Phát triển du lịch làng nghề truyền thống tại Hàn Quốc: Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Du lịch làng nghề truyền thống tại Hàn Quốc là một phần không thể thiếu trong bức tranh phát triển du lịch của quốc gia này. Các làng nghề truyền thống không chỉ là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

dsc00783-1731608458-1731646153.jfif
Du khách được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật gốm sứ tại Incheon

1. Mở đầu

Du lịch làng nghề là loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa truyền thống, kết hợp mua sắm những hàng hóa đặc trưng của mỗi làng nghề truyền thống. Du lịch làng nghề truyền thống hiện nay đã và đang là xu hướng được khách du lịch tìm đến bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm đặc trưng, mặt khác đến với làng nghề du khách không chỉ được ngắm cảnh quan của một làng đặc trưng mà còn được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp được tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. Điều này tạo nên sức hấp dẫn riêng của du lịch làng nghề.  

Để có những định hướng, giải phápphát triển du lịch làng nghề truyền thống, Việt Nam có thể xem xét học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia có sự tương đồng trong văn hóa, cũng như có những bước đi đúng đắn trong phát triển du lịch làng nghề truyền thống. Hàn Quốc là một trong những quốc gia châu Á phát triển thành công mô hình du lịch làng nghề truyền thống, tạo ra sự cân bằng giữa bảo tồn văn hóa và thúc đẩy kinh tế.

Bài viết này đưa ra những kinh nghiệm nổi bật từ Hàn Quốc trong việc phát triển du lịch làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

2. Du lịch làng nghề truyền thống tại Hàn Quốc

Du lịch làng nghề truyền thống tại Hàn Quốc là một phần không thể thiếu trong bức tranh phát triển du lịch của quốc gia này. Các làng nghề truyền thống không chỉ là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Đặc điểm chung của du lịch làng nghề truyền thống tại Hàn Quốc bao gồm: (1) Làng nghề truyền thống gắn liền với văn hóa lịch sử: Các làng nghề là nơi lưu giữ các kỹ thuật thủ công truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm, gắn bó mật thiết với lịch sử và đời sống người Hàn. (2) Du lịch làng nghề truyền thống mang tới cho du khách trải nghiệm thực tế: Du khách không chỉ tham quan mà còn được trực tiếp tham gia các hoạt động làm nghề như làm gốm, dệt lụa, làm giấy truyền thống (hanji), hoặc chế tác đồ thủ công mỹ nghệ. (3) Du lịch làng nghề truyền thống ở Hàn Quốc có sự đa dạng trong sản phẩm du lịch: Mỗi làng nghề cung cấp các sản phẩm đặc trưng, từ gốm sứ, quạt giấy đến đồ đồng, tạo nên sự hấp dẫn riêng biệt.

Một số làng nghề truyền thống nổi tiếng tại Hàn Quốc:

Nhắc đến những làng gốm đẹp trên thế giới thì không thể bỏ qua Incheon - một làng gốm nổi tiếng nằm ở vị trí giáp ranh giữa Seoul và Incheon, thuộc tỉnh Gyeonggi-do. Nơi đây mang lại nhiều trải nghiệm làm gốm và thưởng thức quy trình chế tác gốm của các nghệ nhân giàu kinh nghiệm.

Làng gốm Incheon là làng gốm nổi tiếng với nghề làm gốm sứ truyền thống hơn 1.000 năm. Nhờ vẻ đẹp tuyệt mỹ và chất lượng cao cấp mà Incheon được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo về thủ công và nghệ thuật dân gian. Ngôi làng gốm nổi tiếng này được quy hoạch thành một làng nghề truyền thống, một điểm đến văn hóa du lịch độc đáo.

Dạo quanh làng gốm Incheon, du khách có dịp ghé thăm các bảo tàng, cửa hàng trưng bày những sản phẩm gốm sứ nghệ thuật được thực hiện công phu, tinh xảo. Từ các mẫu gốm xưa cũ đến các sản phẩm hiện đại đều được làm rất kỳ công, bắt mắt. 

Tới đây, du khách có thể tự tay làm gốm và mang sản phẩm về làm kỷ niệm. Hàng năm, lễ hội gốm Incheon được tổ chức, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật gốm và tổ chức hội chợ bán sản phẩm.

Làng nghề giấy truyền thống Jeonju (Hanji): Những ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc Hanok nằm xen kẽ nhau dưới chân núi.

