã xuất bản 2 đầu sách có ấn tượng; em trai là nhà văn, nhà báo Phan Trung Hiếu, nguyên là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh 3 nhiệm kỳ liền, cũng là tác giả của hàng chục tập sách gắn với nhiều giải thưởng có giá trị về Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du và Hội Nhà văn Việt Nam…

Là con "nhà nòi" Phan Thư Hiền đã không để hổ danh từ khi về công tác tại ngành văn hóa Hà Tĩnh - một địa phương giàu vốn văn hóa văn nghệ dân gian, Phan Thư Hiền đã dành nhiều thời gian ngoài công tác quản lý cho hoạt động sáng tạo văn hóa văn nghệ. Cô là người chịu khó sục sạo khắp chợ, cùng quê góp nhặt lời ăn tiếng nói, câu ca, chuyện kể trong dân gian để làm giàu vốn hiểu biết cho kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian xứ Nghệ, mà cô cho rằng đó chính là “Báu vật của muôn đời”. Mặc dù rất bận công việc cho công tác quản lý văn hóa, nhưng Phan Thư Hiền đã biên soạn được rất nhiều tập sách mang tính sưu tầm, khảo cứu, giúp những người nông dân thuần túy có điều kiện nhận diện ra các loại hình di sản văn hóa, chính họ đang nắm giữ. 

Cuối năm 2000, tôi chuyển ngành về Văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin, trong một lần về Sở Văn hóa - Thông tin để dự lễ tổng kết, tình cờ tôi gặp lại Phan Thư Hiền với vai trò Phó Giám đốc Sở. Tôi ngạc nhiên hỏi cô: "Thấy dân quê đồn em lên Phó Chủ tịch huyện mà?", Hiền cười tươi: "Văn hóa, nghệ thuật đã ngấm vào máu của em rồi anh ạ"... Tôi siết chặt tay chúc mừng cô và hết sức tin tưởng người đồng nghiệp, người con dâu của quê tôi.

Trong thời gian đảm nhận nhiệm vụ  Phó Giám đốc Sở, Phan Thư Hiền tận tâm cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa ở Hà Tĩnh, đặc biệt say mê với với các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như Dân ca Ví Giặm, Ca trù, Trò Kiều, Sắc bùa... Phan Thư Hiền cho đây là cơ hội tốt nhất để được tiếp tục miệt mài trên con đường tìm lại giá trị truyền thống để gìn giữ, phát huy những giá trị của di sản văn hóa và tìm cách làm cho nó ngày càng tỏa sáng. Bên cạnh việc sưu tầm nghiên cứu, Phan Thư Hiền còn tìm mọi cách để quảng bá cho bản sắc văn hóa quê hương bằng cách tổ chức cho các nghệ nhân Hà Tĩnh đi giao lưu trình diễn tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt, Phan Thư Hiền đã phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu cho Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho gần 80 người thuộc các lĩnh vực Ca trù, Ví Giặm, Sắc bùa, Hò Chèo cạn, Trò Kiều…

Đến lúc được Nhà nước cho nghỉ chế độ, lúc này Phan Thư Hiền có nhiều thời gian hơn để giành cho việc nghiên cứu và viết sách. Đến nay, cô đã hoàn thành trên 30 đầu sách in chung và riêng, tiêu biểu như: Báu vật của muôn đời (Giải C, giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ II/2005); Chế thắng phu nhân (Giải C giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ III/2010); Nguyễn Công Trứ với hát Ca trù; Giai thoại Nguyễn Công Trứ (Giải C giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ IV/2015); Ca trù Hà Tĩnh trong nôi Ca trù người Việt (Giải B, giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ V/2015); Ca trù Cổ Đạm xưa và nay (Giải C - Hội VNDG Việt Nam, 2019); Những người giữ hồn và thắp lửa Dân ca Ví Giặm (Giải C - Hội VNDG Việt Nam, 2020); Tri thức dân gian của người Nghệ về chuyện sinh đẻ, NXB. Đại học Vinh (Giải C - Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VI, 2020); Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh - Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại (NXB. Đại học Vinh, 2015 - Giải thưởng Hồ Xuân Hương); Các vùng dân ca tiêu biểu ở Hà Tĩnh; Danh nhân, nhà nho xứ Nghệ với Dân ca Ví Giặm, NXB, Nghệ An, 2021(Giải C - Hội VNDG VN); Những người giữ hồn và thắp lửa dân ca ví, giặm, NXB. ĐH Vinh, 2018; Các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian xuất phát từ Truyện Kiều, NXB Lao động, 2023 (Giải B Hội VNDG Việt Nam; Sân khấu truyền thống với Truyện Kiều, NXB. Sân khấu, 20234 (giải KK Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam; Tri thức dân gian của cư dân vùng biển Hà Tĩnh về đánh bắt và chế biến hải sản, NXB. Nghệ An, 2024 (Giải C Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam); Lễ hội Đại danh Y Hải Thưỡng Lãn Ông, NXB. Nghệ An, 2024 (Giải C Hội VNDGVN)… 

a5-366-1732178523.jpg
Phan Thư Hiền chủ trì hội thảo

Trong một lần được mời dự Hội thảo gần đây ở Hà Nội với chủ đề: "Văn Miếu - Quốc Tử giám với truyền thống giáo dục đào tạo nhân tài vùng Tiên Điền - Lai Thạch, Hà Tĩnh", tôi đã gặp lại Phan Thư Hiền trong vai trò đoàn Chủ trì Hội thảo. Hiền cho biết, cô đã nghỉ hưu được 10 năm, song vẫn tham gia hoạt động của các Hội chuyên ngành Trung ương với vai trò là Chi hội trưởng Chi Hội Văn nghệ Dân gian và Phó Chủ tịch Thường trực Chi Hội Di sản Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh. Đồng thời cô cũng là hội viên của các hội: Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Kiều học Việt Nam… 

Hiền chia sẻ: "Anh biết đấy VHNT như thấm vào máu, em về hưu nhưng có khi còn bận hơn lúc đi làm, em giúp Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam trong việc lập hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO công nhận 02 di sản tiêu biểu của Hà Tĩnh (Ca trù và Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay em đang còn có 05 công trình biên soạn đang dở dang trong đó có đề án nhằm lan tỏa câu kiều vào những trang sách. Mơ ước lớn nhất của em lúc này là làm sao để các công trình sưu tầm, khảo cứu văn hóa, văn nghệ dân gian của mình nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong công chúng, góp phần trao truyền vốn cổ của cha ông đến với lớp trẻ".

Với những thành tích xuất sắc của 40 năm hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nhà nghiên cứu, soạn giả - kịch tác gia Phan Thư Hiền đã có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị quý báu của cha ông, chị vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng III, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; trên 50 Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, các Hội chuyên ngành Trung ương; Giải Nhất Liên hoan Sân khấu không chuyên toàn tỉnh; Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu không chuyên toàn quốc; giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du lần II, III, IV, V, VI cùng với nhiều phần thưởng cao quý khác.  

Chắc chắn nhà nghiên cứu - soạn giả - kịch tác gia Phan Thư Hiền sớm toại nguyện ước mơ của mình trong lĩnh vực mà cô hằng hăng say, dày công nghiên cứu, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân xứ Nghệ nói chung và người dân Hà Tĩnh nói riêng để cho ca trù và ví giặm Nghệ Tĩnh mãi vang xa đúng với tầm vóc của loại hình văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/phan-thu-hien-nguoi-lao-dong-sang-tao-nghe-thuat-khong-biet-met-moi-a29437.html