Kiên Giang: Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo đáp ứng xu thế hội nhập

Kiên Giang xác định đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các thành phần kinh tế và toàn xã hội nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài 1: Nguồn nhân lực thiếu và yếu

Nghị quyết 104/2017/NQ-HĐND tỉnh Kiên Giang, nêu rõ, giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh đã triển khai đào tạo, bồi dưỡng cho 88.583 lượt cán bộ, công chức, viên chức các cấp, trong đó đào tạo chuyên môn là 5.003 lượt người, đào tạo lý luận chính trị là 5.444 lượt người, bồi dưỡng các loại là 78.136 lượt người.

Đến năm 2015, toàn tỉnh có trên 36.000 người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, chiếm khoảng 2,04% dân số; cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học 22.225 người, chiếm 71,22%, trình độ trung cấp 6.813 người, chiếm 21,83%. Cán bộ cấp xã có trình độ trung cấp trở lên chiếm 75%, tăng 19% so với năm 2010. 

Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng với hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, kiến thức quản lý Nhà nước. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh được nâng lên, phát triển về số lượng, chất lượng và cơ cấu, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được chuẩn hóa về trình độ, tiêu chuẩn, nghiệp vụ. Trên 95% cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; trên 98% cán bộ, công chức, viên chức cấp phòng đều đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Trên 80% cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo tiêu chuẩn trình độ chuyên môn; 100% được bồi dưỡng kiến thức kỹ năng lãnh đạo quản lý.

kien-giang-1729826472.png

Theo tiến sĩ Chu Văn Hưởng, Phó Hiệu trưởng Trường chính trị tỉnh Kiên Giang, quá trình phát triển nguồn nhân lực trí thức khoa học đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tỉnh Kiên Giang có một số mặt hạn chế: Nguồn nhân lực trí thức khoa học của tỉnh có cơ cấu chưa hợp lí về trình độ chuyên môn, về ngành nghề, lĩnh vực công tác, về thành phần dân tộc, cũng như về giới tính. Cụ thể: Cơ cấu trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực trí thức khoa học có sự mất cân đối lớn. Số người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ còn chiếm tỉ lệ rất thấp và đào tạo nghề chưa gắn kết tốt với nhu cầu sử dụng lao động. Nhân lực sau khi đào tạo chưa phát huy hết năng lực, sở trường để cống hiến.

Tỷ lệ nguồn nhân lực trí thức khoa học phân theo lĩnh vực công tác phân bố chưa hợp lý. Phần lớn trí thức khoa học tập trung ở các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập, trí thức khoa học có trình độ sau đại học trên 50% tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp,… Trong khi đó, những ngành nghề tiềm năng, lợi thế của tỉnh như du lịch, thương mại - dịch vụ, xây dựng, kinh tế biển,… thì số nguồn nhân lực trí thức khoa học có trình độ cao còn rất ít. Đặc biệt, ở các doanh nghiệp, chỉ có khoảng 6,1% doanh nhân có trình độ từ đại học trở lên; một số trí thức khoa học có trình độ cao nhưng chưa có nơi làm việc và môi trường tốt để phát huy năng lực.

Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trí thức khoa học chưa gắn kết nhiều với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa thu hút được nguồn nhân lực trí thức có chất lượng cao về địa phương công tác. Tỷ lệ nguồn nhân lực trí thức khoa học nữ thấp hơn so với nam và ở trình độ đào tạo càng cao thì nữ trí thức khoa học càng giảm dần. Mặc dù phân bố rộng khắp các lĩnh vực nhưng tỉ lệ trí thức khoa học nữ chỉ tập trung nhiều ở một số ngành như: giáo dục - đào tạo, y tế, thương nghiệp, dịch vụ, du lịch,… 

Đồng thời, tỷ lệ nguồn nhân lực trí thức khoa học dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ rất thấp so với tổng số trí thức khoa học, chỉ có 2.395 người có trình độ từ đại học trở lên, chiếm 6,29%, chủ yếu là trí thức khoa học người Khmer và người Hoa. 

Cùng với đó, chính sách đầu tư không cao, kèm theo chế độ đãi ngộ thấp nên một số thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên gia ở một số chuyên ngành chỉ làm việc ở tỉnh trong thời gian ngắn rồi chuyển công tác sang tỉnh, thành khác. Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít trí thức khoa học đã rời tỉnh Kiên Giang tìm nơi làm việc mới mà nguyên nhân là do những hạn chế, bất cập của chính sách đãi ngộ, khuyến khích. Trong khi đó, cũng có một số trí thức khoa học từ các nơi khác đến Kiên Giang làm việc, nhưng vì chính sách thu hút chưa đủ hấp dẫn nên chưa thu hút được nhiều trí thức khoa học tài giỏi đến tỉnh làm việc, một số chủ yếu đến tỉnh để được hưởng chính sách ưu đãi nhưng sau một thời gian lại “ra đi” bởi có những yêu cầu chính đáng không được đáp ứng.