Làng giấy tỉnh Jeonju hiện lên như một ngôi làng cổ tích. Chính nơi đây đang gìn giữ một báu vật sống từ hơn 1.000 năm nay của người Hàn Quốc: Giấy Hanji. Nơi đây nổi tiếng với nghề làm giấy truyền thống từ vỏ cây dâu tằm. Hanji được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật thư pháp, sách cổ và trang trí. Trong khu làng Hanok này, cây dâu tằm được trồng xung quanh để làm nguyên liệu sản xuất luôn.

Khách đến đây ở trong các khu nhà theo kiểu cổ Hanok do Nhà nước xây. Tấm chắn cửa số, chao đèn tất nhiên là bằng giấy Hanji. Hoạt động hướng dẫn làm giấy cho du khách bắt đầu bằng việc thăm bảo tàng Hanji.

Nơi đây, các ứng dụng cơ bản của giấy, quy trình làm giấy được trưng bày. Du khách sau đó được hướng dẫn thăm xưởng. Họ có thể tự xeo giấy. Thời gian để ép và hong theo phương pháp truyền thống rất lâu, thế nên máy móc hiện đại được đưa vào ứng dụng. Giấy xeo xong được đưa qua máy hút cho phẳng rồi sấy trên bàn điện. 30 phút sau bạn đã có thể có tờ giấy của riêng mình. Ngoài ra, du khách có thể mua các sản phẩm từ giấy Hanji như đèn lồng, hộp quà, hoặc đồ nội thất trang trí.

Làng cổ Hahoe ở thành phố Andong (thủ phủ của tỉnh Bắc Gyeongsang, miền Trung Hàn Quốc) với niên đại trên 600 năm là một trong những làng cổ được bảo tồn nguyên vẹn nét sinh hoạt truyền thống theo họ tộc của triều đại Joseon.

Tên gọi Hahoe (Hà Hồi) ở đây chỉ dòng sông Nakdong có dòng chảy quanh làng và cho thấy vị trí gắn với nước non của ngôi làng này. Làng cổ Hahoe được hình thành từ cuối thời Goryeo bởi 3 dòng họ lớn ở Hàn Quốc là Huh, Ahn và Ryu, đến cuối thế kỷ XVII làng Hahoe trở thành không gian sinh sống của dòng họ Ryu và hiện chỉ có 100 gia đình còn sinh sống và cũng được biết đến là nơi “chôn rau cắt rốn” của hai anh em Ryu Unryong (học giả về Nho giáo nổi tiếng dưới Triều đại Joseon) và Ryu Sengryong, nguyên Thủ tướng Hàn Quốc trong giai đoạn Nhật Bản chiếm đóng (1592-1598).  

Là nơi sản xuất mặt nạ truyền thống Hahoe, biểu tượng của nghệ thuật múa mặt nạ Hàn Quốc, đây cũng là yếu tố giúp ngôi làng này có mặt trong danh sách “Di sản Thế giới” của UNESCO vào năm 2010.

Kịch múa mặt nạ Hahoe là một loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của làng Hahoe vốn có tuổi đời hơn 800 năm, nhằm tái hiện các giai đoạn lịch sử của làng, mô tả các sinh hoạt thường nhật của người dân đồng thời cũng là một hoạt động để cầu bình an cho người dân trong làng. Các buổi biểu diễn đều có chú thích lời thoại của các nhân vật bằng 3 thứ tiếng Anh, Nhật và Trung để phục vụ du khách nước ngoài.

20210118182224434-v9yogoo6-1731598873-1731646196.jpg
Cây dâu giấy - nguyên liệu cơ bản tạo nên Hanji đẹp, bền, chắc. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)

3. Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc phát triển du lịch làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Bảo tồn di sản văn hóa làng nghề: Hàn Quốc luôn chú trọng bảo tồn kiến trúc và cảnh quan truyền thống.

Ở Hàn Quốc bảo tồn nguyên trạng các làng nghề truyền thống, duy trì kiến trúc cổ xưa và cảnh quan tự nhiên, giúp du khách có trải nghiệm chân thực về không gian văn hóa. Có thể kể tới làng nghề Andong Hahoe - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, là mô hình điển hình của việc giữ nguyên vẹn không gian làng truyền thống.

