Hậu Giang: Tìm mũi đột phá phát triển du lịch

Phát triển du lịch là một trong những mục tiêu trọng tâm của tỉnh Hậu Giang trong thời gian gần đây. Thành tựu từ phát triển du lịch đã và đang đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hậu Giang.

Điểm đến mới...
 
Theo ngành du lịch Hậu Giang, tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch với hệ thống sông ngòi chằng chịt, có nhiều sản vật vùng quê, như: khóm Cầu Đúc, bưởi Năm Roi Phú Hữu, quýt đường Long Trị, các món ăn được chế biến từ cá thác lác… Đây cũng là vùng đất có sự giao thoa về văn hóa của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa nên có đời sống văn hóa tín ngưỡng phong phú. Đặc biệt, Hậu Giang còn nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, hiện có 9 điểm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, bao gồm: Khu di tích Tỉnh ủy Hậu Giang (xã Phú Hữu); Di tích Nam kỳ khởi nghĩa (xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành); trụ sở Liên hiệp đình chiến Nam bộ và khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp); Di tích chiến thắng Tầm Vu (xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A); Đền thờ Bác Hồ (xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ); Di tích chiến thắng 75 tiểu đoàn Ngụy (xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ). Ngoài ra, còn có "Khu trù mật Vị Thanh- Hỏa Lựu; Di tích tội ác Mỹ- Diệm tàn sát đồng bào" và "Địa điểm Chiến thắng Vàm Cái Sình" (TP Vị Thanh). Những điểm di tích này góp phần tạo nên sự đa dạng, giúp cho Hậu Giang trở thành một trong những điểm đến mới thu hút du khách.


 
 
 Đền thờ Bác ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ.
 
Hậu Giang còn thơ mộng với những vườn trái cây trĩu cành, với Kinh xáng Xà No vừa nên thơ vừa mạnh mẽ mang phù sa bồi đắp cho hàng ngàn cánh đồng, đồng thời là tuyến giao thông đường thủy quan trọng của tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Kinh xáng Xà No không đơn thuần là con kinh bình thường mà nó mang cả gánh nặng lịch sử mở đất của người dân ĐBSCL. Theo nhà văn Sơn Nam trong "Lịch sử khẩn hoang Nam bộ", Kinh xáng Xà No dài khoảng 40km từ Vàm Xáng, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ thông ra sông Cái Tư, phường 7, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Hậu Giang còn được biết đến với bài vọng cổ "Tình anh bán chiếu" của cố soạn giả Viễn Châu để hiểu rằng cái tình của người Hậu Giang lai láng như dòng sông chảy đi bảy ngã…. Hậu Giang còn có Khu du lịch sinh thái rừng tràm chim Vị Thủy, đến đây, du khách sẽ cảm nhận được không khí thoáng đãng, mát trong và phản phất hương thơm vào mùa hoa tràm nở rộ. Đặc biệt, ở Hậu Giang có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng với diện tích trên 2.800 ha là nơi còn bảo tồn được nhiều sản vật có giá trị- Đây thật sự là nơi du khách có thể tìm về với thiên nhiên, cảm nhận được sự trong lành...

Thêm điểm thuận lợi khi phát triển du lịch Hậu Giang là hệ thống giao thông ở Hậu Giang nói riêng và việc nối Hậu Giang với các tỉnh, thành khác trong khu vực đã phát triển khá tốt. Hậu Giang không còn là điểm đến cuối cùng trong Tiểu vùng Tây Sông Hậu khi quốc lộ 1 được nâng cấp, đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, Bốn Tổng - Một Ngàn hoàn thành, cầu Cái Tư, cầu Đoàn Kết nối liền với huyện Gò Quao và Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Mấy năm gần đây, trên địa bàn TP Vị Thanh có nhiều khách sạn được đưa vào khai thác với khoảng 1.000 phòng, trong đó, TP Vị Thanh có 18 cơ sở với khoảng 300 phòng đã và đang khai thác hiệu quả…. Chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nói: "Tôi thường tổ chức các chuyến du lịch về Hậu Giang bởi khoảng cách gần, có thể đi trong ngày và giá cả phải chăng. Sau một tuần làm việc căng thẳng, cả gia đình đến Lung Ngọc Hoàng thưởng thức không khí trong mát để nạp năng lượng cho những ngày làm việc tiếp theo".
 
Chưa có sản phẩm du lịch riêng...
 