ThS Phạm Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, cho rằng, năng lực của một số cán bộ chưa đồng đều, thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị giỏi, cán bộ chuyên sâu trên một số lĩnh vực chuyên ngành, nhất là các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: Du lịch, thương mại, nông nghiệp, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông; khả năng đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế còn hạn chế. Một số cán bộ lãnh đạo quản lý uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Thực tiễn cho thấy, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực còn thấp. Mặc dù, đội ngũ cán bộ từng bước được chuẩn hóa, được đào tạo nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu nền công vụ hiện nay; trong các đơn vị, tổ chức cần đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ tuy nhiên thực tế thì tỷ lệ này còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ còn thiếu trong các lĩnh vực thuộc thế mạnh của tỉnh. 

Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ, kỹ năng sau đại học chưa thật sự theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ, hoặc sau khi đào tạo không sử dụng được. Trong công tác thu hút nhân tài, bổ sung vào nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh chưa có chính sách phù hợp, đủ mạnh để thu hút có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh công tác. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, điều này cũng phần tác động không tốt đến việc đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp bổ sung nguồn lực lao động cho tỉnh nhà.

Các chủ thể làm chính sách, công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực chưa được thực hiện thường xuyên, ổn định hướng và có hiệu quả thực chất, do đó chưa xác định được một cách rõ ràng, có cơ sở về cơ cấu, ngành nghề cần đào tạo, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực và thực tiễn thời gian qua, theo đánh giá khách quan thì nguồn nhân lực trong lĩnh vực công, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nghị Quyết 104/2017/NQ-HĐND tỉnh Kiên Giang, chỉ rõ, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh chuyển biến chưa nhiều; những hạn chế, yếu kém ở lĩnh vực khoa học và công nghệ, văn hóa, y tế, bảo vệ môi trường còn chậm khắc phục; mạng lưới trường lớp còn phân tán, trường đạt chuẩn quốc gia, trường trọng điểm, trường chất lượng cao phát triển chậm; trường ngoài công lập còn ít, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu; đội ngũ nhà giáo còn thừa, thiếu cục bộ.

1-kien-giang-1729826588.jpg

Cơ cấu đào tạo ngành nghề còn mất cân đối và thiếu đồng bộ; cao đẳng, đại học, sau đại học tăng, trung học chuyên nghiệp giảm. Cơ sở vật chất cho đào tạo còn thiếu; máy móc, thiết bị nghiên cứu, dạy học thiếu đồng bộ và tính thực tiễn chưa cao, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; giáo viên có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, giáo viên giỏi ở các khoa, ngành đào tạo còn thiếu. Công tác tư vấn, hướng nghiệp chưa sát với thực tế, hạn chế đến việc phân luồng và định hướng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Một bộ phận sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm.

Cán bộ đầu ngành còn thiếu và yếu, tỷ lệ qua đào tạo sau đại học còn ít, trình độ chuyên môn cho các chức danh cần thiết còn thiếu và một số chưa theo đúng ngành nghề; số lượng cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo đại học, sau đại học tuy nhiều nhưng phần lớn là đào tạo hệ chuyên tu, vừa làm vừa học nên chất lượng còn hạn chế, chưa phát huy tốt. Đào tạo sau đại học phần lớn chưa đúng chuyên ngành của đối tượng được đào tạo, còn mang tính tự phát; nhân lực sau khi được đào tạo chưa phát huy hết năng lực, sở trường cống hiến.

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu khả năng độc lập, quyết đoán trong giải quyết và xử lý công việc. Một số chưa có khả năng dự báo tình hình để chủ động xây dựng chương trình kế hoạch công tác, thực thi nhiệm vụ chuyên môn được giao, nên hiệu quả công tác chưa cao; khả năng sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp và giải quyết công việc với người nước ngoài còn hạn chế, thiếu kiến thức hội nhập quốc tế trong tình hình mới; tác phong, lề lối làm việc chậm đổi mới; văn hóa công sở, giao tiếp hành chính và thái độ, ứng xử chưa thể hiện tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ.

Đối với cộng đồng xã hội, nhất là vùng nông thôn vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc nhận thức về đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Một bộ phận dân cư còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, bằng lòng với cuộc sống và trình độ học vấn hiện tại, chưa thực quan tâm, tạo điều kiện cho bản thân và con em mình học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp

ThS Hình Nhật Tân, giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, cho biết, từng lúc, từng nơi, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy và các sở, ngành, chính quyền địa phương đôi lúc chưa kịp thời, thường xuyên; thiếu quyết liệt, chưa phối hợp tốt với các cá nhân, tổ chức, đơn vị hữu quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tinh thần học tập, nâng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ chưa cao, nguồn kinh phí cũng như huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển nhân lực còn hạn chế. Cơ chế, chính sách của tỉnh chậm được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; chưa đủ hấp dẫn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Có thể thấy rằng, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức công bố ngày 22/3/2018, tỉnh Kiên Giang đứng vị trí thứ 20 so với 63 tỉnh, thành trong cả nước (giảm so với năm 2016) và thứ 6 so với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sau Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Trương Anh Sáng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-ben-vung-a29327.html