Chính phủ Hàn Quốc ban hành Pháp luật và chính sách bảo tồn. Cụ thể, Hàn Quốc ban hành các luật bảo vệ di sản văn hóa, trong đó quy định chi tiết về việc bảo tồn làng nghề và hỗ trợ tài chính cho các nghệ nhân. Có thể kể tới chính sách: Chương trình bảo tồn và phát triển "Kỹ thuật viên nhân gian" (Intangible Cultural Heritage), bảo vệ các nghệ nhân truyền thống và các kỹ năng sản xuất cổ truyền. Bảo tồn nguyên bản các làng nghề là việc mà Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện.

Các làng nghề truyền thống như làng Hanok Bukchon, làng Hahoe tại Andong, hay làng nghề gốm Incheon đã được bảo tồn cẩn thận cả về kiến trúc và phong tục. Chính quyền Hàn Quốc không chỉ đầu tư vào việc phục hồi mà còn hạn chế xây dựng hiện đại xâm phạm cảnh quan truyền thống.

Gắn liền với văn hóa bản địa: Làng nghề thường được lồng ghép với các lễ hội và hoạt động văn hóa, như lễ hội mặt nạ Hahoe, lễ hội gốm Incheon, giúp du khách không chỉ tham quan mà còn tham gia các sự kiện đậm chất địa phương.

Phát triển sản phẩm làng nghề gắn với nhu cầu quốc tế: Đổi mới thiết kế sản phẩm là một hướng đi của Hàn Quốc trong phát triển sản phẩm gắn với nhu cầu quốc tế, phù hợp với thị hiếu hiện đại ngày nay.

Hàn Quốc kết hợp truyền thống và hiện đại trong thiết kế sản phẩm làng nghề để phù hợp với thị hiếu quốc tế. Sản phẩm gốm sứ Incheon được làm theo phong cách truyền thống nhưng có thiết kế hiện đại, được xuất khẩu và sử dụng trong các nhà hàng cao cấp trên toàn cầu.

Để phát triển sản phẩm gắn với nhu cầu quốc tế, ở Hàn Quốc, người ta định hướng tới sự đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ. Các làng nghề không chỉ bán sản phẩm được sản xuất từ làng nghề mà còn phát triển các dịch vụ trải nghiệm, mang tới cho du khách kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế như các hoạt động làm gốm, vẽ tranh, làm giấy Hanji… Từ đó giúp du khách quốc tế tham gia và hiểu sâu hơn về văn hóa địa phương, du khách trong nước thêm tự hào và thêm yêu văn hóa dân tộc.

Có thể kể tới làng giấy Hanji cung cấp các buổi trải nghiệm làm giấy thủ công, sản phẩm này còn được sử dụng trong ngành thời trang và trang trí nội thất cao cấp. Phát triển sản phẩm độc quyền: Mỗi làng nghề tạo ra các sản phẩm thủ công độc đáo, như gốm sứ cao cấp tại Incheon, quạt giấy từ Jeonju, hoặc đồ đồng tại Nambu. Du khách không chỉ tham quan mà còn mua quà lưu niệm, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ và tăng cường quảng bá quốc tế: Xây dựng nền tảng quảng bá số là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế.

Hàn Quốc đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ để quảng bá hình ảnh làng nghề, hoạt động du lịch làng nghề trên các nền tảng trực tuyến, cung cấp thông tin chi tiết về các làng nghề và các tour du lịch trải nghiệm. Các làng nghề được giới thiệu trên nền tảng trực tuyến, sử dụng thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) để thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế. Nền tảng Visit Korea giới thiệu các làng nghề, hướng dẫn đặt tour và cung cấp thông tin về các sản phẩm, ngoài ra ở đây còn cung cấp đa dạng các sự lựa chọn, thông tin giảm giá, giao diện bắt mắt, thu hút người xem.

Điều này tăng khả năng thành công cao trong việc quảng bá du lịch và ảnh hưởng tới quyết định du lịch của du khách quốc tế. Tham gia các sự kiện quốc tế là một kênh quảng bá du lịch hấp dẫn, hiệu quả. Giúp người quan tâm có cái nhìn ban đầu về du lịch làng nghề tại Hàn Quốc, từ đó khơi gợi trí tò mò và khám phá. Các sản phẩm làng nghề được giới thiệu tại các hội chợ văn hóa, triển lãm quốc tế, giúp nâng cao nhận thức về thương hiệu văn hóa Hàn Quốc.

