Quảng Ngãi: Du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn tạo nhiều cơ hội làm việc, thu nhập cho người lao động

Thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt 6 Chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai Chương trình này, là loại hình du lịch mới, bước đầu tạo nhiều cơ hội việc làm, nguồn thu nhập cho người lao động nông thôn.

2-ben-thuyen-dua-du-khach-tham-quan-bau-ca-cai-1729429260-1729475677.jpg
Bến thuyền đưa du khách tham quan Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn

Trên cơ sở Phê duyệt của Chính phủ, ngày 20/02/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND về việc triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái cảnh quan của khu vực nông thôn tỉnh Quảng Ngãi. Đây là định hướng đúng đắn, là cơ hội để phát triển du lịch, đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững, hoàn thành mục tiêu kép trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, HĐND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết nhằm hỗ trợ cho việc phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí gần 10 tỷ đồng cho các địa phương triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trong các năm 2023 và 2024.

Qua gần 2 năm triển khai các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, đến nay hoạt động du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn ở Quảng Ngãi phát triển đáng kể, được nhiều du khách trong, ngoài tỉnh biết, tham gia trải nghiệm du lịch cộng đồng tại các địa phương như: Làng Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành; Rừng dừa Cà Ninh xã Bình Phước; Bàu Cá Cái xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn; Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ; Rừng dừa xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi; làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ; Xóm Cây Gạo xã Đức Tân, huyện Mộ Đức,...

Tuy mới phát triển nhưng có thể khẳng định rằng: Du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn là loại hình du lịch mới nhưng mang lại nhiều cơ hội việc làm, tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân tại khu vực nông thôn, thông qua kênh du lịch này là điều kiện để quảng bá, giao lưu, trao đổi văn hóa, các sản phẩm OCOP đặc trưng của mỗi địa phương vùng miền,… Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đem lại lợi ích ở cả ba khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường. Góp phần làm giảm áp lực cho khu vực thành thị, tăng cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn, phát triển cộng đồng, gắn kết xã hội và phục hồi, bảo tồn văn hóa, góp phần bảo tồn đa dạng sinh thái, làm mới làng xã theo hướng xanh, sạch, nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng với nông nghiệp. tạo điều kiện tót cho du khách được sống trong bầu không khí trong lành, thật sự thư giãn khi cảm nhận nét thanh bình của làng quê Việt Nam.

3-cac-thanh-vien-to-cong-dong-dua-du-khach-tham-quan-rung-trong-trong-bau-ca-cai-anh-nguyen-dang-lam-1729429261-1729475718.jpg
Các thành viên Tổ du lịch cộng đồng xã Bình Thuận đưa du khách tham quan trong rừng ngập mặn Bàu Cá Cái

Cuối tháng 7 vừa qua, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững miền Trung và Tây Nguyên lần thứ V” tại hội thảo này cũng đã ký kết hợp tác giữa Trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp (Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN) với 04 Hợp tác xã, tổ hợp tác du lịch cộng đồng, trong đó tỉnh Quảng Ngãi có 02 đại diện được lựa chọn để ký kết hợp tác lần này đó là: Tổ Du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn và HTX Muối biển truyền thống và Du lịch cộng đồng Sa Huỳnh.

Việc ký kết hợp tác có ý nghĩa rất lớn, nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các đơn vị, tạo mối liên kết khai thác thế mạnh của mỗi bên, triển khai có hiệu quả các nội dung ký kết, phục vụ sự nghiệp bảo tồn và phát triển bền vững trong việc thực hiện các chương trình, dự án, các đề tài nghiên cứu, giáo dục và đào tạo trên các lĩnh vực có liên quan nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống, văn hóa địa phương và phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn bền vững. Đồng thời tạo cơ hội để thực hiện việc trao đổi chuyên gia, giảng viên/nghiên cứu viên của hai bên để nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng,... sẽ góp phần nâng cao năng lực cộng đồng, cải thiện sinh kế và phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương có điểm du lịch cộng đồng.

gian-hang-ban-cac-san-pham-ocop-cua-cac-htx-co-so-san-xuat-kinh-doanh-trong-tinh-1729429261-1729475749.jpg
Gian hàng trưng bày bán các sản phẩm OCOP huyện Mộ Đức

Để tiếp tục hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục có những cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia làm du lịch kết hợp sản xuất nông nghiệp trên cơ sở khai thác những giá trị văn hóa, bản sắc đặc trưng của mỗi vùng quê góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững. Để hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tỉnh Quảng Ngãi cần sớm triển khai thực hiện một số giải pháp đó là: UBND các huyện, thị xã, thành phố dựa trên quy hoạch phát triển du lịch gắn với chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp theo định hướng mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù, độc đáo của các địa phương... phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trên nền tảng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao nhằm hạn chế mặt tiêu cực từ quá trình đô thị hóa, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; Tập trung tổ chức các đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiềm năng, lợi thế, yêu cầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 703/QĐ-BNN-VPĐP ngày 11/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành; Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng thương hiệu đặc trưng. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn nói riêng; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh; Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng dịch vụ cần được thực hiện thông qua các tiêu chuẩn và cam kết bảo đảm chất lượng dịch vụ giữa nhà cung ứng dịch vụ với các doanh nghiệp lữ hành, tăng cường vai trò điều phối của cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và du lịch.

6ab-cung-vui-o-diem-du-lich-moi-tho-annsna-nguyen-dang-lam-1729429261-1729475786.jpg
Thọ An huyện Bình Sơn là một điểm du lịch cộng đồng mới của đồng bào dân tộc Cor nơi đây

Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục quan tâm hơn nữa lĩnh vực du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn nói riêng, xem phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội; chú trọng phát huy vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; tăng cường sự quản lý điều hành của nhà nước về đầu tư nguồn lực cho phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn… thì du lịch Quảng Ngãi sẽ không ngừng phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hướng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Nguyễn Đăng Lâm

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quang-ngai-du-lich-cong-dong-nong-nghiep-nong-thon-tao-nhieu-co-hoi-lam-viec-thu-nhap-cho-nguoi-lao-dong-a29296.html