Theo ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang, Hậu Giang là một vùng đất thuần nông nên có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch miệt vườn sông nước gắn với lịch sử truyền thống, văn hóa tâm linh và du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, hiện tại du lịch Hậu Giang vẫn chưa thu hút được nhiều du khách; bởi có thể nói, Hậu Giang chưa xây dựng được điểm du lịch tiêu biểu. Các điểm du lịch nổi bật ở Hậu Giang hiện nay, như khu du lịch sinh thái rừng tràm chim Vị Thủy (khoảng 200 ha) chưa có nét riêng và khá nhỏ so với các rừng tràm ngập mặn khác đã thành danh khác trong khu vực, như: Rừng tràm Trà Sư ở An Giang với diện tích 850ha; Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng- Đồng Tháp hay Khu dự trữ sinh quyển thế giới- Vườn quốc gia Tràm Chim- Đồng Tháp với điểm nổi bật thu hút du khách là những chú Sếu đầu đỏ… Chợ nổi Ngã Bảy nổi tiếng trong bài hát "Tình anh bán chiếu" cũng không khác mấy so với chợ nổi Cái Răng ở TP Cần Thơ… Lượng du khách đến Hậu Giang có tăng hàng năm, nhưng số lượng vẫn khá hạn chế với bình quân trên 100.000 người, trong đó, khách quốc tế khoảng 4.000 người. Tỉnh có 100 cơ sở du lịch với trên 1.000 phòng nhưng chưa có khách sạn nào 4 hay 5 sao… Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Trường Đại học Cần Thơ, so với tiềm năng, du lịch Hậu Giang vẫn còn khiêm tốn, chưa thực sự thu hút và hiệu quả. Nói về chuyện đi du lịch Hậu Giang, anh Nguyễn Hoàng Tú, một du khách từng đến Hậu Giang, cho biết: "Các sản phẩm du lịch miệt vườn ở Hậu Giang không mới, đơn điệu, trùng lắp với các điểm du lịch khác ở ĐBSCL. Đồng thời, thiếu các điểm vui chơi hấp dẫn để "níu" du khách ở lại thêm nhiều ngày…". Thực tế, Hậu Giang có bưởi Năm Roi Phú Hữu, quýt đường Long Trị, nhưng thời gian gần đây, dịch bệnh trên cây có múi đã bắt đầu tấn công những vườn quýt ở Long Trị, nhiều nhà vườn đã đốn quýt để trồng gừng nên khó cạnh tranh với quýt hồng Lai Vung của tỉnh Đồng Tháp hay bưởi Năm Roi ở Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
 
Niềm tin vào sự đột phá...
 
Theo ông Nguyễn Duy Tân, tuy du lịch Hậu Giang còn khó khăn nhưng, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang rất quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch. Cụ thể, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển du lịch Hậu Giang từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh; giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã triển khai kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 26-11-2014 về việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/ TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII. Cũng theo ông Tân, kế hoạch chỉ rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm để du lịch Hậu Giang phát triển là tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch. Theo đó, ngành du lịch sẽ phối hợp cùng các địa phương, đơn vị doanh nghiệp xây dựng những sản phẩm du lịch theo hướng: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tín ngưỡng. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng tập trung xây dựng các dịch vụ phục vụ du lịch nhằm thu hút du khách. Đồng thời, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho phát triển du lịch. Điều đáng quan tâm là trong kế hoạch phát triển này tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với các dự án du lịch theo hướng tạo môi trường thông thoáng về thủ tục đầu tư để kêu gọi vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án du lịch và phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch...




Một góc TP Vị Thanh bên dòng Kinh xáng Xà No thơ mộng.
 
Có thể thấy những tín hiệu lạc quan trong phát triển du lịch ở Hậu Giang mấy năm gần đây, nhất là trong bối cảnh hạ tầng giao thông đang từng bước được hoàn thiện làm đòn bẩy để du lịch phát triển. Việc cụ thể hóa định hướng phát triển du lịch bằng Nghị quyết của Tỉnh ủy cũng cho thấy tâm huyết của lãnh đạo, nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc xây dựng một ngành du lịch Hậu Giang với nhiều đặc thù riêng so với các tỉnh, thành khác trong khu vực. Hy vọng, với định hướng phát triển này, Hậu Giang sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong thời gian tới.
 
Theo HÀ THANH (Báo Cần Thơ)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hau-giang-tim-mui-dot-pha-phat-trien-du-lich-a2941.html