Các sản phẩm thủ công từ làng gốm Incheon và làng giấy Hanji thường xuyên xuất hiện tại các triển lãm quốc tế như EXPO. Hợp tác với K-pop và K-drama. Làn sóng Hallyu bắt đầu tại Trung Quốc, và lan rộng sang các nước châu Á và toàn thế giới. Ban đầu, làn sóng Hallyu đã phát triển chủ yếu qua phim ảnh, và sau đó mở rộng sang lĩnh vực khác như K-pop. Trên thực tế, K-pop được coi như một sản phẩm văn hóa mang tính chiến lược của Hàn Quốc bởi lĩnh vực này không chỉ đem lại nguồn giá trị kinh tế gia tăng khổng lồ, mà còn tăng độ nhận thức về sản phẩm và thương hiệu quốc gia. Vì vậy, làn sóng Hallyu gắn bó mật thiết với phát triển kinh tế. Lượng người ngoại quốc yêu thích làn sóng Hallyu tăng mạnh và lượng khách du lịch tham quan Hàn Quốc năm 2011 đã tăng 32,1% so với năm trước đó.

Làn sóng Hallyu đã tạo nên nguồn giá trị gia tăng khổng lồ nên giới doanh nghiệp cũng đang quan tâm nhiều tới nền công nghiệp văn hoá, đặc biệt là K-pop. Hiện nay, làn sóng Hallyu được quảng bá không chỉ qua K-pop mà còn qua ẩm thực, thời trang… đang lan rộng tại châu Á và toàn thế giới, và đây chính là niềm tự hào của người Hàn Quốc.

Từ đây, Hàn Quốc tận dụng sự phổ biến của K-pop và K-drama để quảng bá làng nghề. Các sản phẩm làng nghề thường xuất hiện trong các bộ phim, chương trình truyền hình, tạo hiệu ứng lan tỏa toàn cầu.

Xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ: Đầu tư cơ sở hạ tầng, mà ở đây Chính phủ Hàn Quốc đầu tư mạnh vào giao thông và cơ sở vật chất để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến thăm các làng nghề. Có thể kể tới các tuyến xe buýt du lịch kết nối trực tiếp từ trung tâm thành phố đến các làng nghề nổi tiếng như Incheon và Jeonju - qua đó tạo sự thuận tiện và đáp ứng được nhu cầu đi lại cho du khách quốc tế.

Cơ sở hạ tầng ở đây còn là nhắc tới sự phát triển dịch vụ lưu trú và ẩm thực. Các làng nghề truyền thống được tích hợp với dịch vụ lưu trú như homestay, nhà nghỉ truyền thống (hanok), kết hợp với trải nghiệm ẩm thực địa phương tạo nên nét đặc sắc riêng, và quảng bá văn hóa Hàn Quốc - như chúng ta hay gọi là xứ sở Kim chi. Hay ví dụ về làng Jeonju Hanok cung cấp dịch vụ lưu trú tại các nhà cổ truyền thống và các lớp học nấu ăn món Hàn.

Giáo dục và truyền nghề: Chương trình truyền nghề được chính phủ, các tổ chức định hướng ở Hàn Quốc tổ chức qua các chương trình truyền nghề cho thế hệ trẻ, đảm bảo duy trì và phát triển các kỹ năng sản xuất truyền thống. Hàn Quốc tổ chức trường dạy nghề truyền thống tại Jeonju chuyên đào tạo các nghệ nhân làm giấy Hanji, gốm sứ và nhuộm vải.

Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc tăng cường giáo dục cộng đồng về giá trị của làng nghề, khuyến khích người dân tham gia bảo tồn và phát triển. Các hoạt động trải nghiệm thực tế làm sản phẩm tại các làng nghề cũng được coi là một hình thức giáo dục và truyền nghề

Hỗ trợ của chính phủ và hợp tác quốc tế: Chính sách hỗ trợ tài chính được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ thông qua việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các làng nghề thông qua các quỹ văn hóa, chương trình khởi nghiệp và phát triển du lịch.

Ví dụ, Chương trình "Cultural Heritage Promotion Fund" hỗ trợ trực tiếp cho các làng nghề và nghệ nhân.

Năm 2023, có 240 tổ chức nghệ thuật kinh doanh đã được kết hợp thông qua dự án quỹ hỗ trợ nghệ thuật. Tổng cộng 6,2 tỷ won đã được chuyển đến các tổ chức nghệ thuật.

Kể từ năm 2007, số lượng tích lũy các trường hợp kết hợp là 1.937 và số tiền trợ cấp của ngành nghệ thuật lên tới khoảng 52,7 tỷ won. Chi tiết có thể được tìm thấy trên thông báo trên trang web của Hiệp hội Mecenat Hàn Quốc.

Hợp tác quốc tế được thể hiện qua Hàn Quốc hợp tác với UNESCO và các tổ chức quốc tế để bảo tồn và quảng bá làng nghề. Việc làng Andong Hahoe được công nhận là Di sản Thế giới giúp tăng sức hút của du lịch làng nghề đối với du khách quốc tế.

 

Sáng tạo sản phẩm du lịch:

Du lịch văn hóa: Hàn Quốc tổ chức các lễ hội lớn như: Lễ hội hoa anh đào Jinhae, lễ hội bùn Boryeong, lễ hội pháo hoa Busan mang đậm nét văn hóa xứ sở kim chi.

Du lịch hiện đại: Hàn Quốc nổi lên các Khu phố Gangnam, Lotte World Tower, khu mua sắm Myeongdong, các quán cà phê và nhà hàng theo chủ đề.

mat-na-hahoe-duoc-xem-nhu-bau-vat-quoc-gia-1731597964-1731646238.png
Mặt nạ Hahoe-loại mặt nạ duy nhất được công nhận là bảo vật quốc gia. Ảnh: Sưu tầm

Du lịch truyền thống và thiên nhiên: Quảng bá núi Seoraksan, đảo Jeju, hoặc trải nghiệm sống trong Hanok (nhà truyền thống).

Ý nghĩa của du lịch làng nghề đối với Hàn Quốc: Du lịch làng nghề truyền thống đang dần trở thành xu thế của phát triển du lịch hiện nay. Với Hàn Quốc, ý nghĩa của hoạt động này giúp bảo tồn văn hóa dân tộc. Cụ thể, du lịch làng nghề là cách để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống lâu đời. Qua đó, mang cho người dân Hàn Quốc lòng tự hào dân tộc, cũng như quảng bá nét đẹp văn hóa của đất nước con người nơi đây tới bạn bè thế giới.

Cùng với đó, phát triển du lịch làng nghề truyền thống đồng thời cũng là con đường giúp phát triển kinh tế địa phương. Hoạt động du lịch giúp thu hút du khách, ngoài việc mua các sản phẩm làng nghề, thì các loại hình dịch vụ đi kèm cũng có cơ hội phát triển, từ đó cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế khu vực. Các làng nghề truyền thống nói chung, du lịch làng nghề truyền thống nói riêng trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh Hàn Quốc ra thế giới.

4. Bài học đối với Việt Nam để phát triển du lịch làng nghề truyền thống

Từ kinh nghiệm giữ gìn và phát triển du lịch làng nghề truyền thống của Hàn Quốc, kết hợp và đặc điểm, nét đặc sắc riêng của văn hóa dân tộc, có thể đưa ra một số một số bài học đối với Việt Nam:

Kết hợp giữa bảo tồn và hiện đại hóa: Việt Nam có thể học hỏi từ Hàn Quốc trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa qua các chính sách hỗ trợ làng nghề, nghệ nhân, nhưng song hành với đó, thì vẫn có đổi mới sản phẩm để phù hợp với thị hiếu quốc tế.

Xây dựng chiến lược quảng bá toàn cầu: Tăng cường quảng bá làng nghề thông qua các nền tảng số, các sự kiện quốc tế và hợp tác với các ngành công nghiệp văn hóa khác như âm nhạc, điện ảnh. Văn hóa Hàn Quốc đã rất thành công trong việc mang hình ảnh đất nước, con người Hàn Quốc ra thế giới.

Việt Nam cũng có thể học tập kinh nghiệm của nước bạn qua các dự án phim truyện, hoặc âm nhạc mang hình ảnh quê hương đất nước, con người Việt Nam, trong đó lồng ghép các yếu tố quảng bá du lịch nói chung, du lịch làng nghề truyền thống nói riêng.

Hỗ trợ đa ngôn ngữ: Với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các làng nghề phát triển dịch vụ hướng dẫn viên hoặc bảng thông tin bằng nhiều ngôn ngữ để du khách quốc tế dễ dàng tiếp cận.

Đầu tư vào trải nghiệm du lịch: Hiện nay ở nước ta đã có một số làng nghề truyền thống kết hợp tham quan và trải nghiệm thực tế, mang lại cảm giác thích thú cho du khách khá thành công, như làng nghề Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc. Tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, và ít được phổ biến ở các làng nghề khác. Nước ta có thể phát triển các tour du lịch trải nghiệm tại làng nghề, kết hợp với lưu trú và ẩm thực truyền thống. Tổ chức các lễ hội và sự kiện văn hóa gắn liền với làng nghề để thu hút khách du lịch.

Du lịch làng nghề tại Hàn Quốc không chỉ là hành trình khám phá nghệ thuật và truyền thống, mà còn là cơ hội để du khách hòa mình vào đời sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là một mô hình mà Việt Nam có thể học hỏi và phát triển để đưa các làng nghề truyền thống trở thành điểm đến hấp dẫn hơn trong tương lai.​

Việt Nam có thể tổ chức các lễ hội gắn liền với các làng nghề, như: Lễ hội gốm tại Bát Tràng; Lễ hội tơ lụa tại Vạn Phúc; Lễ hội đồ gỗ tại làng mộc Kim Bồng. Các lễ hội này không chỉ quảng bá làng nghề mà còn thúc đẩy du lịch địa phươn

Chính sách hỗ trợ nghệ nhân:Nhà nước, các bộ, ban, ngành tạo điều kiện về tài chính, kỹ thuật và đào tạo để nghệ nhân và cộng đồng địa phương duy trì và phát triển làng nghề.

Kết hợp du lịch và mua sắm:

Phát triển sản phẩm độc quyền: Mỗi làng nghề tạo ra các sản phẩm thủ công độc đáo, như gốm sứ tại Bát Tràng, Làng lụa Vạn Phúc, hoặc đồ đồng tại Nambu. Du khách không chỉ tham quan mà còn mua quà lưu niệm, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.  Kết hợp sản phẩm thủ công với thiết kế hiện đại: Việt Nam có thể sáng tạo các mặt hàng bằng cách kết hợp chất liệu truyền thống với kiểu dáng hiện đại để thu hút khách hàng trẻ tuổi.

Liên kết với các tuyến du lịch: Kết hợp nhiều điểm đến: Các làng nghề có thể được liên kết với các điểm du lịch khác trong khu vực. Ví dụ, làng gốm Bát Tràng nằm trong tuyến du lịch tham quan Hà Nội, tạo thành một hành trình khám phá đa dạng.

Tour du lịch chuyên đề: Thiết kế, xây dựng các tour chuyên biệt như “Hành trình khám phá làng nghề thủ công Việt Nam” để thu hút các nhóm du khách có sở thích đặc biệt.

Phát triển du lịch bền vững:Phát triển bền vững là hướng đi lâu dài của mỗi quốc gia. Để du lịch làng nghề truyền thống thật sự phát huy được hiệu quả bảo tồn các giá trị văn hóa, vừa đảm bảo đủ sinh kế cho người dân thì phát triển bền vững càng cần được quan tâm trú trọng.

Giáo dục cộng đồng: Người dân địa phương được đào tạo cách đón tiếp du khách và bảo tồn văn hóa truyền thống. Điều này vừa giúp tận dụng nguồn lực hướng dẫn viên sẵn có tại địa phương, vừa giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Bảo vệ môi trường: Hạn chế ô nhiễm từ hoạt động du lịch, thúc đẩy sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong sản xuất thủ công.

5. Kết luận

Hàn Quốc được coi là một ví dụ thành công trong việc bảo tồn và phát huy được giá trị cốt lõi của các làng nghề truyền thống gắn liền với du lịch, từ đó nâng cao giá trị văn hóa và kinh tế. Từ đó văn hóa Hàn Quốc tạo nên ảnh hưởng của làn sóng văn hóa trong khu vực.

Việt Nam là nước có đặc sắc trong văn hóa, với nhiều tiềm năng sẵn có, hoàn toàn có thể áp dụng những kinh nghiệm này để xây dựng mô hình du lịch làng nghề hiệu quả, không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

TS Vũ Lệ Hằng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/phat-trien-du-lich-lang-nghe-truyen-thong-tai-han-quoc-bai-hoc-kinh-nghiem-doi-voi-viet-nam-a29417.html